Những 'con quái vật đại dương' của Liên Xô khiến hải quân Mỹ luôn phải dè chừng
Ngoại trừ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, không có tàu nào trong Hải quân Nga quan trọng hoặc được đánh giá cao như tàu chiến - tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov.
Dài 252m và có lượng choán nước hơn 24.000 tấn, chúng hiện là tàu tác chiến mặt nước lớn nhất thế giới không phải là tàu sân bay, và số tên lửa khổng lồ khiến chúng trở thành một trong những tàu chiến mạnh nhất mọi thời đại từng được chế tạo. Có thể nói, chúng là những “con quái vật của đại dương” vì kích cỡ và sức mạnh hỏa lực.
Đến những ngày sau của Chiến tranh Lạnh, tàu Kirov được coi là mối đe dọa lớn - đến mức cả bốn thiết giáp hạm lớp Iowa của Hải quân Mỹ đã được tái kích hoạt và tái trang bị một phần để đối phó với chúng.
Tàu lớp Kirov không phải là các tàu chiến hạt nhân đầu tiên. Hải quân Mỹ có chín tàu tuần dương hạt nhân và một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong biên chế vào thời điểm chiếc tàu chiến-tuần dương đầu tiên, Kirov, được đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô vào năm 1980.
Nhưng kích thước và vũ khí trang bị khổng lồ của chúng đã khiến chúng khác biệt với các đối thủ hạt nhân và thông thường của Mỹ. Chúng lớn đến mức các nhà quan sát phương Tây chỉ định chúng là "tàu chiến-tuần dương" (battle-cruiser), những con tàu đầu tiên mang tên gọi đó kể từ Thế chiến thứ hai.
Năm con tàu đã được lên kế hoạch nhưng chỉ có bốn chiếc được đóng. Ba trong số chúng, Kirov, Frunze và Kalinin, đã đi vào hoạt động trước khi Liên Xô tan rã, sau đó chúng được đổi tên lần lượt là Đô đốc Ushakov, Đô đốc Lazarev và Đô đốc Nakhimov.
Con tàu thứ tư, Pyotr Velikiy (tiếng Nga có nghĩa là "Peter Đại đế"), được đưa vào hoạt động năm 1998, gần một thập kỷ sau khi hạ thủy.
Liên Xô chỉ định chúng là "tàu tuần dương tên lửa dẫn đường hạng nặng chạy bằng năng lượng hạt nhân" và giống như hầu hết các hạm đội Liên Xô, chúng nhằm chống lại mối đe dọa từ các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ, những ưu tiên lớn nhất của Hải quân Liên Xô trong trường hợp chiến tranh.
Bởi vì chúng có động cơ hạt nhân, tầm hoạt động của chúng chỉ bị giới hạn bởi các vấn đề cơ khí, nguồn cung cấp lương thực và sự thoải mái của phi hành đoàn. Phạm vi mở rộng đó cho phép chúng gây ra mối đe dọa lớn hơn cho các tàu sân bay so với các tàu nổi khác trong hạm đội Liên Xô.
Trang bị tận răng
Dù các siêu tàu sân bay của Mỹ lớn hơn, không có tàu chiến nào được trang bị vũ khí tốt như tàu lớp Kirov.
Vũ khí trang bị chính là 20 tên lửa chống hạm siêu thanh P-700, mỗi tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh hơn 700kg. Chúng cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân có mức công phá thấp.
Các tàu có hệ thống phòng không nhiều lớp, bao gồm 96 tên lửa đất đối không (SAM) S-300F và 40 tên lửa đất đối không 9K33 Osa, 6 hệ thống vũ khí tầm gần Kortik.
Mỗi hệ thống Kortik có hai pháo Gatling 30 mm có khả năng bắn hơn 4.000 viên đạn một phút và tám tên lửa phòng không 9M311, cùng 144 quả 9M311 trong kho.
Mười ống phóng ngư lôi có thể bắn ngư lôi Type- 53, tên lửa chống ngầm RPK-2 Vyuga và RPK-6 Vodopad. Một khẩu súng AK-130 130mm hai nòng và nhiều bệ phóng tên lửa chống ngầm cũng được trang bị. Tàu còn có nhà chứa máy bay và bãi đáp cho ba trực thăng Ka-25 hoặc Ka-27.
Có một số khác biệt nhỏ giữa bốn con tàu. Ví dụ, Đô đốc Ushakov có hai khẩu AK-100 100 mm một nòng và một bệ phóng tên lửa chống ngầm SS-N-14 Silex đôi. Ngay cả khi có sự khác biệt, chúng vẫn được coi là một trong những tàu được trang bị vũ khí mạnh nhất trên biển.
Tổng thống Ronald Reagan, được bầu cùng năm tàu Kirov được đưa vào biên chế, lo lắng về sức mạnh hải quân Liên Xô gia tăng và đã khởi xướng việc nâng tổng số tàu của Hải quân Mỹ lên 600 chiếc.
Một phần của kế hoạch này bao gồm việc kích hoạt lại tất cả bốn thiết giáp hạm lớp Iowa thời Thế chiến 2 và trang bị cho chúng tên lửa Harpoon, Tomahawk, hệ thống phòng thủ cực nhanh tầm gần Phalanx.
Ba chiếc Kirov đầu tiên được đưa vào hoạt động vào các năm 1980, 1984 và 1988. Mặc dù chúng được phục vụ hạn chế trong Hạm đội Thái Bình Dương và Phương Bắc của Hải quân Liên Xô, nhưng chúng là nguồn cơn lo lắng đối với các chỉ huy hải quân NATO.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga không đủ khả năng để tất cả các tàu chiến-tuần dương hoạt động đồng thời.
Đô đốc Ushakov được đưa ra khỏi biên chế vào năm 1990 sau một vụ tai nạn. Đô đốc Lazarev cập cảng dài ngày từ năm 1999. Cả hai đều chuẩn bị được dỡ bỏ trong năm nay. Hai tàu còn lại, một đang được tân trang, một đang hoạt động.