Nhớ về cô, nhân ngày 21-6

Thấm thoắt, tôi đã tốt nghiệp ngành Báo chí Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng được 2 năm. Tôi bây giờ, không phải là một phóng viên, làm việc trong một cơ quan Báo, Đài nào đó như tôi từng mơ ước. Công việc Creative Copywriter (Sáng tạo nội dung truyền thông) hiện tại, ít nhiều giúp tôi vận dụng được những kiến thức bổ ích đã học vào thực tế nhưng không thể khỏa lấp tình yêu và nỗi nhớ về nghề báo.

Thấm thoắt, tôi đã tốt nghiệp ngành Báo chí Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng được 2 năm. Tôi bây giờ, không phải là một phóng viên, làm việc trong một cơ quan Báo, Đài nào đó như tôi từng mơ ước. Công việc Creative Copywriter (Sáng tạo nội dung truyền thông) hiện tại, ít nhiều giúp tôi vận dụng được những kiến thức bổ ích đã học vào thực tế nhưng không thể khỏa lấp tình yêu và nỗi nhớ về nghề báo.

Phóng viên Phan Thủy (giữa) – Báo Công an TP Đà Nẵng chụp hình với các cụ già.

Và với chúng tôi - những cựu sinh viên ngành Báo, ngày Báo chí Việt Nam 21-6 vẫn luôn mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó không chỉ là ngày tôn vinh những phóng viên, nhà báo - những “anh hùng” với bao cống hiến đáng ngưỡng mộ, vạch trần những nghịch lý, những bất công, những nỗi thống khổ bao đời của tầng lớp thấp cổ bé họng. Đó không chỉ là ngày tôn vinh thầy cô - những người đã thật sự truyền cảm hứng, đào tạo nên những lứa sinh viên ngồn ngộn lửa nghề, tinh thần cống hiến và ý chí mạnh mẽ, vượt qua mọi cám dỗ, để giúp người, giúp đời. Với tôi, 21-6 còn có ý nghĩa thật thiêng liêng, đó là dịp tôi bồi hồi nhớ về cô hướng dẫn thực tập của mình - Phóng viên Phan Thủy (Báo Công an TP Đà Nẵng) - người đầu tiên giúp tôi và cô bạn cùng thực tập nhìn rõ hơn về nghề Báo, là người mà mỗi chiều thứ hai hàng tuần, trong suốt hơn 2 tháng thực tập, luôn giúp chúng tôi sửa từng lỗi dùng từ, từng lỗi chính tả cho đến cách đặt câu cú. Người đã cho tôi cảm nhận được sức nặng con chữ mà kẻ cầm bút phải đảm đương. Người đã cho tôi biết rằng tiếng Việt phong phú vô cùng, phải không ngừng trau dồi mỗi ngày, đặc biệt với người theo nghiệp viết. Người đã lang thang cùng chúng tôi khắp các con hẻm ở phố cổ Hội An, chỉ để giúp chúng tôi vỡ ra, nhìn ngắm sự việc, đừng dễ dãi, đừng tưởng rằng đã quá quen thuộc mà không đặt tâm khám phá. Một góc nhìn mới lạ, sẽ đem đến những cảm nhận mới mẻ và không dẫm chân vào người đi trước. Báo chí chính là như thế, phải tìm tòi và khám phá điều mới lạ mỗi ngày, là phải thắc mắc tò mò về mọi thứ xung quanh, tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, nếu không vậy thì sao... Đó chính là những bài học đầu đời đối với hai đứa nhóc còn đang ôm ấp một màu hồng tươi đẹp về nghề Báo. Những ngày rong ruổi như thế, đã mang đến nguồn cảm hứng cho tản văn đầu tiên của tôi, với tựa đề Người Hội An, đăng trên báo Công An TP Đà Nẵng.

Là cô - người đã dắt chúng tôi đi qua chuyến công tác Quảng Ngãi với bao kỷ niệm khó quên. Trong cơn mưa sớm tầm tã dịp kỉ niệm 49 năm ngày thảm sát Mỹ Lai (16-3-2017), được đứng hòa vào dòng người làm lễ tưởng niệm, chưa bao giờ tôi thấy xúc động đến thế. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại tôi vẫn thấy xao động nơi trái tim mình. Tiếng vĩ cầm của Mike Boehm kéo tôi trôi tuột vào những ngày tháng đau thương mà anh dũng của đồng bào Sơn Mỹ ngày ấy. Lễ tưởng niệm kết thúc, bầu trời lại hửng nắng xanh ngắt. Rẽ lối cánh cổng khép hờ bên hông khu tưởng niệm để đi lối tắt vào làng, chúng tôi đã tìm gặp cụ bà Hà Thị Quý và bà Phạm Thị Trợ - những nhân chứng xứ Sơn Mỹ. Hình ảnh cô kiên nhẫn ngồi chuyện trò cùng hai người phụ nữ tuổi xế chiều bên dưới mái hiên vàng vọt, những câu chuyện chắp vá theo trí nhớ đứt đoạn vẫn cứ đều đều, khiến chúng tôi say mê, đôi lúc rùng mình vì độ tàn khốc của nó. Hình ảnh cô dìu hai người phụ nữ đã đi qua một đời giông bão, từng bước trên con đường làng thơm mùi sữa non của đồng lúa đang thì con gái, bầu trời ngả bóng sau lưng, khiến tôi khi nhìn thấy hình ảnh đó, lòng bỗng xốn xang diệu kỳ. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi đưa tay bấm máy và đến giờ nó vẫn là hình ảnh đẹp nhất về chuyến công tác đầu tiên của tôi nơi quê hương núi Ấn sông Trà.

Cô - người phụ nữ bình thường, nhiệt huyết trong từng trang viết, sống hết lòng vì gia đình đến quên mất thời gian đi kiếm tìm hạnh phúc riêng cho mình. Người phụ nữ vẫn lặng lẽ trên chiếc xe Nozza hoài cổ, hòa hợp đến lạ với vóc dáng có phần nhỏ nhắn nơi cô. Hai năm trôi qua, cuộc sống tuyến tính theo dòng chảy của thời gian, chúng tôi ra trường và có những ngã rẽ khác với những gì chúng tôi từng mơ ước. Nhưng trên tất cả, tôi hạnh phúc vì mình đã trải qua kỳ thực tập với bao điều đẹp đẽ, những bài học về con chữ cho đến làm người, thái độ sống, sự trân trọng và cả niềm hạnh phúc vì được sống và hít thở bầu trời hòa bình này. Và trong mớ suy nghĩ lan man về ngày 21-6, tôi bao giờ cũng nhớ về cô - là điều ý nghĩa nhất về ngày 21-6 trong tim tôi.

ÁI NHI

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_208062_nho-ve-co-nhan-ngay-21-6.aspx