Những sai lầm khi ăn tôm gây nguy hại đến sức khỏe

Tôm là thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng như đạm, photpho, acid béo, canxi, các chất khoáng… Tuy nhiên, nhiều người có thói quen sai lầm khi ăn tôm dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.

Ăn càng nhiều tôm càng tốt

Nhiều người nghĩ tôm có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, cơ thể không thể hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, thậm chí còn gây ra tình trạng rỗi loạn hệ tiêu hóa như khó tiêu, chướng bụng, thậm chí dẫn đến tiêu chảy.

Theo các chuyên gia, người lớn chỉ nên ăn tối đa 100g tôm mỗi ngày, còn trẻ em dưới 4 tuổi chỉ nên ăn hạn chế ở mức 20-50g thịt tôm tùy từng lứa tuổi.

Tôm là món ăn ngon được nhiều người yêu thích nhưng nên ăn với lượng vừa phải

Ăn đầu tôm

Nhiều người có thói quen thích ăn đầu tôm to, đặc biệt là mắt tôm bởi nghĩ sẽ tốt cho mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên mọi người không nên ăn đầu tôm. Phần đầu tôm luôn bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết vì là nơi chứa nội quan như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp nên cũng có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng... Vì thế, khi ăn đầu tôm, cơ thể có thể bị nhiễm độc, ký sinh trùng.

Khi nhìn thấy đầu tôm có các biểu hiện như bị chuyển màu đen, mọi người tuyệt đối không chọn bởi tôm đó có thể sống trong môi trường nước bị ô nhiễm kim loại nặng, các loại muối của các chất kết tủa ở mang hoặc tôm bị bệnh dẫn đến đen mang.

Cố gắng ăn nhiều vỏ tôm vì nghĩ có nhiều canxi

Phần vỏ tôm thường cứng nên nhiều người nghĩ ăn càng nhiều vỏ tôm càng tốt để bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm bởi phần vỏ tôm rất ít canxi cũng như các chất dinh dưỡng khác. Đa phần canxi, chất dinh dưỡng đều tập trung ở phần thịt tôm, càng và chân tôm.

Không chỉ ít chất dinh dưỡng mà phần vỏ tôm còn chứa một lượng độc tố có hại cho sức khỏe. Phần vỏ chính là phần tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước tại ao, hồ, biển. Nếu môi trường nước bị ô nhiễm thì phần vỏ tôm sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc tố.

Nguy hại nữa khi mọi người ăn nhiều vỏ tôm chính là niêm mạc họng, dạ dày hoặc ruột dễ bị tổn thương bởi vỏ tôm cứng. Khi ăn vỏ tôm mọi người cũng dễ bị hóc, nhất là trẻ nhỏ.

Ăn tôm chung với các loại hoa quả chứa vitamin C

Vì độc tố có sẵn trong tôm khi kết hợp cùng vitamin C có thể tạo thành chất độc nguy hiểm asen 3 (thạch tín) dẫn đến chết người. Để bảo đảm an toàn sức khỏe, mọi người cần tuyệt đối tránh nấu chung tôm với các loại rau, củ hay ăn kèm với các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C.

Sau khi ăn tôm ít nhất 4 tiếng đồng hồ mới được ăn hoa quả chứa vitamin C để tránh bị ngộ độc.

Bị dị ứng, ho vẫn ăn tôm

Không ít người có có cơ địa dị ứng với các loại hải sản hoặc dị ứng với tôm vẫn liều ăn tôm mà không biết hành động này có thể gây nguy hại đến tính mạng. Với trường hợp nhẹ hơn thì cơ thể ngứa ngáy, nổi mề đay, đau bụng,...

Với những người bị ho cũng cần tránh ăn tôm. Dị ứng tôm cũng khiến cho tình trạng ho nặng hơn. Vị tanh của tôm và phần vỏ cứng ma sát với niêm mạc họng cũng gây nên tình trạng ho dai dẳng, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Lý giải về vấn đề dị ứng do hải sản, trong đó có tôm gây ra, BS Lê Thị Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm.

Nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng như: Cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc… Đã có rất nhiều trường hợp sau khi ăn bị dị ứng, thậm chí ngộ độc.

Dị ứng hải sản phần lớn xảy ra ở những người thiếu chất kháng histamin tự do. Khi ăn các hải sản như tôm, cá, bạch tuộc,… histamin sẽ được phóng thích gây ra các biểu hiện dị ứng. Trẻ nhỏ hay những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng thức ăn nói chung, hải sản nói riêng.

Người lớn dị ứng thức ăn thường biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ nhỏ, đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa nên nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn dị ứng với rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện dị ứng hải sản cũng rất đa dạng và xảy ra nhanh chóng sau ăn khoảng vài giờ, thậm chí vài phút. Tùy vào mức độ hay loại hải sản mà người bệnh ăn phải cũng như sự tiếp nhận của cơ địa mỗi người mà mức độ dị ứng khác nhau.

Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, ngứa, người nôn nao khó chịu, mấy giờ sau sẽ lặn. Nặng ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… Thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được thải độc kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

Đau mắt đỏ vẫn ăn tôm

Theo nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn nếu ăn tôm, nhất là khi các độc tố trong vỏ tôm sẽ khiến bệnh mắt đỏ trầm trọng hơn.

Ăn tôm tái, sống

Cơ thể tôm có thể có ký sinh trùng sinh sống, đặc biệt là phần đầu tôm nên việc ăn tôm tái, sống có thể khiến cơ thể người bị nhiễm ký sinh trùng. Vậy nên mọi người không nên ăn tôm tái, sống, đặc biệt là trẻ em.

Lưu ý khi ăn tôm:

- Cần rửa sạch, lấy bỏ phần ruột tôm trên sống lưng chúng.

- Không nên ăn đầu tôm.

- Nấu chín tôm mới ăn, tránh ăn tôm tái, sống.

- Những người bị dị ứng, ho, đau mắt đỏ, bệnh gout thì không nên ăn tôm.

- Ăn tôm với liều lượng vừa đủ để không bị rối loạn tiêu hóa

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-sai-lam-khi-an-tom-gay-nguy-hai-den-suc-khoe-120790.html