Nhức nhối nạn tranh chấp, lấn chiếm khi giao khoán đất cho doanh nghiệp
Chính sách giao khoán đất trong các công ty nông nghiệp bên cạnh những kết quả tích cực đã bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm diễn ra nhức nhối
Chính sách đã thực hiện 3 thập kỷ
Từ năm 1995 trở lại đây, chính sách giao khoán đất trong các công ty nông nghiệp được xem là một bước đi quan trọng nhằm đổi mới quản lý đất đai và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Chính sách giao khoán đất đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Người dân được nhận đất, có điều kiện làm ăn ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, đời sống được cải thiện rõ rệt. Nhờ đất khoán, nhiều địa phương hình thành được các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp nông sản có đầu ra ổn định, tạo thêm việc làm và giữ vững an ninh trật tự nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho biết, hiện nay, các công ty nông nghiệp đang giao khoán đất theo 2 hình thức là giao khoán đất nông nghiệp và giao khoán vườn cây. Khảo sát tại 4 tỉnh, tổng thu nhập bình quân 1 hộ nhận khoán là 299 triệu đồng/hộ/năm; trong đó thu nhập từ nhận khoán của công ty nông nghiệp là 192 triệu đồng/năm, thu nhập từ làm nông nghiệp khác là 85 triệu đồng/năm, thu nhập ngành nghề khác là 21 triệu đồng/năm.

Nhiều bất cập trong giao khoán đất cho công ty nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau gần ba thập kỷ, nhiều vấn đề đã nảy sinh, cho thấy chính sách khoán đất cần được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết: “Hiện, cả nước có 126 công ty nông nghiệp được sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, đang quản lý khoảng 478.000 ha đất. Trong số này, khoảng 113.870 ha là đất đã được giao khoán, nhưng vẫn còn hơn 34.000 ha bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc chưa đưa vào sử dụng. Đặc biệt, khoảng 17.000 ha vẫn áp dụng cơ chế quản lý cũ theo Nghị định 01/CP từ năm 1995, gây ra chồng chéo trong quản lý và thực hiện”.
Ông Phùng Giang Hải - Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường - cho rằng: “Chính sách khoán đất hiện nay đang bộc lộ rõ nhiều bất cập. Khung pháp lý thiếu cụ thể, không thống nhất giữa các hình thức khoán, cho thuê hay góp đất. Trong khi đó, người nhận khoán không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi như chuyển nhượng, thế chấp hay thừa kế, khiến họ e ngại đầu tư dài hạn. Việc này khiến nhiều diện tích bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, thậm chí phát sinh tranh chấp kéo dài”.
Hàng loạt vụ việc nhức nhối
Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng đất khoán sai mục đích. Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, vướng mắc lớn nhất hiện nay của tập đoàn là việc áp dụng quy định cho phép hộ dân nhận khoán được làm lán trại tạm, chuồng trại, giếng nước, sân phơi… để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều hộ đã tự ý mở rộng quy mô sử dụng đất, thậm chí xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố, chuyển nhượng hợp đồng khoán hoặc tự do mua bán quyền sử dụng đất trái phép. Thực trạng này diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các khu vực ven quốc lộ, tỉnh lộ, gần khu công nghiệp - nơi giá trị đất đai tăng cao, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Việc giao khoán đất cho các công ty nông nghiệp còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: IT.
Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng phản ánh nhiều vướng mắc trong thủ tục nhận khoán đất. Các công ty thành viên phần lớn phải tự triển khai việc giao khoán trong khi thiếu hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Cán bộ kỹ thuật tại chỗ còn yếu, việc đo đạc, lập hồ sơ chưa đầy đủ, dẫn đến tranh chấp giữa các hộ nhận khoán.
Nhiều địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xử lý lấn chiếm, xây dựng trái phép. Một số nơi, đất trồng cà phê đã bạc màu, cây già cỗi, năng suất thấp, trong khi chi phí vật tư đầu vào ngày càng tăng. Người dân muốn tái canh, đầu tư cũng gặp khó, nhất là khi cận vốn vay ưu đãi không dễ...
Nhiều vụ việc tranh chấp trong giao khoán đất nông nghiệp đã được đưa ra xét xử kéo dài. Mới đây nhất, vào tháng 4, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự về việc “tranh chấp hợp đồng giao khoán và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”.
Vụ việc xảy ra khi bà T. nhận đất giao khoán nhưng không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc vườn cây theo quy định của công ty, tự ý chuyển đổi từ cây cà phê sang các loại cây trồng khác. Vì thế bà T. bị yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, giao nộp sản lượng cà phê không thực hiện đầy đủ và bị yêu cầu trả lại đất cho công ty giao khoán.
Kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo nút thắt giao khoán trong các công ty nông nghiệp, TS. Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho rằng để giải quyết vấn đề trước mắt và về lâu dài, các chính sách phải quan tâm đến đối tượng người dân, sau sắp xếp đổi mới, phải đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau khi sắp xếp chính quyền 2 cấp, cần kiên quyết thực hiện Kết luận số 103-KL/TW ngày 02/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Nếu công ty không có khả năng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 30, có thể giải thể, chuyển thể theo đúng pháp luật, đúng quy hoạch, đặt lợi ích của người dân lên trên. Đồng thời, nghiên cứu để chuyển đổi mô hình từ các hộ, cá nhân, lao động nhận khoán, lao động nhận khoán, cá nhân nhận khoán trở thành cổ đông, người lao động trong công ty nông nghiệp...