Nhớ Trung thu xưa

Vậy là trung thu đến, thú thật là tôi ít khi ghi nhớ mốc thời gian cụ thể, trừ vài trường hợp đặc biệt. Cho đến khi mấy hôm nay, dọc khắp trên những con đường người ta dựng ki-ốt để bày bán bánh trung thu thì tôi mới để ý. Tuy tuổi thơ đã lùi lại về sau rất nhiều năm nhưng cứ mỗi độ Trung thu về, lòng tôi lại bồi hồi khó tả. Tôi nhớ những mùa Trung thu thơ bé nhà nghèo với nhiều ký ức êm đềm, tươi đẹp…

Hồi đó chẳng có lịch thông dụng như bây giờ, lũ trẻ lên chín, lên mười chúng tôi ước chừng Trung thu đến là sau khoảng thời gian thị chín cỡ ba tuần. Ngoài Tết Nguyên đán thì Tết Trung thu cũng được lũ trẻ con chúng tôi háo hức đợi chờ không kém. Tết Trung thu chỉ diễn ra vọn vẹn vào một đêm trăng duy nhất, nhưng “công tác chuẩn bị” là trước cả tháng trời. Chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra từ gia đình thuần nông, kinh tế chỉ trông chờ vào hai vụ lúa và chăn nuôi một ít gia súc, gia cầm. Vậy nên nhà đứa nào cũng nghèo như nhau, làm gì có tiền mà mua sắm đồ chơi Trung thu như bây giờ. Chính vì thế “trong cái khó ló cái khôn”, bằng sự cần cù, tìm tòi, học hỏi chúng tôi tạo ra những chiếc đèn chơi Trung thu bằng chính đôi tay của mình.

Phổ biến nhất hồi đó vẫn là đèn ông sao năm cánh được làm bằng tre. Hồi đó tre nứa làng tôi rất nhiều. Chỉ cần ra sau hồi nhà, ngã ba làng hay các cồn cao là thấy tre bạt ngàn xanh mướt. Những buổi trưa không ngủ, các “chiến binh” xông xáo đi chặt tre làm đèn. Chặt, đẽo, vót mấy buổi trưa cũng làm được một chiếc đèn ông sao hoàn thiện. Tôi tỉ mẩn ghép các thanh tre lại với nhau sau khi đã chẻ, vót độ dài vừa ý. Giữa các mối để cho chắc chắn chúng tôi dùng dây thép mềm buộc chặt. Sau cùng khoác lớp áo bằng giấy bóng kính cho đèn nữa là xong.

Làm xong đèn ông sao, chúng tôi lại làm đèn ống lon, đèn kéo quân và đèn hạt bưởi. Trong các loại đèn thì tôi thấy làm đèn kéo quân khó nhất. Mỗi lần làm đèn tôi lại nhờ sự trợ giúp của ông. Đúng như ông tôi nói, chơi đèn kéo quân là cả một nghệ thuật, làm đèn kéo quân khó nhất là phần làm tán và trục đèn. Tán đèn và trục là con tim của đèn. Khi làm cái trục phải cân, cánh quạt có độ vênh đều mà khi lắp vào nó đứng được ở phương thẳng đứng thì đèn chuẩn và quay được. Cái tán cũng phải thật cân thì mới quay được. Vậy nên trong đêm Trung thu ai có đèn kéo quân là “oách” lắm.

Đêm chính Trung thu trăng ngoài đường sáng vặc. Tiếng trống rộn vàng khắp ngõ xóm, lũ con nít ùa nhau cầm đèn hòa vào dòng người hát vang bài hát “Chiếc đèn ông sao/ Sao năm cánh tươi màu…”. Đó quả thực là một ngày hội thực sự. Có năm, đêm Trung thu gặp mưa cũng không cản nổi sự hào hứng của lũ trẻ. Cuối cùng là bữa tiệc “cây nhà lá vườn” mọi người góp chung. Nói theo sự hóm hỉnh của nhỏ bạn thì bữa tiệc này hoành tráng hơn bất cứ bữa tiệc nào mà chúng tôi từng tham dự. Mâm cỗ hiển diện của ổi, thị, hồng, bưởi, na… và một túi bỏng gạo được nổ sẵn. Niềm vui lan mãi cho đến tận ngày hôm sau.

Thời gian thấm thoát trôi đi, lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy giờ đã trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ con. Tết Trung thu nếu không bận rộn, tôi vẫn thường có thói quen bày cho các con tự làm đèn ông sao. Vừa làm tôi vừa thủ thỉ những câu chuyện ngày xưa. Nhờ có những mùa Trung thu nhà nghèo như vậy, tôi mới trân quý được những khoảnh khắc của quá khứ và sống tốt hơn cho hiện tại.

Đào Thanh Tùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nho-trung-thu-xua-132411.html