Những nữ quản giáo ươm mầm thiện

Có những nơi, những công việc mà thoạt nghe, người ta không nghĩ dành cho phụ nữ. Ở Trại Tạm giam Công an tỉnh, giống như nam giới, nữ cán bộ đảm nhiệm tất cả những công việc của công tác giam giữ, tham mưu, quản lý hồ sơ, quản giáo, trực trại, bảo vệ phạm nhân trong mỗi lần chuyển trại, đau ốm… Ở vị trí nào các chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trung tá Nguyễn Bình Dịu phổ biến quy định, nội quy của Trại cho các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam.

Lần đầu gặp Trung tá Nguyễn Bình Dịu, Đội Quản giáo (Trại Tạm giam Công an tỉnh), ít ai ngờ được người phụ nữ có dáng người thanh thoát, khuôn mặt xinh xắn, nụ cười nhân hậu ấy đang quản lý gần 80 người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có 10 nữ tử tù và 1 nữ phạm nhân nuôi con nhỏ.

Công việc của cán bộ quản giáo là quản lý giáo dục, cảm hóa, làm thế nào để thuyết phục bị can chịu khai nhận hành vi tội lỗi của mình, phục vụ cho công tác điều tra; tử tù chịu cải tạo, tuân thủ các quy định của Trại. Những công việc ấy, có tận mắt chứng kiến mới thấy khó khăn, vất vả đến nhường nào. Bởi trong Trại Tạm giam, ngoài những bị can đang trong giai đoạn điều tra, phạm nhân đã có án, thì còn có những phạm nhân đã bị tuyên án tử hình chờ ngày thi hành án. Đây là những đối tượng thường có tư tưởng bất ổn định, bất mãn, bất hợp tác, thậm chí gây nguy hiểm cho cán bộ quản giáo, nhất là những ngày đầu vào Trại.

Quản giáo Nguyễn Bình Dịu lắng nghe, chia sẻ, động viên nữ tử tù yên tâm chịu án.

Thế nhưng, với tấm lòng nhân hậu, trong suốt gần 20 năm trong ngành, Trung tá Dịu đã tìm hiểu, lắng nghe từng hoàn cảnh, từng tội trạng để giáo dục, cảm hóa, giúp các bị can dần nhận ra những tội lỗi, hậu quả đã gây ra, sẵn sàng hợp tác với cán bộ điều tra, trong đó có không ít tử tù. Một tử tù được tuyên án đã 7 năm do buôn bán heroin, đang chờ ngày thi hành án, vốn bất mãn khiến quản giáo vô cùng vất vả những ngày đầu, chia sẻ: "Nhờ sự ân cần, quan tâm từ những thứ rất nhỏ của Trung tá Dịu, như tặng từng cái nơ buộc tóc trong các ngày lễ, tết, chúng tôi cảm thấy mình được sẻ chia, được gần gũi, khác với sự xa lánh, ghẻ lạnh của người đời. Bởi thế mà chúng tôi khao khát được sống, được có cơ hội bù đắp lại những tội lỗi mình gây ra, những gì mình đã lầm lạc".

Mặc dù không trực tiếp làm công tác quản giáo, nhưng hơn 18 năm gắn bó với nghề, nhiều lần chứng kiến những cuộc hội ngộ đầy nước mắt của phạm nhân với người thân, Thiếu tá Vũ Thị Đức, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, hồ sơ (Trại Tạm giam Công an tỉnh) luôn đau đáu làm thế nào để phạm nhân được xét đặc xá nhiều hơn, nhanh hơn, giúp những mảnh đời lầm lỗi hoàn lương, sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Là đơn vị có số phạm nhân lớn thứ 3 toàn quốc, mỗi năm, Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, xử lý hơn 2.000 hồ sơ nhập, xuất can phạm, trong đó có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký mới. Thiếu tá Vũ Thị Đức đã có nhiều sáng kiến trong quản lý hồ sơ phạm nhân, tham mưu áp dụng phần mềm quản lý thông tin người bị tạm giữ, tạm giam, phục vụ tra cứu thông tin can phạm của các cơ quan chức năng, phạm nhân gặp mặt gia đình nhanh hơn 80% so với tra cứu thủ công.

Thiếu tá Vũ Thị Đức luôn chủ động nghiên cứu hồ sơ phạm nhân.

Công việc không chỉ dừng lại ở những trang hồ sơ, mỗi lần chuẩn bị đến đợt xét đặc xá, Thiếu tá Vũ Thị Đức luôn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ phạm nhân. Với một số phạm nhân không chịu hoàn lương, khi bị giam giữ, cải tạo tại Trại Tạm giam vẫn cố tình chống đối, tạo áp lực cho cán bộ quản giáo, gây ảnh hưởng tới an ninh, an toàn trại giam, Thiếu tá Đức vẫn cùng đồng đội trấn áp, khuyên giải, canh gác 24/24h để phạm nhân không có cơ hội trốn Trại.

Trại Tạm giam Công an tỉnh hiện có 33 nữ cán bộ, được phân công ở tất cả các lĩnh vực khác nhau: Hồ sơ, quản giáo, bảo vệ, hậu cần, y tế, cấp dưỡng. Mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng, nhưng đều chung sự vất vả, hy sinh, bởi thường xuyên phải thường trực chiến đấu, không phân biệt là nam giới hay phụ nữ. Có những khi phải dẫn phạm nhân đi thụ án ở tỉnh khác, có những lúc phải canh chừng phạm nhân hàng tháng trời trong bệnh viện tâm thần vì cố tình chống đối, dù thế nào cũng không hề làm các chị nhụt chí.

Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại Tạm giam, cho biết: "Ở Trại Tạm giam, không có sự phân biệt giữa nam và nữ cán bộ. Nam giới làm quản giáo đã khó, với phụ nữ, cái khó ấy còn nhiều gấp bội lần, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, sẻ chia, hiểu tâm lý tội phạm, vừa cứng rắn lại phải mềm mỏng. Chúng tôi luôn phải đóng nhiều vai, lúc như một người mẹ, người chị, người bạn, lúc lại là một cán bộ nghiêm khắc, làm thế nào để thức tỉnh được bản năng con người trong mỗi phạm nhân, nhất là với tử tù, là điều không hề dễ dàng".

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/nhung-nu-quan-giao-uom-mam-thien-2458028/