Những kỹ sư vận hành cầu Rồng xuyên tết
Hai phút phun lửa và 1 phút rưỡi phun nước từ con Rồng thép lớn nhất thế giới đã trở thành điểm nhấn ấn tượng ở TP Đà Nẵng . Hơn 10 năm, những người làm công việc 'chăm sóc' cầu Rồng luôn thầm lặng, cần mẫn để có màn trình diễn đẹp mắt phục vụ du khách xuyên tết.
Du khách thích thú ngắm Rồng phun lửa, phun nước
Không chỉ là một trong những cây cầu nối hai bờ sông Hàn, đều đặn lúc 21 giờ thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn trong năm, cầu Rồng trình diễn phun lửa, phun nước phục vụ người dân, du khách chiêm ngưỡng. Màn trình diễn kéo dài trong khoảng 15 phút. Cầu Rồng phun lửa, phun nước với chu kỳ phun lửa 2 lượt, mỗi lượt 9 lần, mỗi lần 2 phút, tổng cộng 18 lần. Phun nước 3 lượt, mỗi lượt 30 giây, tổng cộng là 90 giây.
Anh Lê Văn Tân (du khách Hải Phòng) chia sẻ, tất cả điện thoại, ánh mắt của mọi người đều hướng về phía cầu Rồng để ghi lại giây phút rồng phun nước, nhả lửa. “Tôi nghĩ ban đêm là thời điểm đẹp nhất để ngắm cầu Rồng. Toàn thân cầu Rồng được gắn hàng ngàn đèn led, cây cầu trở thành một con Rồng thực thụ với hiệu ứng màu sắc lung linh. Chúng tôi tận mắt xem màn biểu diễn phun lửa, phun nước bằng công nghệ hiện đại. Bạn bè tôi đến đây đều muốn chiêm ngưỡng hoạt động trên. Đây như một biểu tượng phải chiêm ngưỡng khi đặt chân đến Đà Nẵng”, anh Tân nói.
Trước những màn trình diễn của “Rồng”, hàng ngàn khán giả chăm chú theo dõi, reo hò, anh Tán Thịnh, đội phó Đội quản lý vận hành cầu, hầm và đồng nghiệp biết công việc của mình đã hoàn thành trọn vẹn. Để có được màn trình diễn đẹp mắt, nhóm của anh Tán Thịnh thường xuyên có những buổi luyện “Rồng” phun thử. Đầu tiên, họ phải quen với việc leo cao ở vị trí đầu Rồng bằng một chiếc thang thép dài hơn 10m có một đầu cố định sẵn ở cửa vào phía hàm dưới. Chui vào đầu Rồng, các kỹ thuật viên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, hệ thống máy nén khí, máy bơm nước, máy phát điện, bể chứa nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Thông thường việc kiểm tra hệ thống phun lửa sẽ tốn nhiều thời gian bởi đây là thiết bị phức tạp với ray trượt, van khí, bơm dầu, bộ phận đánh lửa. Tùy vào việc có phát hiện những dấu hiệu bất thường cần duy tu, sửa chữa mà công đoạn kiểm tra có thể diễn ra ít nhất từ 30 phút đến vài tiếng đồng hồ. Khi hoàn tất, các kỹ thuật viên lần lượt rời khỏi đầu Rồng theo chiếc thang móc sẵn và cho phun thử vào chiều thứ 5 hoặc thứ 6 trước đêm trình diễn chính thức.
“Chúng tôi biết rằng nhiều du khách ở rất xa đến Đà Nẵng để được chứng kiến tận mắt cầu Rồng phun lửa, phun nước, vì vậy đội luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù trời mưa hay nắng, công tác kiểm tra, đánh giá, phun thử vẫn được tiến hành. Chỉ khi thời tiết quá bất lợi, mưa rất to kèm gió lớn mới xin ý kiến không trình diễn”, anh Thịnh chia sẻ.
Công việc thầm lặng
Mỗi năm, cầu Rồng có hơn 160 đêm trình diễn phục vụ du khách. Thời gian các đêm trình diễn đều vào cuối tuần và các ngày lễ, tết nên các kỹ thuật viên thường không được ở cạnh gia đình, người thân. Là người trẻ nhất của đội, anh Nguyễn Toàn, kỹ thuật viên vận hành, Đội quản lý vận hành cầu, hầm, đây là công việc giúp anh rèn luyện bản thân trưởng thành hơn.
"Lúc mới nhận công việc, lúc leo lên đầu cầu Rồng rất sợ vì cao. Sau này, được các anh động viên, hướng dẫn, quen tay, quen việc thì mạnh dạn và đỡ sợ hơn. Những dịp tết, khi mọi người du xuân thì mình lại đi làm, đôi khi cũng có chút chạnh lòng. Nhưng thấy du khách tập trung 2 bên cầu chờ xem rồng phun lửa, phun nước thì lại thấy rất tự hào”, anh Toàn tâm sự.
Là nữ kỹ sư duy nhất tham gia công tác bảo dưỡng các cầu tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Kiều Hạnh, bộ phận kỹ thuật, Xí nghiệp quản lý Cầu Đà Nẵng cho biết, việc thường xuyên theo dõi các ghi chép công tác kiểm tra cầu Rồng giúp các kỹ sư có thể phân tích, đánh giá khả năng làm việc thực tế của cầu để có phương án duy tu, bảo dưỡng phù hợp, kịp thời.
Để đón Tết Giáp Thìn 2024, công tác vệ sinh, bảo dưỡng thân rồng được các đội phối hợp thực hiện khẩn trương. Mỗi đội một việc từ sơn, sửa các vị trí đã bong tróc, đến kiểm tra mặt đường, hệ thống ánh sáng,… nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành công việc tốt nhất.
“Các năm, dịp tết thường sẽ trình diễn xuyên suốt các đêm từ 30 đến mồng 3 Tết Nguyên đán. Năm nay là năm Giáp Thìn 2024 nên mọi người dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến cầu Rồng. Đây cũng là động lực làm chúng tôi hăng say thêm. Chúng tôi gửi gắm vào đó nhiều hy vọng, mong năm mới thành phố tiếp tục mạnh mẽ vươn lên, có nhiều thắng lợi”, chị Hạnh tâm sự.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-ky-su-van-hanh-cau-rong-xuyen-tet-post726567.html