Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 52)

Sau 38 năm, kể từ ngày hy sinh, cặp 'trai tài gái sắc' Bùi Văn Lương, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn), BĐBP Quảng Ninh và chị Hoàng Thị Hồng Chiêm mới chính thức 'về chung một nhà'. Câu chuyện như cổ tích đó đã được viết lên bởi tấm lòng nhân ái, sự tri ân của chính đồng đội cũ của cả hai người nơi chiến trường Pò Hèn khốc liệt năm xưa...

Bài 52: Đám cưới cho liệt sĩ

Lời hẹn ước trên biên giới

“...Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ, mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai. Có những cuộc đời bình dị mà trong sáng, gợi cho chúng ta một lẽ sống đẹp tuyệt vời...” - Đó là những ca từ làm lay động lòng người trong ca khúc Có một đóa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cách đây gần 45 năm để ca ngợi gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và cổ vũ quân và dân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Quân dân tỉnh Quảng Ninh tri ân các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh Phương Vy

Ngược dòng lịch sử, cách đây 45 năm, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, địch dùng các loại hỏa lực hạng nặng bắn phá dữ dội vào Đồn CANDVT Pò Hèn. Vì cuộc chiến đấu khốc liệt đó, nên lời hẹn ước của đôi trai gái đã không thành hiện thực. Đó là chuyện tình của chiến sĩ Bùi Văn Lượng (sinh năm 1955), Đồn CANDVT Pò Hèn và Hoàng Thị Hồng Chiêm (sinh năm 1956, quê xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), nhân viên Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn.

Tại nhà riêng ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cựu chiến binh Hoàng Như Lý, người trực tiếp tham gia trận chiến đấu bảo vệ Đồn CANDVT Pò Hèn xúc động kể cho tôi nghe về chuyện tình yêu và sự hy sinh dũng cảm của hai người bạn thân: Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm...Theo đó, trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn cũng thế, chỉ còn một ít hàng. Chiều 16/2, chị Hồng Chiêm lên Pò Hèn dọn dẹp một số hàng ở kho. Sáng 17/2, khi trận đánh diễn ra, chị Hồng Chiêm không về tuyến sau mà ở lại, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn dũng cảm chiến đấu. “Đã từng có 4 năm trong quân ngũ trước khi về làm ở Cửa hàng bách hóa nên chị Hồng Chiêm rất bình tĩnh, mưu trí trong xử trí các tình huống. Chị vừa bắn trả địch, vừa sơ cứu cho thương binh của ta”- ông Hoàng Như Lý cho biết.

Ông Hoàng Như Lý vẫn nhớ như in hình ảnh Hồng Chiêm mặc chiếc áo dân quân, chân đi đôi giày vải, anh dũng chiến đấu. Trong trận đánh, anh Lượng bị thương, chị Hồng Chiêm chứng kiến nhưng không đến được gần, vì địch nã pháo liên tục nên cô chỉ đành nhìn người yêu, ứa nước mắt, động viên anh cố gắng vượt qua, còn mình tiếp tục nhằm thẳng quân thù mà đánh.

“Đây cũng là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau”, cựu chiến binh Hoàng Như Lý xúc động nhớ lại. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 86 người con ưu tú của Đồn CANDVT Pò Hèn và lâm trường, công ty thương nghiệp đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên ải. Cả anh Bùi Văn Lượng và chị Hoàng Thị Hồng Chiêm đều ngã xuống đúng ngày 17/2/1979 lịch sử ấy khi lời hẹn ước về ngôi nhà nhỏ và những đứa con chưa thành hiện thực...

Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Hồng Chiêm đã được ghi vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên. Ngày 10/3/1979, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng chị Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".

Đám cưới đẫm nước mắt sau 38 năm hi sinh

Ông Bùi Văn Huy (anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng) kể lại, em ông và cô nữ mậu dịch viên Nguyễn Thị Hồng Chiêm yêu nhau hơn một năm. “Tháng 1/1979, dịp Tết Nguyên đán, em ấy đưa bạn gái về ra mắt gia đình và bàn tính chuyện ra giêng tổ chức đám cưới. Tiếc là ước nguyện của các em chưa kịp trở thành hiện thực” - ông Bùi Văn Huy chia sẻ. Ông Hoàng Như Lý bồi hồi nhớ lại, chính ông Lý đã đưa anh Lượng lên báo cáo với Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai về dự định tổ chức đám cưới của hai người. “Đồn trưởng Mai rất ủng hộ và tuyên bố, sẽ chỉ đạo Đoàn thanh niên của đơn vị về tham dự. Nhưng đám cưới chưa kịp đến thì cả hai đã anh dũng hy sinh. Năm ấy, Hoàng Thị Hồng Chiêm 23 tuổi, còn chiến sĩ Bùi Văn Lượng 25 tuổi”- ông Hoàng Như Lý xúc động.

Cựu chiến binh Hoàng Như Lý đang kể cho tác giả nghe chuyện tình yêu, chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Bùi Văn Lượng và chị Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ảnh: Phương Vy

Suốt nhiều năm, ông Hoàng Như Lý vẫn đau đáu với lời hứa năm xưa của mình với đồng đội. “Tôi hứa với hai bạn, ngày cưới sẽ về dự, đưa đón dâu”. Năm 2017, tình cờ biết được mong mỏi của gia đình hai bên về việc tác thành cho chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, ông Hoàng Như Lý và đồng đội cũ của hai người đã nảy ra ý tưởng về việc tổ chức một lễ cưới cho hai liệt sĩ.

"Khi chúng tôi đặt vấn đề làm lễ cưới cho hai người, cả hai gia đình đều tán thành, để linh hồn hai liệt sĩ về ở mãi bên nhau" - ông Hoàng Như Lý tâm sự. Sau khi kết nối và được gia đình hai bên đồng ý, ngày 6/8/2017, một đám cưới đặc biệt đã diễn ra tại Quảng Ninh, với hành trình rước dâu Hạ Long – Móng Cái. Đó là “đám cưới của hai liệt sĩ” Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Đám cưới diễn ra ngay tại ngôi nhà tri ân do địa phương xây tặng, làm nơi thờ cúng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Cha liệt sĩ Bùi Văn Lượng vẫn còn sống, đại diện cho nhà trai. Đại diện nhà gái là ông Hoàng Văn Lợi (em trai liệt sĩ Hồng Chiêm). Ông Hoàng Như Lý làm chủ hôn.

"Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác. Cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai và đồng đội, bạn bè của hai liệt sĩ... trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều, khác biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ". "Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Bùi Văn Lượng từ thành phố Hạ Long ra thành phố Móng Cái. Lễ xin dâu xong họ gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh của liệt sĩ Hồng Chiêm về Hạ Long, đánh dấu ngày hai người chính thức trở thành vợ chồng”. Sau ngày cưới, trên ban thờ của 2 gia đình có thêm 1 bức ảnh. Mặc dù lúc còn sống, họ chưa có lễ trầu cau, nhưng giờ đây, ở nơi xa, họ có thể mỉm cười viên mãn.

Chuyện tình của liệt sĩ Bùi Văn Lượng- chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn và nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm sẽ còn mãi được ngợi ca về một tình yêu đẹp, sự can trường, lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-52-post472652.html