Nhọc nhằn bám chữ dưới chân núi Pha Luông - Bài 2: 4 mùa 'tự lập' nuôi hoài bão lớn

Ở những chiếc lán dựng tạm quanh trường, các em học sinh đã quen với cuộc sống tự lập, một mình chăm sóc 3-4 em nhỏ, quán xuyến mọi việc trong nhà chẳng khác gì người trưởng thành.

Tuổi thơ của các em bị "đánh cắp" bởi sự nhọc nhằn để bám từng con chữ, nuôi ước mơ lớn. Cuộc sống đã quá khó khăn nên ước mơ của những đứa trẻ nơi đây cũng muôn hình, vạn trạng chẳng ai giống ai.

Viết tiếp ước mơ còn dang dở…

Bố mất sớm, Giàng Thị Nênh (12 tuổi) theo mẹ về nhà bố dượng sinh sống. Học đến lớp 3 thì em nghỉ học ở nhà chăn trâu, đi làm nương và trông em. Em trai cùng mẹ khác cha là Hờ A Sang (7 tuổi), cậu ruột là Giàng A Giống (7 tuổi) cũng nghỉ học 1 năm.

Năm học 2023-2024, Nênh - Sang - Giống đều được quay trở lại trường học, Nênh thì học lớp 4 (nếu đúng tuổi em phải học lớp 7), còn Sang và Giống học chung lớp 1. Nhiệm vụ chăm sóc, dạy các em học khi bố mẹ đi làm dưới huyện được giao cho chị Nênh, cả 3 ở với nhau trong căn lán nhỏ cạnh trường.

Rời xa bố mẹ, các em học sinh tập trung sinh hoạt cùng nhau trong những chiếc lán dựng tạm.

Tan học, chị cả Nênh về nhà vét nốt bát cơm nguội ra cho gà ăn, rồi đặt nồi cơm mới cho bữa tối. Cậu em A Sang thì nhóm bếp, A Giống thì rửa đống bát hồi trưa ăn xong vội đi học còn để đó. Thức ăn bữa tối hôm nay của ba chị em có 1 gói mì tôm, Nênh bảo: “Thế là đủ no rồi chú ạ! Có bữa chỉ ăn cơm trắng với muối thôi!”.

Trong cái giá rét của mùa đông, bên bếp lửa hồng đang đun nồi cơm còn sôi sùng sục, mọi công việc gần như hoàn tất, tôi mới được trò chuyện cùng Nênh. Cô bé có dáng người nhỏ bé nhưng khuôn mặt lúc nào cũng nở một nụ cười hồn nhiên. Nênh cho hay, được đến trường, được đi học trở lại nhưng nhiều lúc em cũng tủi thân và nhớ bố mẹ. Em A Sang đang ốm mà em cũng chỉ biết cõng em lên nhờ ông bà hàng xóm giúp đỡ, bố mẹ thì đi làm dưới huyện, mấy tháng mới về một lần.

Nói về ước mơ của mình, em hào hứng lắm: “Em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người ở bản, để mỗi khi có bệnh, người dân trong bản sẽ đỡ phải đi xa, vất vả xuống dưới huyện chữa bệnh”.

Anh Hờ A Sỉu (bố dượng của Nênh) cho biết, gia đình khó khăn không có tiền nên mới phải đi làm xa, để các con một mình trên lán cũng không yên tâm, đưa cả 2 đứa xuống huyện thì chi phí tăng cao, không đủ tiền trang trải. Về chuyện học hành của các con, anh A Sỉu muốn cho cả Nênh và A Sang học đến hết lớp 12, thậm chí là đến cao đẳng, đại học .

Cùng học chung lớp với Nênh, Giàng Thị Dụ (12 tuổi, ở bản Pha Luông) đến trường muộn hơn so với các bạn vì không có giấy khai sinh ( bố mẹ đều tảo hôn nên không thể làm giấy khai sinh cho con). Lán của Dụ phụ trách cũng có 4 học sinh đủ lứa tuổi gồm: Lớp 3, lớp 2, lớp 1 và mẫu giáo 5 tuổi, tất cả đều 1 tay Dụ chăm sóc. Đi học muộn hơn so với các bạn nhưng Dụ luôn đứng đầu lớp, nhiều năm liền được nhận giấy khen là học sinh xuất sắc. Em mong rằng: “Sau này em sẽ trở thành cô giáo để dạy cho trẻ em người Mông ở đây biết tiếng Kinh”.

Dẫu đã quen với cuộc sống tự lập, thích nghi với vai trò làm chủ gia đình nhưng nỗi nhớ bố mẹ cũng đủ để làm gục ngã trái tim còn thơ dại. Dụ nghẹn ngào: “Bố mẹ đi làm chăm sóc bò sữa dưới Mộc Châu, 3 tháng rồi em chưa được gặp bố mẹ nên rất nhớ. Em sẽ cố gắng học thật tốt để đợi bố mẹ đi làm về”.

Còn lắm những khó khăn

Đều đặn mỗi ngày 2 lượt, Mùa Thị Xay (lớp 4) cùng anh trai là Mùa A Hờ (lớp 5) đi bộ 4km từ lán dựng tạm xuống điểm trường Pha Luông để học, 1 em học lớp 2 và 1 em mẫu giáo 5 tuổi còn lại sẽ học ở điểm trường Suối Thín.

Công việc của Xay ngày nào cũng vậy, hết giờ học sẽ đeo gùi lên núi nhặt củi về để nấu ăn, sưởi ấm. Con đường vào rừng phải leo đến vài con dốc cao cả chục mét, trên lưng có một gùi củi cả chục kg nhưng Xay vẫn cảm thấy vui hơn là mệt. “Em quen với công việc này rồi nên cũng không thấy mệt, không thấy mỏi”, Xay nói.

Cũng giống ước mơ của Dụ, Mùa Thị Xay muốn mình trở thành cô giáo nhưng không phải là dạy học sinh, cô giáo Xay sẽ dạy chữ cho chính bố và mẹ của em đều không biết tiếng Việt.

Xay cho biết, cả bố và mẹ em đều không biết chữ, tính toán cũng rất khó khăn. Hàng tuần, sau khi từ bản mới về nhà, em dạy cho bố mẹ những phép tính đơn giản đã được học trên lớp hay cách ghép vần, cách tạo thành câu. Bây giờ thì bố mẹ đã có thể ký được tên của mình khi không có chúng em ở nhà.

Giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, cả 4 anh em Xay được đi học đã là điều may mắn. Nếu để có một điều ước, Xay ước mấy anh em đều được no bụng tới trường, có áo ấm để mặc hơn là những điều ước lớn lao, xa vời mà chẳng biết đến bao giờ mới có thể thành hiện thực.

Bữa tối của 7 em học sinh hôm nay có 1 bát rau xanh.

Cách lán của Xay vài bước chân là lán của hai anh em ruột Hờ A Phàng (10 tuổi) và Hờ A Do (11 tuổi) đều học lớp 5 ở điểm trường Pha Luông. Khi chúng tôi đến thì cũng vừa đúng lúc bọn trẻ đang ăn cơm, một nồi cơm trắng, một bát rau nhỏ đã trở thành bữa tối ấm bụng của 7 em học sinh. A Do bảo: “Rau này chúng cháu đem theo từ bản cũ xuống, phải ăn trước không bị hỏng, còn 6 quả trứng thì dành ăn đến thứ 6 ạ!”.

Anh cả A Do lần lượt giới thiệu về các thành viên trong “gia đình” nhỏ của mình gồm: 2 anh lớn học lớp 5, 2 bạn học lớp 2 điểm trường Suối Thín, 1 bạn học lớp 3 điểm trường Pha Luông, 2 bạn mẫu giáo điểm trường Suối Thín. Công việc hàng ngày đều được phân công rõ ràng, các em nhỏ sẽ quét nhà, rửa bát, anh lớn thì đi nhặt củi và đào măng, còn lại sẽ nấu cơm.

Ở cái tuổi được ví như búp trên cành, chỉ cần biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan thì các em đã phải phải học cách làm người trưởng thành, tự chăm sóc cho bản thân mình và các em ở chung trong chiếc lán chỉ có một ánh đèn pin le lói. Xa bố mẹ, A Do cũng buồn lắm, tối nào đi ngủ cũng sợ nhưng dần cũng thành quen.

“Ước mơ lớn nhất của em là được tiếp tục đi học, vì bố chỉ cho hai đứa học đến lớp 7 rồi nghỉ đi chăn trâu”, giọng A Phàng trầm hẳn, đôi mắt cũng buồn theo.

Ước mơ của A Phàng và A Do dù giản đơn nhưng lại là bài toán khó, là nỗi trăn trở chung của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như toàn xã hội về con đường đến trường của các em học sinh tại huyện Mộc Châu nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung.

Cũng vì đời sống của đồng bào người Mông vẫn còn rất khó khăn; đói nghèo và tập tục tảo hôn đã trở thành rào cản đến trường của các em rất cao, nhiều em học sinh cũng theo đó mà bỏ học giữa chừng, để rồi tương lai bị tuột khỏi tay mà chẳng biết sẽ đến được bến bờ nào.

Câu chuyện của Nênh, Dụ, Xay, A Phàng, A Do chỉ là một trong số hàng chục câu chuyện mà chúng tôi được tận mắt thấy, được tự mình lắng nghe sau chuyến đi thực tế vừa qua. Phải là người trực tiếp gần gũi, trò chuyện, lắng nghe, chúng tôi mới cảm nhận được khát khao được bám con chữ để nuôi hoài bão lớn của các em nhỏ dưới chân núi Pha Luông.

Chia sẻ của các em học sinh tự lập dưới chân núi Pha Luông.

(còn nữa)

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhoc-nhan-bam-chu-duoi-chan-nui-pha-luong-bai-2-4-mua-tu-lap-nuoi-hoai-bao-lon-764350