Những ki-ốt trên đường Nguyễn Huệ

Không biết những ki-ốt bị giải tỏa từ lúc nào, chỉ biết mỗi lần qua đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM, tôi cố hình dung con đường cũ. Nơi đó, tôi từng đi mua sắm cùng ba.

Không biết những ki-ốt ngay tim đường Nguyễn Huệ có từ bao giờ. Với người Sài Gòn, những ki-ốt này cũng là nét chấm phá trong đời sống văn hóa người dân thành phố hòn ngọc Viễn Đông một thời.

Ki-ốt (kiosk) là gian hàng có mái che vuông vức bốn cạnh, mỗi cạnh 4 m. Trong trí nhớ tôi, những ki-ốt này bán băng đĩa, đồ lưu niệm, đồ dùng học sinh, tráng rửa ảnh chụp...

Thỉnh thoảng, ba đưa tôi đến đây tìm mua hộp bút, thước kẻ, bút... nhập khẩu hoặc hàng Việt Nam loại tốt. Mỗi lần được ba mua một đồ dùng học tập như gôm, viết Parker, tôi đều vào lớp khoe bạn bè.

Ai cũng trầm trồ và bảo nhau cuối tuần “mè nheo” ba mẹ một chuyến mua sắm ở các ki-ốt đường Nguyễn Huệ. Trong đám đông vây quanh háo hức, tôi để ý câu nói của Bích Liên:

- Đầu tháng tao mới được gặp ba. Kỳ này tao hẹn ba đến ki-ốt Nguyễn Huệ mới được.

Chúng tôi ngạc nhiên hỏi sao phải đầu tháng mới gặp ba, Bích Liên buồn buồn:

- Tao cũng không biết. Chỉ biết tao có hai má: Má lớn sống cùng nhà với ba tao. Còn má tao và tao sống riêng. Cứ chủ nhật đầu tháng, thư ký của ba tao cho một chỗ hẹn ở nhà hàng hoặc công viên hay Sở Thú. Tao đến rồi ba cho ít tiền, mua ít quần áo nếu là gần Tết. Có khi ba dẫn đi ăn. Nhưng thường ba cho tiền rồi đưa tao về đến đầu hẻm để tự vào nhà.

Tuổi còn quá nhỏ để hiểu chuyện người lớn, nhưng chúng tôi cũng lờ mờ hiểu hoàn cảnh của Bích Liên. Giờ toán chúng tôi lại thấy Ngọc Trâm cứ lau nước mắt. Giờ chơi, Ngọc Điệp ngồi kế Ngọc Trâm, nói nhỏ vào tai tôi:

- Ngọc Trâm nói Bích Liên còn có ba để mỗi tháng gặp. Còn anh em tụi nó không có ba. Ba nó không nhìn tụi nó.

Tôi ngạc nhiên với những lần xem lý lịch của Ngọc Trâm, ba bạn là kiến trúc sư, bạn đã viết một cách tự hào. Vĩnh nói cũng khó biết đó có phải là người cha thật không khi ba mẹ Ngọc Trâm cùng họ Lê, có thể bạn lấy họ mẹ rồi ghi bừa tên ba vào. Nhưng thôi, đó là chuyện của bạn. Chúng tôi chẳng nên thắc mắc làm gì, chỉ biết chúng tôi là bạn tốt của nhau là đủ.

Thứ hai đầu tháng đó, tôi nôn nao nghe Bích Liên khoe quà của ba bạn. Thật ngỡ ngàng bạn vào lớp với đôi mắt sưng húp vì khóc:

- Tao hẹn ba ở ki-ốt đầu tiên góc Lê Lợi - Nguyễn Huệ nhưng chờ hoài không thấy ba tới. Tao đi tới đi lui từ sáng đến chiều, vừa đói vừa khát. Cuối cùng, má tao phải ra tìm tao vì thấy trễ quá tao chưa về. Má nói có lẽ ba tao bỏ mẹ con luôn rồi.

Bích Liên khóc nức nở. Chúng tôi chỉ biết ôm vai bạn mà ứa nước mắt theo. Ngọc Trâm vuốt bàn tay Bích Liên:

- Thôi kệ... Rồi cũng quen thôi.

Chúng tôi không hỏi về chuyện của hai bạn, cũng chẳng khoe quà của ba mẹ nữa. Cuối năm đó, tôi hoàn toàn không còn dịp đi chơi cùng ba mua quà nữa. Ông đã qua đời sau ba tháng chống chọi thần chết trong bệnh viện.

Tôi không còn trở lại các ki-ốt trên đường Nguyễn Huệ cho đến một ngày sau 1975, tôi mang phim tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp đến một ki-ốt rửa ảnh.

Sau thời gian đi công tác xa, thập niên 80 thế kỷ 20, hàng ngày, tôi ra ngồi tại một ki-ốt để đòi tiền anh Lập, người quen của gia đình và nợ mẹ con tôi số tiền khá lớn.

Ngồi hết ngày này qua ngày khác, tiền không có, chỉ nhìn cảnh cũ nhớ về ba, hình ảnh tôi tung tăng bên ba mình. Tôi cũng tưởng tượng cảnh Bích Liên hụt hẫng, cô đơn thế nào vào ngày chủ nhật chờ đợi người cha với bao háo hức, hy vọng, để rồi ông không tới.

Ki-ốt sau năm 1975 bán nhiều hàng của các nước XHCN. Có lần, tôi chứng kiến một phụ nữ cỡ tuổi mình nũng nịu bạn trai mua cho cô con búp bê lật đật của Nga. Tôi chợt ao ước có người mua cho mình con búp bê lật đật như thế. Hình như sự hụt hẫng của tôi không khác Bích Liên khi người đàn ông trong mơ của tôi không bao giờ đến để mua búp bê cho mình.

Chờ đợi nhiều tháng liền chẳng lấy được đồng bạc nào, tôi chẳng còn hơi sức để hy vọng lấy lại món nợ của mình khi người nợ lãnh án tù rồi chết sau đó.

Không biết những ki-ốt bị giải tỏa từ lúc nào, chỉ biết mỗi lần qua đường hoa Nguyễn Huệ, tôi cố hình dung con đường cũ. Nơi đó, tôi từng đi mua sắm cùng ba. Nơi đó, Bích Liên mòn mỏi chờ người cha thất hẹn. Và sau này, đó cũng là nơi tôi từng mơ người đàn ông mua búp bê lật đật cho mình. Người đàn ông đó không bao giờ đến.

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ki-ot-tren-duong-nguyen-hue-post1199009.html