Nỗi ám ảnh về 'thế hệ mất mát' của kinh tế Nhật

Số phận của nước Nhật đã được định đoạt từ rất lâu trước khi ông trở thành Thủ tướng, đó là từ khi nước Nhật mất đi hẳn một thế hệ người lao động lẽ ra phải giữ vị trí chủ đạo trong kinh tế Nhật hiện nay.

Ảnh: Nikkei

Khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tái đắc cử vị trí chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng trước, ông đưa ra một cam kết không khác trước bao nhiêu. Theo ông Abe, chính phủ của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến chống giảm phát vốn đã ám ảnh Nhật suốt nhiều thập kỷ.

Những mối rủi ro mới, ví như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày một leo thang, sẽ khiến cho cuộc chiến cũ trở nên gian nan hơn. Thế nhưng nếu Thủ tướng Abe thất bại, chỉ có thể khẳng định rằng số phận của nước Nhật đã được định đoạt từ rất lâu trước khi ông trở thành Thủ tướng, đó là từ khi nước Nhật mất đi hẳn một thế hệ người lao động lẽ ra phải giữ vị trí chủ đạo trong kinh tế Nhật hiện nay.

Một người đàn ông 40 tuổi hiện đang làm việc cho tổ chức tài chính ở Tokyo buồn rầu chia sẻ: “Trong công ty tôi, chẳng có vị trí nào để tôi có thể thăng tiến cả”. Ông và những đồng nghiệp của ông thường xuyên phàn nàn về triển vọng thăng tiến u ám cũng như tình hình lương thưởng chẳng có gì hứa hẹn sẽ cải thiện.

Người ta chưa thể quên được thế hệ người lao động hơn thế hệ này 10 năm trước đây, cụ thể hơn là những người tốt nghiệp đại học cuối thập niên 1980 và đầu 1990 khi kinh tế Nhật đang tăng trưởng tốt. Trong thời gian này, việc kiếm được công việc tại tập đoàn lớn “dễ dàng như ăn bánh”.

Và khi mà còn quá nhiều thành viên thuộc thế hệ bong bóng này vẫn đang tiếp tục thăng tiến, người đàn ông 40 tuổi trên thừa hiểu rằng con đường thăng tiến của ông còn quá xa vời.

Những người lao động Nhật hiện đang ở độ tuổi sau 35 cho đến trước 45 tuổi được xếp vào thế hệ mất mát hay còn gọi là thế hệ của thời kỳ “việc làm đóng băng”. Họ bắt đầu tìm việc sau khi bong bóng kinh tế Nhật xì hơi. Khi Nhật chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990, các doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng người lao động để đảm bảo việc làm cho những người làm từ trước đó.

Theo người đàn ông 40 tuổi nói trên, trong tổ chức tài chính của ông, hiện có đến hơn 100 đồng nghiệp ở tuổi cuối 40 hoặc ngoài 50, gấp đôi tỷ lệ đồng nghiệp ở độ tuổi của ông.

Ông tin rằng thế hệ của ông chịu quá nhiều gánh nặng bởi yếu tố mất cân bằng về nhân khẩu học của công ty.

Các số liệu công bố cho thấy người đàn ông này thực ra không hề đang ảo tưởng. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật công bố vào tháng 2/2018, tỷ lệ quản lý độ tuổi 40 đang giảm. Trong nhóm người lao động nam độ tuổi từ 40 đến 44, chỉ có 8,4% vươn lên được vị trí quản lý, tỷ lệ này thấp hơn 3,6% so với năm 2007.

Còn xét theo mức lương, người lao động trong độ tuổi từ 40 đến 44 kiếm được trung bình 327 nghìn yên tương đương 2.905USD/tháng trong năm 2017, thấp hơn 6,8% so với mức lương của người lao động cùng nhóm tuổi trước đó 10 năm.

Một nhóm dân số Nhật đang phải chịu cuộc sống khó khăn hơn các nhóm dân số khác. Ước tính trung bình khoảng 17 triệu người, tương đương khoảng 15%, thuộc về thế hệ mất mát này, họ chịu nhiều áp lực phải tiết kiệm hơn nữa.

Chính hành vi này tạo ra nhiều áp lực lên tăng trưởng kinh tế cũng như giá cả và gây khó cho Thủ tướng Abe cũng như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật, những người đang vô cùng cố gắng để đưa lạm phát Nhật lên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại viện nghiên cứu NLI, bà Naoko Kuga, nhận xét: “Những người trong độ tuổi 40 thường chi tiêu nhiều vào nhà ở hoặc giáo dục cho con cái, thế nhưng ngay cả chi tiêu cơ bản đó cũng đang bị tiết giảm. Còn các khoản chi tiêu khác kiểu như đi nghỉ gia đình hoặc ăn tối ở ngoài cũng bị giảm mạnh”.

Thông thường, khi người lao động không thấy có cơ hội thăng tiến, họ thường tìm việc làm mới với lương lậu tốt hơn. Thế nhưng điều này không hề dễ trong bối cảnh Nhật bởi hệ thống tuyển dụng và lương thưởng vô cùng đặc thù của nước này.

Doanh nghiệp thường thích tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, chính vì vậy lựa chọn công việc cho người lao động đã có tuổi vô cùng hạn chế.

Những thành viên kém may mắn hơn thuộc thế hệ mất mát thậm chí chỉ còn tiếp tục được đi làm bán thời gian hoặc công việc hợp đồng ngắn hạn. Thu nhập thấp, điều kiện công việc không tốt, và khi thời gian qua đi, họ gặp nhiều khó khăn nếu muốn thay đổi tình hình và cải thiện cuộc sống. Những cá nhân không có việc làm thường xuyên thường ít muốn kết hôn hoặc có con cái.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/noi-am-anh-ve-the-he-mat-mat-cua-kinh-te-nhat-3473205.html