Nỗ lực ổn định đời sống người dân di cư tự do
Giải quyết dứt điểm các vấn đề về bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống người dân di cư tự do là một trong những khó khăn đặt ra cho tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập.

Học sinh tiểu học vui chơi tại khu vực sắp xếp, ổn định dân di cư tự do Đạ M’Pô, nay thuộc xã Đam Rông 2.
Hàng ngàn hộ dân di cư tự do cần sắp xếp, ổn định
Lâm Đồng (cũ) và Đắk Nông (cũ) là hai địa bàn có số lượng dân di cư tự do lớn ở khu vực Tây Nguyên. Dân di cư tự do chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào và sinh sống bất hợp pháp trong những khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu vực rừng phòng hộ, biệt lập với bên ngoài, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Sau khi sáp nhập các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận thành tỉnh Lâm Đồng mới, vấn đề ổn định dân di cư tự do càng cấp bách hơn.
Từ những năm 2000, các dự án ổn định dân di cư tự do đã được Trung ương và các tỉnh thực hiện. Riêng giai đoạn từ năm 2020 - 2025, thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ “về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường” đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc ổn định dân di cư tự do. Theo đó hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Đắk Nông (cũ) đã tiến hành 15 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Đã có 5 dự án hoàn thành và 10 dự án đang chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030. Điều này góp phần rất lớn trong việc ổn định đời sống bà con di cư tự do, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Các thầy giáo của trường Tiểu học Liêng S’rônh hết lòng với học sinh tại điểm trường ở Tiểu khu 179
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không còn tình trạng dân di cư tự do. Tuy nhiên vấn đề ổn định đời sống cho bà con dân di cư tự do vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Các tài liệu cho thấy hiện nay, đến đầu năm 2025, khu vực Đam Rông có 1.070 hộ/5.143 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do vào chưa ổn định đời sống. Còn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (cũ), hiện còn hơn 3 ngàn hộ dân với trên 13 ngàn nhân khẩu chưa được quy hoạch bố trí ổn định đời sống. Bà con chủ yếu sống trong rừng hoặc trong các khu vực khó khăn, cách xa trung tâm, kết cấu hạ tầng thiếu, nhất là về giao thông. Sản xuất chưa phát triển, bà con sống tự cung tự cấp là chủ yếu, đời sống khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết thêm: Những năm qua, một bộ phận người di cư tự do đã phá rừng để lấy đất sản xuất gây tác động xấu đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Trong khu vực dân di cư tự do còn xuất hiện một số tệ nạn xã hội đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Điều này gây ra áp lực rất lớn và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo ổn định an ninh trật tự.
Đồng chí Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: “Vấn đề dân di cư tự do là một trong những khó khăn lớn của tỉnh sau sáp nhập”.

Chính quyền địa phương kịp thời giúp người dân các tiểu khu khắc phục khó khăn về cầu, đường đảm bảo giao thông thông suốt
Khó khăn đặt ra
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay, quỹ đất của tỉnh rất hạn chế nên vấn đề bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con dân di cư tự do là bài toán khó giải.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm: Hiện nay, một số điểm tái định cư, người dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt... nên đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, chưa thực sự ổn định bền vững.
Nguyên nhân, do nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho việc ổn định cuộc sống của dân di cư tự do còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nên các dự án thực hiện kéo dài, chưa đầu tư thực hiện hết các hạng mục công trình như đã phê duyệt, vì vậy chưa phát huy tối đa hiệu quả. Cơ sở hạ tầng của các dự án chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân hưởng lợi trong vùng dự án.

Chính quyền địa phương kịp thời giúp người dân các tiểu khu khắc phục khó khăn về cầu, đường đảm bảo giao thông thông suốt
Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình dân di cư tự do, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tại một số địa bàn chưa kịp thời, chặt chẽ nên việc thống kê nhu cầu sử dụng (đất ở, đất sản xuất) chưa đầy đủ, kịp thời. Nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bố trí cho các hộ dân di cư tự do cao, trong khi việc chuyển mục đích sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với diện tích đất nằm trong quy hoạch ba loại rừng.
Nguồn kinh phí bố trí đầu tư cho các dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự do kéo dài nhiều năm, dẫn đến nhiều dự án đang dang dở, chưa đạt mục tiêu đề ra...
Trong thời gian tới, với diện tích sau sáp nhập rộng nhất cả nước, tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ để ngăn việc bà con từ các tỉnh di cư tự do tới các địa bàn trên toàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự do để ổn định đời sống bà con, góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/no-luc-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-di-cu-tu-do-382309.html