Những sáng kiến y khoa hữu ích

Năm 2022 và 2023, ngành y tế Cà Mau nghiệm thu 780 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm. Ðặc biệt có nhiều đề tài, sáng kiến xuất phát từ thực tiễn hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như phục vụ đắc lực công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành.

Mong muốn hợp tác, hỗ trợ Cà Mau trên lĩnh vực y tế
Nâng cao nguồn lực, đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế
Chuyển đổi số làm hài lòng người bệnh

Tận dụng dụng cụ nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa

Trong một lần tiếp nhận ca bệnh nuốt một phần tư chiếc lưỡi lam, ê kíp của Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Ða khoa Cà Mau) khẩn trương hội chẩn, phân tích nếu áp dụng cách lấy thông thường sẽ làm tổn thương thực quản, thậm chí gây chảy máu nhiều, bệnh nhân rất đau. Mọi người nhanh trí dùng găng tay vô trùng trùm phía ngoài mũ cứng (dụng cụ trong bộ thắt thun tĩnh mạch thực quản) cố định vào đầu ống soi. Khi tiếp xúc thành thực quản, găng tay che chắn lưỡi lam, giúp lấy dị vật ra nhanh và không tổn thương thực quản. Từ đó, các ca lấy dị vật đường tiêu hóa được Khoa Thăm dò chức năng thực hiện nhanh chóng, an toàn.

Bác sĩ CKI Lâm Ngọc Khanh (bìa phải), người có sáng kiến tận dụng dụng cụ nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa, mang lại hiệu quả cao.

Bác sĩ CKI Lâm Ngọc Khanh, Trưởng khoa, tác giả của sáng kiến, cho biết: “Ðối với những mảnh xương nhỏ, dị vật nhỏ, chúng tôi tái sử dụng mũ cứng chụp lên đầu ống soi, dị vật sẽ được hút vào trong mũ cứng và được kéo ra rất an toàn, gần như không gây trầy xước thực quản. Ðối với các xương lớn, dị vật nhiều góc cạnh sắc nhọn, chúng tôi kết hợp găng tay vô trùng và thực hiện như cách lấy lưỡi lam đã thành công!”.

Hằng năm, Khoa Thăm dò chức năng tiếp nhận từ 20-30 trường hợp bệnh nhân bị dị vật đường tiêu hóa, như: nuốt đinh, bao thuốc Tây, răng giả, xương cá… Sáng kiến tận dụng dụng cụ nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa ít tốn kém chi phí, linh hoạt trong sử dụng, do dễ mua, hiệu quả cao, giúp người bệnh tốn ít chi phí điều trị, nhất là độ an toàn cao, tránh các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Tự chế máy vùi mô đúc khối trong giải phẫu

Tại Khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Ða khoa Cà Mau), thạc sĩ Lâm Thanh Cầm cùng cử nhân xét nghiệm Hồ Chí Thảo và Bác sĩ Nguyễn Hà Ðô nghiên cứu tự chế máy vùi mô đúc khối trong kỹ thuật giải phẫu bệnh.

Cấu tạo của máy gồm: thân máy, bể chứa paraffin (dạng sáp), hệ thống vòi rót, bộ cấp nhiệt, hệ thống điều chỉnh nhiệt có cảm biến.

Thạc sĩ Lâm Thanh Cầm (thứ ba từ trái sang); cử nhân xét nghiệm Hồ Chí Thảo (thứ ba từ phải sang) cùng y, bác sĩ Khoa Giải phẫu bệnh thảo luận về hệ thống tự chế máy vùi mô đúc khối trong kỹ thuật giải phẫu bệnh.

Khoa Giải phẫu bệnh là nơi thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán mô bệnh học và tế bào học, để cho ra kết quả chính xác và nhanh chóng, là căn cứ giúp chẩn đoán và điều trị hợp lý. Thạc sĩ Lâm Thanh Cầm, Trưởng khoa, cho biết: "Ðể xét nghiệm, chẩn đoán mô bệnh chính xác, cần cố định mô. Vì thế phải vùi mẫu mô trong paraffin thành khối, có tác dụng như một khuôn giữ vững bệnh phẩm, đồng thời thâm nhập vào bên trong tế bào, giữ cho các tế bào yên vị khi cắt mảnh. Vì nếu đem cắt mô phẩm ngay thì mối liên quan giữa các tế bào cũng như cấu trúc mô bị biến đổi, thậm chí đảo lộn do tác động cơ học. Ðây chính là nguyên lý của vùi bệnh phẩm".

Trước đây, khoa được trang bị máy vùi mô đúc khối chuyên dụng của Dự án phòng, chống ung thư đồng bằng sông Cửu Long, hiện máy đã hư hỏng, không sửa chữa được; đầu tư mua mới thì rất tốn kém. Việc đưa vào hệ thống máy tự chế vùi mô đúc khối trong kỹ thuật giải phẫu bệnh đã kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày của khoa, tính năng tiện dụng, các linh kiện thay thế dễ dàng, dễ mua, giá thành rẻ.

Sáng tạo mô hình mô phỏng vòng tuần hoàn máu

Để giảng dạy các bài thực hành giải phẫu sinh lý, giảng viên dùng các tranh vẽ, mô hình bằng chất liệu cao su hoặc hình ảnh 3D chiếu trên máy tính, sinh viên phải tưởng tượng nhiều, đôi khi rất khó nhớ. Vì vậy, việc trang bị mô hình cho sinh viên thực hành là hết sức cần thiết, nhà trường phải bỏ ra nguồn kinh phí rất lớn để mua sắm.

Từ thực tế đó, TS. Huỳnh Ngọc Linh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau cùng các cộng sự đã nghiên cứu và tạo ra “Mô hình mô phỏng vòng tuần hoàn máu ở người” với chi phí thấp, giúp sinh viên thực hành môn học giải phẫu sinh lý dễ học, dễ hiểu, nhớ lâu.

TS. Huỳnh Ngọc Linh nghiên cứu và tạo ra “Mô hình mô phỏng vòng tuần hoàn máu ở người”, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên thực hành môn Giải phẫu sinh lý dễ học, dễ hiểu, nhớ lâu.

TS. Huỳnh Ngọc Linh cho biết: “Tôi tham khảo mô hình 3D, tìm cách chế tạo ra mô hình bằng các vật dụng dễ kiếm, rẻ tiền. Mô hình được tạo với các mạch điện, khi được nạp dữ liệu, các bóng đèn LED được cấp nguồn điện sẽ cháy sáng. Các bóng đèn cháy sáng như dòng chảy lần lượt theo các nhánh tương đương với đường đi của các mạch máu. Phần mềm được cài đặt vào máy tính, có nút thanh menu để mở các file vòng tuần hoàn nhỏ, vòng tuần hoàn lớn, vòng tuần hoàn phối hợp, đã được nạp sẵn trong phần mềm. Mô hình có thể điều chỉnh tốc độ nhanh, chậm và cường độ ánh sáng của các đèn LED, giúp sinh viên dễ hiểu khi quan sát".

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-sang-kien-y-khoa-huu-ich-a31268.html