Nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm độc đáo, nổi bật và thu hút du khách để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những tín hiệu vui

Sau thời gian trầm lắng bởi đại dịch Covid-19, cùng với các ngành kinh tế khác ở Quảng Ngãi, ngành du lịch dần phục hồi và có những bước tiến đáng ghi nhận.

Du khách tham quan và trải nghiệm dịch vụ ở Suối Chí (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Quảng Ngãi đạt 616.000 lượt, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85% so với kế hoạch năm 2023, doanh thu đạt 485 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ năm 2022.

Quảng Ngãi sở hữu nhiều tiềm năng về phát triển du lịch với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa cùng với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các du khách, trong đó nổi bật là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

Đặc biệt, với thắng cảnh thiên nhiên độc đáo hòa quyện với những nét hoang sơ vẫn còn lưu giữ, mỗi năm, đảo Lý Sơn hút một lượng lớn du khách. Huyện đảo này đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch cả trong và ngoài nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú trên huyện đảo được chú trọng đầu tư, phát triển. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng nâng lên rõ rệt và tỷ trọng ngành du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

Hiện Lý Sơn có 130 cơ sở lưu trú, trong đó có 17 khách sạn, 53 nhà nghỉ, 55 homestay, 5 nhà trọ với tổng số 1.057 phòng, từng bước đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Đặc biệt, vận tải khách tuyến biển Sa Kỳ- Lý Sơn được cải thiện và nâng cao đáng kể, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

Du khách lên tàu ra đảo Lý Sơn.

Giám đốc Ban Quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Hữu Đoan cho biết, tính đến ngày 19/7, với việc tàu Phú Quốc Express chính thức khai trương và đưa vào hoạt động, đã nâng số lượng đơn vị vận tải khách trên tuyến biển Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại là 5 đơn vị với 7 tàu.

Theo ông Đoan, tàu Phú Quốc Express là tàu hiện đại nhất ở tuyến vận tải biển này, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, động cơ Rolls Royce MTU nhập khẩu trực tiếp từ Đức, trang thiết bị hàng hải hiện đại, vận hành an toàn trong thời tiết khắc nghiệt, gió bão cấp 7. Mỗi lượt xuất bến, tàu đáp ứng nhu cầu phục vụ lên tới gần 300 hành khách, thời gian ra đảo ngược rút ngắn chỉ còn khoảng 35 phút.

“Sắp tới đây sẽ có thêm 2 tàu đưa vào hoạt động. Hy vọng với số lượng tàu, thiết kế ngày càng nâng cao sẽ phục vụ tốt hơn lượng khách đi lại trên tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn, nhất là vào mùa cao điểm du lịch với khoảng 3.000 khách/ngày”, ông Đoan chia sẻ

Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí, việc đưa thêm tàu vận tải khách tuyến biển Sa Kỳ- Lý Sơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đồng thời tạo ra môi trường có tính cạnh tranh và giá cả hợp lý hơn.

“Huyện đảo Lý Sơn được hướng phát triển thành trung tâm du lịch biển đảo tầm Quốc gia, sự hiện diện của tất cả đơn vị, doanh nghiệp đều là sự đóng góp để biến mong ước thành hiện thực”, ông Trí nói.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Năm 2021, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch, mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, du lịch phục hồi và phát triển, có sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế và đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng.

Tháng 6/2023, Quảng Ngãi tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn.

Tại kế hoạch này, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 đón được trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó, 250.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.825 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD), trong đó, thu từ khách quốc tế đạt khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 82,5 triệu USD).

Trong các giải pháp phát triển ngành du lịch, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; ưu tiên các vị trí tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư các dự án quy mô lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực cho du lịch phát triển.

Song song với đó, Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực, huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các chương trình, đề án thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông như tuyến đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi đến sân bay Chu Lai; tuyến đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh; các tuyến kết nối giao thông nội bộ TP Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía Đông Bắc là Lý Sơn, Bình Sơn; phía Nam, Tây Nam là Ba Tơ, thị xã Đức Phổ. Đây cũng là các tuyến mà tỉnh hình thành và đang quảng bá các tour du lịch, các điểm đến mới.

Tỉnh còn tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Để đạt được mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước tiên phải định vị được hình ảnh du lịch của tỉnh cho từng giai đoạn phát triển để phấn đấu, đồng thời đánh giá đúng hiện trạng và khơi dậy tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên. Tỉnh nỗ lực liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách,” Phó chủ tịch Thường trực UBND Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/no-luc-dua-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon.html