Những mật khẩu dễ đoán và tệ nhất năm 2019

Theo nghiên cứu của công ty SplashData, cách người dùng lựa chọn sử dụng các mật khẩu của mình vẫn còn dễ đoán và rất đơn giản, đặc biệt như: 'password', 'princess', 'qwerty', 'iloveyou' và 'welcome' vẫn được sử dụng bởi người dùng.

Hầu hết người dùng hiện nay vẫn thường xuyên sử dụng những mật khẩu cực kỳ đơn giản và dễ đoán. Người dùng có thói quen đặt một mật khẩu cho tất cả các tài khoản cá nhân của mình, cũng như tài khoản tại công ty nơi mình làm việc. Những mật khẩu này rất dễ bị hacker đoán và tấn công ít nhất một lần trong thời đại 4.0 như hiện nay.

Theo Danh sách mật khẩu tồi tệ nhất hằng năm của SplashData chỉ ra rằng, rất nhiều người vẫn hay sử dụng mật khẩu quá dễ đoán ngay cả khi họ biết rõ điều đó. Và một lần nữa mật khẩu “123456” là mật khẩu tồi tệ nhất trong năm 2019.

Theo xếp hạng của SplashData, không ngạc nhiên khi “123456” là mật khẩu tồi tệ nhất trong hai năm liên tiếp. Tiếp theo là “123456789” chiếm vị trí thứ hai, tăng một bậc so năm ngoái.

Ở vị trí thứ ba là “qwerty”, tăng sáu điểm so năm 2018. Ở vị trí thứ tư là “password.

Một số mật khẩu khác lọt vào top 10 là: “12345678”, “12345”, “iloveyou”, “111111” và “123123”, đây là dấu hiệu cho thấy, mọi người dường như rất dễ dãi trong việc tạo mật khẩu thông qua các phím số trên bàn phím. Một xu hướng nữa đó là người dùng thường sử dụng các phím liền kề trên bàn phím để tạo mật khẩu, thí dụ: “1q2w3e4r” hay “qwertyuiop”.

Hiện nay, nhiều chương trình máy tính đã không cho người dùng tạo những mật khẩu đơn giản, tuy nhiên, với các chương trình cũ hơn và một số trang web vẫn cho phép mọi người tạo mật khẩu yếu và dễ bị hacker tấn công. Việc tạo ra một mật khẩu mạnh vẫn là một trong những nhiệm vụ khó khăn và gây khó chịu nhất đối với nhiều người dùng công nghệ. Để nghĩ ra một mật khẩu phức tạp và an toàn nhưng dễ nhớ có vẻ như là một điều khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt hơn nữa là khi các chuyên gia công nghệ khuyên người dùng nên sử dụng một mật khẩu riêng cho từng trang web.

Để tiết kiệm thời gian, người dùng chỉ cần tạo mật khẩu dựa trên các cụm từ dễ nhớ, kết hợp với các phím chữ, số rõ ràng và nên chèn thêm một vài ký tự đặc biệt để tăng mức độ khó. Ngoài ra, người dùng có thể tận dụng các phương thức xác thực khác ngoài mật khẩu của mình. Sử dụng xác thực hai yếu tố với các ứng dụng và trang web có hỗ trợ. Sử dụng vân tay, nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ sinh trắc học khác để bảo vệ tốt hơn cho các thiết bị, như: máy tính, điện thoại di động và các thiết bị khác của người dùng. Và nên sử dụng các công cụ kiểm tra mật khẩu của Google Chrome và Firefox khi đăng nhập tài khoản bằng các trình duyệt web này, để có thể cảnh báo cho người dùng nếu tài khoản của họ đang trong danh sách dễ bị tấn công.

Công ty SplashData cho biết, hơn năm triệu mật khẩu bị rò rỉ trong năm 2019 và được sử dụng chủ yếu bởi người dùng Bắc Mỹ và Tây Âu.

ANH NGỌC

TheoSplashData

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/42683202-nhung-mat-khau-de-doan-va-te-nhat-nam-2019.html