Những phương tiện hiện đại nhất của thủy quân lục chiến Mỹ

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sở hữu nhiều phương tiện hiện đại, từ hậu cần đến chiến đấu.

M1 Abrams: Thủy quân lục chiến là đơn vị "anh em" với Hải quân Mỹ, việc họ có xe tăng chiến đấu chủ lực nghe khá kỳ lạ, bởi rất hiếm lực lượng hải quân nào trên thế giới được trang bị xe tăng. Chiếc M1 Abrams là "nắm đấm thép" của thủy quân đánh bộ Mỹ. Mẫu xe này được Genaral Dynamics sản xuất từ năm 1980. Ảnh: Paula Taylor.

Mẫu xe tăng chủ lực này có nhiều biến thể, giá 9,5-12 triệu USD tùy phiên bản. Xe được trang bị động cơ tuabine mạnh 1.500 mã lực, tốc độ tối đa đạt 67,7 km/h và tầm hoạt động 450-465 km. M1 Abrams từng được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh và các hoạt động quân sự ở Afghanistan. Đơn vị này hiện sở hữu 403 chiếc M1 Abrams. Ảnh: Joshuashearn.

Xe tấn công đổ bộ: Chiến tranh đổ bộ là một trong những vai trò chính của Thủy quân lục chiến Mỹ. Đơn vị này sở hữu hơn 1.300 phương tiện tấn công đổ bộ trong biên chế. Những chiếc xe này đã được sử dụng trong nhiều cuộc chiến, đáng chú ý nhất là Chiến tranh Falklands (1982). Ảnh: Mattes.

Trong số những xe tấn công đổ bộ được xem xét, Thủy quân lục chiến Mỹ đã chọn chiếc Iveco SuperAV 8 bánh do châu Âu sản xuất. Xe được trang bị động cơ diesel tăng áp Iveco Cursor 13 6.0L, kết hợp với hộp số ZF 7HP902, 500-560 mã lực. Tốc độ tối đa trên cạn đạt 105 km/h, tốc độ lội nước là 10 km/h. Ảnh: Favcars.

Xe phục hồi M88: Xe phục hồi M88 được giới thiệu lần đầu vào những năm 1960 và hiện vẫn phục vụ trong biên chế Thủy quân lục chiến Mỹ. M88 dựa trên khung gầm của các loại xe tăng M48 và M60 Patton thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. M88 là một trong những xe phục hồi bọc thép (ARV) lớn nhất thế giới, có nhiệm vụ chính là khôi phục, cứu hộ hoặc vô hiệu hóa những phương tiện hư hỏng. Ảnh: Andy Patton.

Giá của mỗi chiếc M88 là hơn 2 triệu USD. Thân vỏ thép của xe có thể chống đạn 30 mm. Tốc độ tối đa của mẫu M88 là 42-48 km/h. Tầm hoạt động 322-450 km. Ảnh: United States Marine Corps.

Xe pháo binh cơ động M142 HIMARS: Các mẫu M142 HIMARS được quân đội Mỹ phát triển và trang bị cho Thủy quân lục chiến. M142 HIMARS bị hạn chế xuất khẩu trên khắp thế giới vì tính bảo mật quân sự của Mỹ. Ảnh: U.S. Army.

Thân xe lấy từ chiếc xe tải chiến thuật hạng trung FMTV. Vũ khí trên xe là hệ thống phóng tên lửa nhiều lần (MFOM), tầm bắn hiệu quả 2-300 km, tốc độ tối đa của M142 HIMARS là 85 km/h, tầm hoạt động 480 km. Với khối lượng 16,2 tấn, M142 HIMARS có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay vận tải C-130. Lần gần nhất M142 tham chiến là tại chiến dịch chống IS tại Syria. Ảnh: Defense Visual Information Center.

Xe bọc thép hạng nhẹ LAV-25: LAV-25 là phương tiện trinh sát bọc thép lội nước 8 bánh của Thủy quân lục chiến Mỹ. LAV-25 chỉ có khả năng bảo vệ và chống lại hỏa lực vũ khí nhỏ. Ảnh: Kamran Sadaghiani.

LAV-25 cũng có nhiều biến thể, trong đó có LAV-AT (chống tăng) được trang bị bệ phóng tên lửa chống tăng Emerson 901A1 TOW-2. LAV-AT được dự kiến phục vụ trong biên chế Thủy quân lục chiến Mỹ đến năm 2035. Ngoài ra, biến thể trinh sát bọc thép hiện đại hơn là ARV cũng đang được phát triển. Ảnh: U.S. Army.

Xe hậu cần LVSR: Đây là phương tiện hậu cần quân sự hạng nặng của Mỹ, được đưa vào biên chế từ năm 2009. Xe LVSR chỉ được sử dụng bởi Thủy quân lục chiến Mỹ và có 3 biến thể gồm MKR15 - xe ủi (160 chiếc), MKR16 - máy kéo (335 chiếc) và MKR18 - chở hàng (1.505 chiếc). Ảnh: Paul Peterson.

Các mẫu LVSR có thể được trang bị vỏ bọc thép mỏng. Xe sử dụng động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng C-15 15.2L, công suất 600 mã lực và mô-men xoắn 2.508 Nm, tốc độ tối đa 105 km/h, tầm hoạt động 483 km. LVSR có khả năng off-road tốt, đồng thời có thể tải 16,5-22,5 tấn. Ảnh: Christopher G. Graham.

Humvee: Tên gọi chính thống của mẫu xe này khá dài (High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle), quân đội Mỹ đã dùng tên Humvee để gọn hơn. Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có gần 20.000 chiếc Humvee, chiếm 10% tổng số xe được sản xuất. Đây là mẫu xe vận tải chiến thuật hạng nhẹ. Biến thể không bọc thép có tốc độ tối đa 144 km/h và 105 km/h trên bản bọc thép. Ảnh: U.S. Air Force.

Humvee là một phần không thể nhầm lẫn của quân đội Mỹ, kể từ khi nó được giới thiệu vào năm 1985. Mẫu xe này đã chứng tỏ được khả năng linh hoạt cao, dễ sử dụng trong các cuộc chiến. Humvee là một trong những phương tiện chủ lực của quân đội Mỹ tại Chiến tranh Vùng Vịnh hay Chiến dịch Bão táp sa mạc (1991). Ảnh: James L. Yarboro.

Xe tải MTVP: Đây là xe tải chở hàng chính của Thủy quân lục chiến Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa hậu cần. Mẫu xe này lần đầu được đưa vào biên chế vào năm 1999 và hiện tại đã có hơn 11.000 chiếc. Ảnh: United States Marine Corps.

MTVP có tổng cộng 11 biến thể, có khả năng thích ứng cao. Tiêu biểu là xe tải chở hàng tiêu chuẩn MK23 có trọng tải off-road tối đa 6,4 tấn, tải trọng trên đường là 13,6 tấn. Ảnh: Timothy Childers.

Vũ Huỳnh

Nguồn: Hotcars

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-phuong-tien-hien-dai-nhat-cua-thuy-quan-luc-chien-my-post1218608.html