Những điểm có phép mới được kinh doanh ngoại tệ, vàng miếng

Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ một người dân ở TP.Cần Thơ đem 100 USD đến đổi tại tiệm vàng thì bị xử phạt 90 triệu đồng, còn cơ sở kinh doanh vàng cũng bị phạt nặng. Trả lời thắc mắc của bạn đọc về việc nên đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt, ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết ở Đồng Nai việc thu đổi ngoại tệ chỉ giao cho các tổ chức tín dụng thực hiện.

Người dân có nhu cầu đổi ngoại tệ nên đến các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng được cấp phép thu đổi ngoại tệ để giao dịch. Ngoài ra, việc mua bán vàng miếng không đúng chỗ cũng sẽ bị phạt.

Ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng tổng hợp nhân sự và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết:“Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tiệm kinh doanh vàng nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đổi ngoại tệ”.

Thưa ông, trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu cơ sở được cấp phép tổ chức giao dịch ngoại tệ?

- Căn cứ vào Pháp lệnh Ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, người có nhu cầu bán hay đổi ngoại tệ phải đến các ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ. Xin được lưu ý, trên địa bàn tỉnh chưa có tiệm kinh doanh vàng nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đổi ngoại tệ mà chỉ giao cho các tổ chức tín dụng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 53 chi nhánh ngân hàng cấp1, 217 phòng giao dịch của 39 ngân hàng đang hoạt động và được cấp phép thu đổi ngoại tệ.

Ngoài các tổ chức tín dụng, ở Đồng Nai còn có 16 đơn vị kinh tế làm đại lý chi trả ngoại tệ nhưng chỉ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại chứ không được thu đổi. Ví dụ: khi có người nước ngoài chuyển tiền về cho cá nhân nào đó thông qua ngân hàng, người nhận thay vì đến ngân hàng thì có thể đến các đại lý được ngân hàng ủy nhiệm để nhận tiền.

Một số ngân hàng chỉ cho khách đổi tối đa 100 USD/người/ngày đã gây khó khăn cho người có nhu cầu, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Theo quy định hiện nay, muốn đổi từ ngoại tệ sang tiền Việt Nam đồng thì không cần chứng từ, không giới hạn số tiền. Còn đổi tiền Việt Nam đồng sang ngoại tệ khách hàng phải cung cấp mục đích sử dụng cùng các chứng từ chứng minh liên quan. Chẳng hạn: thanh toán tiền hàng thì cần có hợp đồng, đóng học phí, chữa bệnh phải có giấy tờ kèm theo. Tùy theo quy chế riêng của từng ngân hàng mà số tiền đổi cho khách có mức giới hạn khác nhau.

Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép với mức 100 USD/người/ngày; hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, tổ chức tín dụng có thể bán vượt mức (100 USD) để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của công dân. Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều điểm giao dịch không đổi số tiền vượt hơn 100 USD nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến nhu cầu của khách hàng. Vấn đề này Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định cũng như bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Ngoài giao dịch ngoại tệ, người dân nên mua bán vàng miếng ở đâu để tránh bị phạt, thưa ông?

- Hiện nay chỉ có 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được cấp phép sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường. Các tiệm kinh doanh vàng còn lại chỉ mua vàng miếng về làm nguyên liệu chứ không được bán vàng miếng cho khách. Vì hiện nay các tiệm vàng chỉ được cấp phép đủ điều kiện để sản xuất và bán vàng trang sức mỹ nghệ.

Khách hàng đang trao đổi ngoại tệ tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.

Người dân có nhu cầu nên tìm đến những nơi kinh doanh hợp pháp để mua bán vàng miếng. Ở Đồng Nai, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng là nơi được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Khi người dân muốn bán ngoại tệ, vàng miếng thì cần lên trang tin điện tử của ngân hàng xem cụ thể địa điểm được cấp phép để đến đó giao dịch. Trường hợp bán, đổi ngoại tệ, vàng miếng tại các điểm không được cấp phép sẽ bị phạt theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể: nếu mua bán ngoại tệ tại những nơi ngoài các địa điểm đã được công bố thì người dân sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng; mua bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt từ 30-60 triệu đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu số ngoại tệ, tiền Việt Nam đồng đối với hành vi vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Bà Phạm Thị Hòa (ngụ KP.3, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa): Thủ tục đổi ngoại tệ tại các chi nhánh ngân hàng rất phức tạp

Chồng tôi là người quốc tịch Mỹ đang sinh sống và làm việc tại TP.Biên Hòa. Mỗi lần vợ chồng tôi về nước hoặc đi du lịch ở nước ngoài, chúng tôi thường đến các chi nhánh ngân hàng ở TP.Biên Hòa để đổi tiền Việt Nam đồng sang ngoại tệ. Những lần như thế tôi thấy rất phiền vì số tiền đổi bị giới hạn. Mặt khác, ngân hàng yêu cầu phải kèm theo các chứng từ, thủ tục rất rắc rối, phức tạp. Một vài người khuyên chúng tôi nên đổi USD tại các cơ sở kinh doanh vàng thì dễ dàng hơn, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Điều này dẫn đến chỗ nhiều cơ sở kinh doanh vàng không được phép nhưng vẫn tiến hành trao đổi ngoại tệ. Hiện nhu cầu sử dụng ngoại tệ của người dân khá thường xuyên nhưng các điểm giao dịch hợp pháp chưa đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Huyền (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất): Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định về giao dịch ngoại tệ

Từ vụ việc người dân ở TP.Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD tại tiệm vàng, đến nay nhiều người mới biết việc trao đổi ngoại tệ tại các điểm chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật. Từ trước đến nay, người dân khi có ngoại tệ thường đem đến các tiệm vàng để đổi. Việc mua bán ngoại tệ diễn ra công khai tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhưng chưa thấy lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý nên hầu như nhiều người không biết làm như thế là vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để mọi người nắm rõ phạm vi được giao dịch ngoại tệ mà chấp hành tốt các quy định.

Bà Nguyễn Thị Đài Cát (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom): Yêu cầu treo bảng “địa điểm kinh doanh ngoại tệ hợp pháp”

Để giúp người dân biết đâu là điểm được phép thu đổi, mua bán ngoại tệ, tôi nghĩ rằng phía trước cơ sở đó phải treo bảng ghi rõ: “địa điểm kinh doanh ngoại tệ hợp pháp” nhằm giúp người dân thuận tiện hơn khi có nhu cầu trao đổi USD, không sợ vi phạm pháp luật và việc xử lý sai phạm sẽ dễ dàng và thuyết phục hơn. Lâu nay người có nhu cầu đổi ngoại tệ thường có thói quen đến tiệm vàng giao dịch nhưng không ai nhắc nhở gì. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các cơ sở không có giấy phép nhưng vẫn tổ chức thu đổi ngoại tệ.

Gia An (ghi)

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201811/nhung-diem-co-phep-moi-duoc-kinh-doanh-ngoai-te-vang-mieng-2918232/