Nhu cầu nhân lực Khoa học dữ liệu tăng cao

'Không chỉ Việt Nam thiếu hụt nhân lực ngành Khoa học dữ liệu mà ở các nước tiên tiến càng thiếu nhiều hơn vì kinh tế và công nghiệp phát triển sẽ rất cần chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này'- PGS.TS Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin.

Ảnh minh họa

Ngày 4/8, tại buổi ra mắt chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Dữ liệu (KHDL) của trường ĐH Khoa học tự nhiên, PGS.TS Vũ Hoàng Linh cho biết: Đây là một lĩnh vực mới, mang tính đa ngành được hình thành trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhu cầu về chuyên gia KHDL có ở nhiều lĩnh vực, từ những ngành có nhu cầu về phân tích dữ liệu khoa học như y sinh học, môi trường, địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn, nông nghiệp, xã hội học… đến những ngành có nhu cầu phân tích dữ liệu liên quan đến tài chính, ngân hàng, kinh doanh thương mại, chăm sóc khách hàng, mạng xã hội. Hiện nay, một số tập đoàn kinh tế, DN, viện nghiên cứu như Viettel, FPT… ở trong nước cũng đã hình thành các trung tâm, phòng thí nghiệm KHDL.

Hiện nay, các trường ĐH có rất ít các chương trình đào tạo chuyên sâu về KHDL. Vì thế, trường ĐH Khoa học tự nhiên với thế mạnh về cả 3 lĩnh vực: Toán ứng dụng, Thống kê và Tin học đã dành hơn 2 năm xây dựng bài bản, công phu chương trình đào tạo bậc thạc sĩ về KHDL. Đến năm 2018, nhà trường đã được ĐH Quốc gia Hà Nội phê duyệt cho triển khai thí điểm chương trình đào tạo này. Chương trình sẽ trang bị đồng thời các kiến thức vững chắc về toán học, thống kê, tin học, giúp học viên phân tích, khai thác hiệu quả nhiều loại dữ liệu khác nhau trong thực tế như ở lĩnh vực kinh tế, tài chính, sinh học, biến đổi khí hậu…
Những học viên học chương trình KHDL sẽ được trang bị kiến thức về phương pháp thống kê, phân tích và dự báo. Cùng với đó là phương pháp số giải bài toán tối ưu; các mô hình học máy, thuật toán khai phá dữ liệu; các mô hình, hệ thống xử lý dữ liệu lớn. Người học cũng được rèn luyện các kỹ năng thu thập, phân tích dữ liệu, khảo sát dáng điệu, phân phối, phát hiện cá biệt, phát hiện mẫu điển hình; xây dựng mô hình thống kê, dự báo, phân cụm, gán nhãn tự động, ước lượng giá trị…. Học viên cũng được thực hành ứng dụng mô hình lý thuyết trên dữ liệu thực tế; rèn luyện kỹ năng từ việc tham gia vào các dự án trong công nghiệp, dịch vụ. Qua đó, có khả năng nghiên cứu độc lập với sự tư vấn, định hướng từ các chuyên gia đầu ngành.
Giám đốc Trung tâm Không gian mạng – Tập đoàn Viettel Lê Minh Hưng cho rằng, với chương trình đào tạo thạc sĩ KHDL đầu tiên tại Việt Nam, các DN sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng và đào tạo từ trong nước. Ông Hưng khẳng định: “Nhu cầu nhân lực cả về data engineer và data science trong lĩnh vực dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Các DN cũ đều sẽ nhìn dữ liệu như là một cửa tăng trưởng mới”.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhu-cau-nhan-luc-khoa-hoc-du-lieu-tang-cao-322459.html