Những môn kiếm pháp xưng bá giang hồ

Cố nhà văn Kim Dung đã sáng tạo nên một thế giới kiếm hiệp đầy uyên thâm, bao la và vô tận. Trong thế giới đó, có rất nhiều môn võ công cái thế, nhiều vũ khí uy chấn võ lâm và vô vàn những điều thú vị khác. Trong bài viết hôm nay, VoThuat.vn xin giới thiệu những bộ kiếm pháp đỉnh nhất võ hiệp Kim Dung mà bất cứ ai cũng thèm khát.

1. Độc cô cửu kiếm

Nhắc tới kiếm thuật trong truyện Kim Dung, Độc Cô Cửu Kiếm luôn là thứ võ công không thể không nhắc tới. Thứ kiếm pháp này từng làm nên tên tuổi của hàng loạt võ lâm đại cao thủ, trong đó có Độc Cô Cầu Bại – nhân vật nổi tiếng vì cả đời chỉ mong một lần bại trận mà không được. Ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học này, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu.

Tạo hình Độc Cô Cầu Bại trên phim.

Tạo hình Độc Cô Cầu Bại trên phim.

Là bí kíp kiếm thuật tối thượng do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo ra, Độc Cô Cửu Kiếm được ví như những triết lý đặc sắc của đạo gia, đề cao việc sử dụng kiếm theo phong cách “dùng vô chiêu thắng hữu chiêu”. Với 9 thức chính đại diện cho các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật bao gồm Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức. Người sử Độc Cô Cửu Kiếm có thể từ đó mà chiêm nghiệm ra cách khắc chế toàn bộ võ công trên thế gian.

Chính nhờ uy lực bá đạo, Độc Cô Cửu Kiếm đã giúp chủ nhân của mình trở thành đại cao thủ bất bại, hùng bá võ lâm. Độc Cô Cầu Bại trước kia tung hoành thiên hạ không đối thủ, ôm nỗi sầu muộn không có kẻ tri kỷ trong võ học xuống cửu tuyền. Phong Thanh Dương đệ nhất kiếm khách phái Hoa Sơn luyện Độc Cô Cửu Kiếm tới mức thượng thừa, chỉ cần điểm chút vỏ ngoài cho Lệnh Hồ Xung cũng có thể giúp chàng đánh bại gã đao khách khét tiếng Điền Bá Quang.

Chỉ có 2 người duy nhất từ trước tới nay luyện thành công Độc Cô Cửu Kiếm là Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung. Mặc dù để sánh với người sáng tạo là Độc Cô Cầu Bại thì vẫn còn khoảng cách khá xa nhưng những gì mà họ đã thể hiện cho người đọc thấy là quá đủ để chúng ta hiểu được sự uy lực, cái biến hóa và những gì tinh túy nhất trong bộ kiếm pháp này.

2. Việt nữ kiếm pháp

Khi nhắc đến cao thủ võ lâm có khả năng thực chiến hàng đầu, chắc chắn vị trí số một phải dành cho đả nữ người Ô Việt (quốc gia cổ đã bị diệt vong dưới thời nhà Tần) với tên gọi A Thanh trong tác phẩm Việt nữ kiếm. Nhân vật A Thanh trong bộ tiểu thuyết cùng tên được nhiều độc giả đánh giá con cao hơn cả Độc Cô Cầu Bại. Chỉ với một cành trúc nhỏ, nàng ta đã nhẹ nhàng hạ gục hơn 3000 cao thủ. Chiến tích này khiến A Thanh nhanh chóng được tôn lên hàng thần thoại, vượt xa các kiếm khách bình thường khác.

Võ công của A Thanh được miêu tả với 4 từ “phi thường độc nhất” và được mệnh danh là cao thủ như thần. A Thanh vốn là một cô nàng chăn cừu hết sức bình thường và không hề biết chút gì về võ công. Thế nhưng trong một lần đi chăn cừu, A Thanh gặp được Bạch Lang vốn là một con sói trắng biết sử dụng gậy trúc, đồng thời là sư phụ của nàng về sau. Cả hai thường xuyên giao đấu giúp A Thanh ngộ ra và luyện thành chiêu thức võ công mang tên Việt nữ kiếm pháp. Từ đây A Thanh bắt đầu vang danh ở nước Việt với khả năng sử dụng kiếm thuật và võ công thượng thừa.

3. Lục mạch thần kiếm

Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà Kim Dung. Lục mạch thần kiếm không phải là thanh kiếm, mà nó là tuyệt kỹ sử dụng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh, Lục mạch thần kiếm từng được coi là thứ võ công đáng sợ nhất trong Thiên long bát bộ được người trên gian hồ gọi là “Thiên hạ đệ nhất kiếm khí”.

Bộ kiếm khí này sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm nên từng khiến cả thiên hạ săn lùng, tìm mọi cách để chiếm đoạt. 6 mạch kiếm khí của Lục Mạch Thần Kiếm có công, có thủ, có uy lực, có biến hóa, gần như là hoàn hảo, dùng được cho bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ngoại trừ người sáng tạo là vua khai quốc của Đại Lý Đoàn Tư Bình, nó được xem là môn võ công tối thượng rất khó để luyện được (kể cả sáu cao tăng đắc đạo Thiên Long Tự) cho đến khi Đoàn Dự vô tình luyện được nhưng chưa thực sự phát huy được hết sức mạnh của Lục mạch thần kiếm.

Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng rồi dùng Nhất Dương chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm: Thiếu trạch kiếm, Thiếu xung kiếm, Quan xung kiếm, Trung xung kiếm, Thương dương kiếm và Thiếu thương kiếm.

4. Tịch tà kiếm phổ

Đây là bí kíp kiếm thuật thượng thặng trong truyện Tiếu ngạo giang hồ. Tịch tà kiếm pháp có cùng nguồn gốc với Quỳ hoa bảo điển, và là nguồn gốc của những tranh chấp trên giang hồ.

Vốn có chung nguồn gốc cùng bộ Quỳ Hoa Bảo Điển, Tịch Tà Kiếm Phổ lấy tốc độ làm trọng, các chiêu thức nhanh đến vô hình khiến kẻ địch khó mà nắm bắt nổi. Lâm Viễn Đồ trước đây cũng là nhờ có Tịch Tà Kiếm Phổ mà vang danh thiên hạ, trở thành vô địch. Đáng tiếc, các hậu bối sau này như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần đều chỉ đạt tới sơ thành chứ chưa đủ hỏa hầu, thành ra dù có trong tay bộ kiếm pháp mạnh mẽ nhất, bọn họ cũng không thể chiến thắng Lệnh Hồ Xung.

Tịch tà kiếm pháp được xem là bộ kiếm pháp “độc ác” nhất trong truyện Kim Dung. Bởi muốn luyện được kiếm pháp này đầu tiên phải “dẫn đao tự cung” (tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình) vì nếu không thiến, khi luyện nội công Tịch tà kiếm pháp, lửa dục sẽ thiêu đốt ruột gan thành tẩu hỏa nhập ma mà chết.

Theo Hoài Phương/Võ thuật

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-mon-kiem-phap-xung-ba-giang-ho/20210620043707637