Ninh Thuận tạo động lực phát triển kinh tế tập thể

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo đó, năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh định hướng phát triển đưa kinh tế tập thể thật sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh phấn đấu đưa giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 8,8 đến 9%/ năm.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; khuyến khích phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã; chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sau chuyển đổi…

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp người dân tỉnh Vĩnh Phúc vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách. Tỉnh hiện có 2.306 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 137 điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn; thực hiện ủy thác cho vay thông qua bốn tổ chức chính trị - xã hội. Trong sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tạo điều kiện cho 16.226 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn. Nợ quá hạn của các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng giảm còn 0,31% tổng dư nợ.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, cơ sở sản xuất nấm công nghệ Hàn Quốc ở xã Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Ảnh: THẾ HÙNG

Ðể nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện cử cán bộ tín dụng đến từng thôn, xóm phối hợp cùng cán bộ ở cơ sở thực hiện rà soát, nắm rõ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó chủ động xây dựng phương án giải ngân phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, từng đối tượng… Cùng với đó, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nợ quá hạn, củng cố hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ninh-thuan-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-tap-the-613976/