Những chiến sĩ tình báo hải quân Xô viết: Cái chết rập rình cửa biển Hải Phòng

Ngày 2/6/1967, 'Turkestan' tàu của hãng Viễn Đông (Liên Xô) chở đầy hàng đang neo tại cảng Cẩm Phả thì bị máy bay của hải quân Mỹ bắn. Thợ điện máy Nikolai Rybachuk hy sinh, 6 người bị thương. Mâu thuẫn quốc tế thật căng thẳng hết mức, bởi người Mỹ tìm mọi cách để phủ định sự tham gia vào cuộc tấn công tàu này.

Trong cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh ở Việt Nam (Moskva, 7/2012), từ trái qua phải: D. T. Lukash thuyền trưởng cấp 1, chỉ huy, trung tá A. M Misnik nguyên chỉ huy căn cứ trên bờ, V. A Zaitsev thủ trưởng đầu tiên của Ban tham mưu và Đề đốc hưu trí Vladimir Karev.

Tổ trinh sát của GC-34 (tổ trưởng là thuyền trưởng – thiếu úy B. M. Mozhukhin) thu được cuộc nói chuyện giữa bọn lái máy bay với hàng không mẫu hạm và đưa ra những bằng chứng không tranh cãi về số hiệu các máy bay của phi đoàn cất cánh từ hàng không mẫu hạm Midway, thời gian và vị trí chúng tấn công. Phía Mỹ phải xin lỗi về sự cố. Tổ trưởng tổ trinh sát điện tử, thuyền trưởng – thiếu úy B. M. Mozhukhin được thưởng huân chương Sao Đỏ.

Từ tháng 5/1972, người Mỹ bắt đầu giăng mìn, thủy lôi bao vây các cảng của miền Bắc Việt Nam. Mìn, thủy lôi do máy bay từ hàng không mẫu hạm thả xuống. Đầu tiên là loại máy bay “Intruder” và “Corsairs” từ tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV-63) và USS Coral Sea (CV-43); chỉ trong 8 tháng sau đó, chúng đã thả hơn 11.000 quả Mk-36 và Mk-52-2. Mìn, thủy lôi rải ồ ạt vào tháng 8-1972, khi các máy bay cất cánh từ 6 tàu sân bay bí mật thả những loại mìn thủy âm và từ trường vào từng luồng lạch của cảng Hải Phòng. Hàng chục tàu nước ngoài bị giam tại cảng Hải Phòng. Chiến dịch đó được kịp thời khám phá bởi các trinh sát điện tử tàu Deflektor (chỉ huy tàu là thuyền trưởng cấp 3 O. L. Kuchin, chỉ huy tổ tình báo là K. P. Chudin) khi đó đang ở vịnh Bắc Bộ. Tin báo kịp thời về sở chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương và đoàn tàu Viễn Đông, nhờ đó tàu của ta không bị dính mìn.

Tháng 12/1972. Tại Paris đã tiến hành cuộc thương thuyết dài ngày giữa chính phủ Mỹ với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về ngừng ném bom và pháo kích trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc thương thuyết diễn ra trong bối cảnh quân Mỹ bị thiệt hại nặng nề và các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mở rộng tiến công. Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những tổ hợp tên lửa phòng không mẫu mới đã đến, cho phép tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược B-52 ở tầm cao cũng như hoạt động hiệu quả khi bắn những mục tiêu bay tầm thấp. Báo chí thế giới đăng những tấm ảnh chụp máy bay rơi và phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Ở hội nghị Paris, các đại biểu Mỹ nhằm đạt được càng nhiều những điều kiện rút quân trong danh dự. Họ đặt cược vào chính sách “dọa cho sợ”.

Từ 25/12/1972, chỉ huy Mỹ mở một chiến dịch có quy mô to lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến, chống lại hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các cơ sở quốc phòng của quân đội Việt Nam. Phải thật bất ngờ. Mở màn vào ngày Chúa giáng sinh, người Mỹ thông thường ngưng chiến. Mỹ lôi kéo vào chiến dịch này toàn bộ số máy bay hiện có ở Đông Nam Á. Chỉ ngày đầu chiến dịch, máy bay cất cánh từ 7 tàu sân bay đã tiến hành trên 1.500 chuyến. Tuy nhiên lãnh đạo quân đội Liên Xô và Việt Nam đã nhận được tin các máy bay sẽ ồ ạt cất cánh từ tất cả các tàu sân bay. Nguồn tin là tàu trinh sát Kursograf (chỉ huy tàu O. D. Tulchinsky, chỉ huy tổ tình báo là thượng úy thuyền trưởng V. G. Kozlov và thượng úy V. A. Karev). Tàu ở tại trung tâm điều hành của lực lượng cơ động 77. Điều đó cho phép kịp thời đưa toàn bộ hệ thống phòng không của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Qua 12 ngày đêm Mỹ đã ném xuống các thành phố Bắc Việt Nam trên 100 nghìn quả bom. Đáp lại, các lực lượng phòng không nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắn hạ 80 máy bay Mỹ, trong đó có 23 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Dưới sức ép của công luận và hậu quả những thất bại nghiêm trọng trong chiến tranh, chính phủ Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định về đình chiến và rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Việt Nam, đó là ngày 27/1/1973.

Tháng 2 và 4/1973. Người Mỹ chuyển các hoạt động quân sự vào miền Nam Việt Nam, phái tới đó tất cả các tàu sân bay. Theo Hiệp định Paris 1973, hạm đội 7 phải phá mìn, thủy lôi ở các luồng lạch và cửa biển Hải Phòng, chiến dịch đó được gọi là “And Sweep” (quét sạch). Một liên quân rà phá thủy lôi được thành lập gồm tàu sân bay trực thăng Okinawa (tàu chỉ huy), tàu đổ bộ mang theo các trực thăng để rà phá, tàu y tế, hậu cần... Toàn bộ liên quân gồm gần 50 tàu lớn tàu nhỏ, lực lượng rà phá chủ yếu là những máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Sea Stallion được cải tiến với các thiết bị lưới thủy âm, lưới từ trường và những trục lôi hạm phi kim loại. Có dùng đến hệ thống điện tử tần số vô tuyến ba chiều Raydist. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiến dịch huy động tất cả máy bay trực thăng rà phá thủy lôi được áp dụng trên biển.

Đáp ứng mệnh lệnh của Tổng tư lệnh hải quân và Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, đã thành lập đội phản ứng nhanh của hạm đội Thái Bình Dương ở bãi mìn cảng Hải Phòng, vịnh Bắc Bộ và biển Nam Hải, dưới sự điều khiển của thuyền trưởng cấp 1 D. T. Lukash, chỉ huy hải đoàn 38, trong thành phần có các tàu trinh sát Aneroid (chỉ huy hạm), Protraktor, Kursograf, Barograf, Gidrofon, các tàu rà quét MT-4 và MT-5 với tàu chở dầu Vladimir Kolechitsky. Nhiệm vụ chính của đội là:

- khám phá hoạt động, chiến thuật rà phá, sử dụng những lực lượng, phương tiện và khả năng rà phá mới cũng như các kỹ - chiến thuật của lực lượng rà phá Mỹ;

- đánh giá kết quả rà phá và kịp thời thông báo cho các tàu Nga về nguy cơ gặp mìn.

Nhiệm vụ đó, đội phản ứng nhanh đã hoàn thành, mặc dù nguy cơ là nghiêm trọng. Kết thúc «And Sweep», chỉ huy Liên Xô và Việt Nam đã có trong tay những dữ liệu cặn kẽ về kết quả chiến dịch.

Giữa tháng 3/1973, con tàu Liên Xô đầu tiên Pioner Marat Kazei vừa rời cảng Hải Phòng liền gặp tàu trinh sát Kursograf, và thứ đầu tiên các thủy thủ Xô viết trao cho các chiến sĩ tình báo là sơ đồ các bãi mìn, các luồng lạch an toàn và những mảnh xác máy bay B-52 bị rụng.

Ngày 31/12/1974, tàu trinh sát cuối cùng Kursograf từ vịnh Bắc Bộ trở về căn cứ, kết thúc thiên sử vinh quang “Việt Nam” của hải đoàn. Đến ngày 1/5/1975, các thủy thủ – tình báo khoan khoái ngồi xem truyền hình chiếu cảnh giải phóng Sài Gòn, xóa sổ chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam và người Mỹ rút chạy trên những chiếc trực thăng cất cánh từ nóc nhà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Vladimir Karev tại Cam Ranh, 1987.

Nghề tình báo âm thầm nhưng nguy hiểm

Trong các trận không chiến ở Việt Nam và trong toàn bộ cuộc chiến, máy bay Mỹ cất cánh từ hàng không mẫu hạm đã bắn hạ 62 máy bay Việt Nam. Tổn thất của các hàng không mẫu hạm là 526 máy bay và 13 trực thăng, không tính 193 máy bay và 270 trực thăng của lính thủy đánh bộ. Tính tất cả có 591 phi công Mỹ bị bắt sống làm tù binh (thống kê được trích từ trung tâm Lịch sử biển của hải quân Mỹ “United States Naval Aviation 1910-1995”, Washington, 1997).

Làm thủy thủ – tình báo ở vùng chiến sự có nguy hiểm đến tính mạng không? Chắc chắn là có. Tàu của chúng tôi, bọn Mỹ biết rất rõ, nhưng chúng không đụng đến, bởi tàu chỉ hoạt động ở những vùng biển có đặc quyền ngoại giao. Ngoài ra còn tồn tại một quy tắc bất thành văn giữa hai bên: không được đụng đến tàu trinh sát. Mặc dầu vậy, những hành động gây hấn với tàu ta cũng có:

- Tháng 9/1967, tàu trinh sát Mỹ Bonner chủ ý đâm vào tàu trinh sát của ta là Anemometr (Kerby) ở biển Nam Hải, nhưng cả hai tàu đều không bị hỏng hóc nghiêm trọng, thành tàu Kerby bị lõm ở phần mũi tàu;

- Năm 1968, tàu trinh sát Mỹ Bonner cố tình xông vào tàu trinh sát Izmeritel của ta ở vùng biển Nam Hải với mục đích xua đuổi tàu ta ra khỏi vùng trinh sát;

- Ngày 3/9/1969 tàu tuần tiễu của chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam xả đạn vào tàu trinh sát Gidrofon của ta trong vùng trinh sát bờ biển miền Nam Việt Nam, kết quả trên tàu xuất hiện đám cháy, hư hỏng một phần thiết bị, những anh em thủy thủ – tình báo không ai bận gì. Toàn đội tàu là tiêu biểu của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng, những người xuất sắc hơn cả được thưởng huy chương Chiến công;

- Tháng 12/1969 tàu tuần tiễu của chính quyền bù nhìn miền Nam xả đạn vào tàu trinh sát của ta Protraktor ở gần lãnh hải của Việt Nam và vịnh Bắc Bộ, kết quả thủy thủ A. N. Lebedev dính thương ở chân. Bị 16 vết đạn bên sườn, phía trên đường ngấn nước, tàu bơi ra xa và tiếp tục thi hành nhiệm vụ;

- Tháng 4/1970, nhằm xua đuổi tàu trinh sát Peleng của ta khỏi vùng theo dõi tàu sân bay, máy bay cường kích Douglas A-4 Skyhawk thả bom theo hải trình của tàu, cách mũi và đuôi tàu 1-2 cabentôp (mỗi cabentôp bằng 185,2 mét). Không quả nào rơi trực tiếp nên tàu không bận gì.

- Tháng 4/1973, trong giai đoạn trinh sát chiến dịch rà phá mìn, thủy lôi, một tàu lai dắt của hải quân Mỹ bắt chước hải trình của tàu trinh sát Ànårîid, mà lúc này tàu ta đang buông neo ở rìa bãi mìn, có bật đèn tín hiệu ở neo. Tàu lai dắt đi qua, chỉ cách mũi tàu ta vài mét, chân vịt bị mắc vào dây xích mỏ neo của tàu trinh sát.

Đã từng có trường hợp các thủy thủ tàu trinh sát Kursograf của ta đưa lên boong tàu một thủy thủ của tàu Blue Ridge thuộc hạm đội 7 bị trượt ngã khỏi boong, do đó họ nhận được thư cảm ơn và quà tặng từ chỉ huy hạm đội 7. Có những trường hợp cứu dân di cư bất hợp pháp của miền Nam Việt Nam ở vùng biển Nam Hải. Những trường hợp như thế nhiều lắm. Và từng thành viên trong sự kiện đó có thể kể nhiều. Nhưng quan trọng hơn cả là hơn 35 năm sau họ vẫn còn nhớ câu chuyện đã kết thúc như thế nào.

Vĩ thanh cho một kết thúc

Kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang CCCP xuất bản một bộ sách 5 tập đồ sộ Chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam 1964-1975, trong đó hơn 70% tư liệu được khai thác bởi tình báo của hạm đội Thái Bình Dương. Trong công trình đó, tư tưởng chủ đạo như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là: sức mạnh quân sự hùng hậu của cường quốc mạnh nhất thế giới cũng không thể bẻ gãy được ý chí của một dân tộc đấu tranh vì chủ quyền, tự do và độc lập.

Nhiều năm sau, nước Mỹ phải chịu cái gọi là “hội chứng Việt Nam”, bệnh tật ập đến, làm mòn mỏi nhiều người Mỹ còn sống sau chiến tranh nhưng trở về nhà mình với một tâm lý vụn gãy, nhiều gia đình đau thắt bởi đã mất những đứa con trai của mình trong cuộc chiến tranh ấy. Nhưng những chính khách mới đã đến, họ không biết gì về bài học Việt Nam nhưng lại tin vào sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Thế là nghĩa trang quốc gia Arlington lại thêm những ngôi mộ mới chôn cất những binh sĩ Mỹ bị chết ở Afghanistan và Iraq. Những nuộ̃c chiến ấy khó lòng mà biết được sẽ kết thúc ra sao.

Từ năm 1985, trước là Liên Xô, sau là Liên bang Nga bước vào thời kỳ gọi là cải cách quốc phòng, cuộc cải cách ấy còn tiếp tục cho tới ngày nay. Hải đoàn cơ động của hạm đội Thái Bình Dương được thành lập trong cuộc chiến ở Việt Nam đặt căn cứ tại Cam Ranh tồn tại không lâu và ngừng hoạt động trong những năm 1990 cuồng phong.

Với những người đã trực tiếp tham gia chiến sự ở Việt Nam thì sao?

Luật Liên bang Về cựu chiến binh ban hành ngày 12/10/1995 No5-F3 điều khoản 3 về “Cựu chiến binh tham gia chiến đấu”, ở phần phụ lục kê những quốc gia, thành phố, lãnh thổ và thời kỳ diễn ra hoạt động quân sự có sự tham gia của những công dân Liên bang Nga, trong đó chỉ rõ: “Hoạt động quân sự ở Việt Nam: từ tháng 1/1961 đến tháng 12/1974, trong đó kể cả đội ngũ tàu trinh sát của hạm đội Thái Bình Dương làm nhiệm vụ quân sự tại biển Nam Hải”.

Nhưng thực tế thì ra sao? Để giải đáp tất cả các câu hỏi, ở Bộ Quốc phòng Liên bang Nga từ lâu đã có sẵn câu trả lời chuẩn mực.

Tôi không thể không dẫn ra đầy đủ:

“Các đơn và tài liệu (của người có họ tên nào đấy) đều đã được xem xét. Chúng tôi được thông báo rằng, theo điều F3 “Về cựu chiến binh” (điều khoản 3), được xếp vào hạng cựu chiến binh cụ thể phải là những quân nhân được các cơ quan chính quyền nhà nước CCCP cử sang các nước khác và tham gia các hoạt động quân sự để thực hiện nhiệm vụ ở các quốc gia đó”.

Nhận xét của tác giả: Khi đó, chính quyền nhà nước CCCP không thể công bố chính thức họ đã cử các tình báo viên Xô viết đi đến đâu.

Liên quan đến điều đó ở chương III có liệt kê các quốc gia, thành phố, lãnh thổ và thời kỳ xảy ra hoạt động quân sự có sự tham gia của công dân Liên bang Nga thì áp dụng với những người tham gia hoạt động quân sự ở các quốc gia (lãnh thổ) kể trong chương III của 3F3 “Về cựu chiến binh”. Đồng thời, chiểu theo điều 2.11 của quy định Số 69 do Bộ Lao động Nga ban hành từ ngày 11-10-2000, việc xác nhận quyền hưởng ưu tiên dành cho cựu chiến binh được trao căn cứ vào tư liệu của các cơ quan lưu trữ và các tài liệu khác chứng minh sự tham gia hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ ở lãnh thổ các quốc gia khác.

Nhưng những tư liệu như thế hiện không được lưu giữ trong bản liệt kê của các tàu trinh sát hạm đội Thái Bình Dương làm nhiệm vụ chiến đấu ở vùng biển Nam Hải.

Cũng nên biết rằng khái niệm “nhiệm vụ phục vụ chiến đấu” và “hoạt động quân sự” cách nhau khá xa. Theo điều 21 của Điều lệnh chiến đấu của Hải quân, thì “hành động chiến đấu bao gồm: tham gia trận đánh, các cuộc tấn công diễn ra trong quá trình tàu tiến hành chiến dịch. Theo bản liệt kê nói trên, trong các hành động chiến đấu thì tàu Kursograf không tham gia. Riêng việc tàu ở trong lãnh hải của quốc gia khác, không tham gia thực tế vào các hoạt động quân sự thì không thể lấy làm căn cứ để đưa các nhân sự của tàu vào loại cựu chiến binh hoạt động quân sự và trao quyền được hưởng những ưu tiên tương xứng”.

Các cựu chiến binh của hải đoàn đã nhận được giải đáp như thế từ cơ quan đảm bảo an sinh xã hội của Cục kinh tế – tài chính Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Không có sự sỉ nhục nào hơn. Khi lên án những bộ óc thông minh ở Bộ Quốc phòng cũng cần công nhận rằng, tất cả các chiến sĩ tình báo từng theo dõi địch trong thời gian chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, từng bắt sống những cái “lưỡi” mà không một phát súng nào nổ, những người của ta làm việc trong các cơ quan tham mưu của Đức, họ chẳng phải là cựu chiến binh hoạt động quân sự hay sao. Nhân dân Việt Nam đã đánh giá công lao vào chiến thắng chung của các chiến sĩ tình báo ta, đã công nhận đấy là những cựu chiến binh chiến tranh ở Việt Nam, vậy mà văn phòng nào đó ở cơ quan đảm bảo an sinh xã hội Cục kinh tế – tài chính Bộ Quốc phòng Liên bang Nga lại không chịu công nhận. Kể cũng dễ hiểu vì sao họ sẽ đòi được ưu tiên. Nhưng văn phòng đó đâu có biết rằng, các cựu chiến binh cần không chỉ chế độ ưu tiên, mà là sự công nhận chính thức đối với công lao đóng góp trước nhà nước và nhân dân mà họ phụng sự. Và tất nhiên, tán dương chî sự trả lời quấy quá ấy là câu nói về việc tàu ta ở “hải phận của quốc gia khác”. Nếu như điều đó xảy ra trong vùng chiến sự, tàu sẽ bị đánh chìm ngay lập tức và sẽ nổ bùng sự cố quốc tế với những hậu quả khôn lường.

Tôi không muốn tin tình hình như thế sẽ còn tiếp tục một thời gian dài. Đến nay, nhiều sự kiện chưa được biết đến từ lịch sử hạm đội Thái Bình Dương vẫn đang còn chưa được tiết lộ. Nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, lịch sử của chúng ta sẽ còn tiến triển, chúng ta, những cựu chiến binh, sẽ mãi mãi được chỉ đạo bởi lời răn của Đô đốc lừng danh Stepan Osipovich Makarov: “Chiến tranh mà, hãy nhớ lấy”.

Vladimir Karev
(Đăng Bẩy chuyển ngữ)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-chien-si-tinh-bao-hai-quan-xo-viet-cai-chet-rap-rinhcua-bien-hai-phong-tintuc432501