Niềm vui lớn của ngư dân vùng biển An Hòa Hải

Huyện Tuy An và xã An Hòa Hải đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn và Lăng Phú Thường. Ảnh: THIÊN LÝ

Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn và Lăng Phú Thường được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã nâng tổng số di tích cấp tỉnh trên địa bàn huyện Tuy An lên 23, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của địa phương này. Đây là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Tuy An nói chung, ngư dân làng biển Hội Sơn và Phú Thường (xã An Hòa Hải) nói riêng.

Phú Thường và Hội Sơn là những đơn vị hành chính được hình thành từ lâu đời. Theo Địa bạ triều Nguyễn lập năm Gia Long thứ 14-15 (1815-1816), khi mới thành lập, địa danh Phú Thường có tên là An Thạnh Tân Lập thôn, còn Hội Sơn gọi là Lộc Sơn thôn thuộc Hà Bạc của huyện Đồng Xuân. Năm 1832, thôn An Thạnh Tân Lập đổi thành Phú Thường; thôn Lộc Sơn đổi thành thôn Hội Sơn, thuộc tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân và đến năm 1899 thuộc tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An. Trước năm 1946, 2 thôn này thuộc xã An Mỹ; từ năm 1955 thuộc xã An Hòa (nay là An Hòa Hải), huyện Tuy An.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn nằm dọc theo bờ biển, còn có tục danh là Gành Hòn Đá Mũi. Gành đá gồm những khối đá bazan được tạo thành do quá trình phun trào núi lửa diễn ra cách ngày nay hàng triệu năm, có độ cao thấp dần từ phía đất liền kéo dài ra phía biển, chạy theo hướng đông - tây, bắt đầu từ phía tây thôn Hội Sơn (xã An Hòa Hải) kéo dài đến miếu Bà của thôn Giai Sơn (xã An Mỹ). Cấu tạo các khối đá có kích thước khác nhau, nhiều màu sắc như nâu, đen sẫm, bị cắt xẻ bởi hệ thống khe nứt.

Lăng Hội Sơn được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức, là nơi ngư dân làng biển này thực hành tín ngưỡng thờ cá Ông, gắn với lễ hội Cầu ngư. Trong quá trình tồn tại, lăng Hội Sơn đã được tu bổ vào thập niên 80 của thế kỷ XX.

Còn lăng Phú Thường được xây dựng từ thời Gia Long (1802-1820), lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, lợp bằng tranh rạ, vách đất được tô bồi thêm thành vách vôi, rồi tiến dần lên lợp ngói vảy, sau đó bị bom đạn chiến tranh phá hủy. Sau ngày đất nước thống nhất (tháng 4/1975), người dân đã trùng tu, sửa chữa lại lăng như hiện nay. Ngoài chức năng thờ cúng, trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, cạnh lăng Phú Thường về hướng đông có hang Bà là nơi trú ẩn của đội công tác xã An Hòa và các lực lượng cách mạng, khi địch càn quét.

Cũng như ngư dân ở các vùng biển trên cả nước, trong tâm thức của ngư dân vùng biển này, cá Ông (cá voi) là hiện thân của một vị thần, thường cứu giúp người gặp nạn trên biển. Cho nên khi cá Ông lụy, ngư dân tổ chức mai táng và phụng thờ rất chu đáo. Họ cho rằng, vạn chài nào là nơi cá Ông lụy thì vạn chài đó sẽ được mùa tôm cá và gặp nhiều may mắn trong năm. Cá Ông cũng đã được các vua triều Nguyễn phong hàm “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí, “cá voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân Ngư, đầu niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư”...

Đã thành truyền thống, hàng năm vào tháng 4 âm lịch, ngư dân ở Hội Sơn - Phú Thường đều tổ chức lễ hội Cầu ngư. Trong đó, phần lễ có các nghi lễ như: nghinh rước sắc thần, nghinh rước Bà, thỉnh sanh, tế thần, khai diên, cúng âm hồn, cô hồn. Phần hội được mở đầu bằng việc hát bộ (hát lăng) với những vở tuồng tôn vinh công đức của cá Ông và các trò chơi dân gian. Việc thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội Cầu ngư của các cư dân vùng biển hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên - nơi mà từ bao đời nay, con người vừa phải chống chọi, vừa phải nương tựa để tìm kế sinh tồn, phát triển bền vững. Tín ngưỡng ấy còn phản ánh một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của cá Ông đã bao lần cứu giúp ngư dân trên biển, tưởng nhớ các vị thành hoàng, tiền hiền có công lập làng, dựng nghề. Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân ven biển Phú Yên đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Không chỉ có giá trị về thắng cảnh, nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn còn mang các giá trị khoa học về địa chất, địa mạo... Đây là tiềm năng để phát triển du lịch biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung.

Lễ rước Bà tại lễ hội Cầu ngư tại lăng Phú Thường. Ảnh: THIÊN LÝ

Chung tay gìn giữ, phát huy giá trị của di tích

Bà Lê Thị Kim Chi, cư dân thôn Hội Sơn bày tỏ: “Gành Đá Hội Sơn tuy chưa được nhiều người biết đến nhưng đây là một thắng cảnh đẹp, được người dân nơi đây xem như báu vật do thiên nhiên ban tặng. Nằm gần với gành đá là lăng thờ cá Ông, được lập từ khi mở làng. Để bảo tồn các di tích của cha ông để lại, bà con ở đây trên dưới như một, đoàn kết, thương yêu nhau và có trách nhiệm trong việc chăm lo gìn giữ, phát huy”.

Ông Dương Cấp, một vị cao niên ở làng biển Phú Thường cho biết: “Phú Thường là làng cổ. Từ khi làng xã được thành lập thì lăng Ông Phú Thường cũng được tạo lập để thờ Thần Nam Hải với mong muốn thần ân ban phước cho ngư dân, mưa thuận gió hòa, bà con được mùa no ấm. Ngoài việc thờ cúng Thần Nam Hải, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, lăng Phú Thường còn là nơi che giấu cán bộ cách mạng. Vì vậy, lăng Phú Thường luôn được các thế hệ con cháu chúng tôi chăm sóc và thờ phụng chu đáo. Người dân trong thôn đã bầu ra ban lạch để trông coi, bảo quản và duy trì việc cúng tế hàng năm theo định kỳ. Thành viên ban lạch là những người giàu kinh nghiệm trong nghề biển, có tâm huyết, luôn luôn đoàn kết gìn giữ di tích của cha ông để lại”.

Theo ông Bùi Sinh Nhật, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, trong thời gian tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa này. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng đề án trùng tu, bảo tồn, tôn tạo giá trị di tích và cảnh quan, môi trường của di tích. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm xâm hại di tích, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm di tích.

“Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa về giá trị của quần thể khu di tích này; tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết để phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương”, ông Nhật cho biết.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/299517/niem-vui-lon-cua-ngu-dan-vung-bien-an-hoa-hai.html