Nhìn từ thương vụ Grab mua lại Uber

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh và sẽ gửi hồ sơ đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý. Theo đó, hai dấu hiệu vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra là 'hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh' và 'hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh'.

Cẩn trọng với M&A

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là hình thức phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây, hình thức này được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng mới. Tại Việt Nam thời gian qua, hàng trăm thương vụ M&A của doanh nghiệp đã diễn ra thành công, đơn cử như Thế giới di động mua lại Trần Anh hay Tập đoàn Thaibev, đơn vị sở hữu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage đã mua thành công 53,59% cổ phần của Sabeco…

Thế nhưng, vì sao thương vụ M&A giữa hai hãng cung cấp dịch vụ vận tải là Grab mua lại Uber Đông Nam Á lại khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Có thể thấy, khi bước vào thị trường Việt Nam, hai hãng cung cấp dịch vụ vận tải là Grab và Uber ngay lập tức làm “náo loạn” thị trường vận tải trong nước. Nhiều hãng vận tải có tiếng tại Việt Nam trước đó như: Mai Linh, Vinasun… phải điêu đứng, doanh số sụt giảm nghiêm trọng.

Bộ Công Thương kết luận thương vụ Grab thâu tóm Uber vi phạm pháp luật. (ảnh nld.com.vn)

Tuy nhiên, đang trên đà phát triển, ngày 26/3/2018, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo cho biết họ đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab. Không chỉ qua thương vụ này mới nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận mà từ lâu nay, việc xác nhận Grab và Uber là hãng taxi hay chỉ là nơi kết nối dịch vụ cũng chưa được xác định rõ ràng cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khi chưa sáp nhập, cả hai doanh nghiệp Grab và Uber thường xuyên cạnh tranh với nhau khốc liệt cả ở khuyến mại, giảm giá cũng như tỷ lệ chiết khấu giành cho lái xe. Nhưng khi sáp nhập lại, chuyển cho nhau dữ liệu khách hàng, thống nhất mức giá và dịch vụ thì đứng từ góc độ pháp lý, sẽ phải đặt câu hỏi liệu có vi phạm Luật cạnh tranh hay không?.

Không chỉ có ông Hùng, nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp trong ngành vận tải cũng đặt câu hỏi tương tự như trên. Trước sự việc này, Bộ Công Thương đã chính thức vào cuộc, ngày 13/4, Cục Cạnh tranh phát đi thông báo quyết định tiến hành điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2004 của thương vụ Grab thâu tóm Uber. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày.

Vào cuối tháng 9, Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) đã phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương 9,5 triệu USD, vì vụ sáp nhập của 2 công ty này. Mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu SGD. Mức phạt mà CCCS áp dụng dựa trên doanh thu của 2 công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, và tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ. Kết quả điều tra của CCCS cho biết Grab đã tăng giá sau khi loại bỏ đối thủ là Uber.CCCS cũng nhận thấy Grab hiện nắm khoảng 80% thị phần và thống lĩnh thị trường khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô và thị trường...

Đến ngày 16/5, Cục này thông báo kết quả sơ bộ. Kết quả cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Cục này nhận định vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại Mục 3, Chương II, Luật Cạnh tranh 2004. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Vi phạm luật cạnh tranh

Sau khi kết thúc thời hạn điều tra sơ bộ thương vụ M&A giữa Grab và Uber và nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ Công Thương tiếp tục tiến hành điều tra chính thức trong vòng 180 ngày. Theo kết luận điều tra mới đây của Bộ Công Thương, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.

Hai dấu hiệu vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”. Hiện nay, Cục đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến hội đồng cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định. Một là trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Sau thương vụ Grab thâu tóm Uber có thể thấy, vấn đề M&A không phải là mới, thậm chí là cơ sở để các doanh nghiệp huy động vốn và tăng sức mạnh sự cạnh tranh. Tuy nhiên, khi sáp nhập cần hết sức tỉnh táo bởi lẽ, chỉ cần sơ xẩy ra có thể vi phạm pháp luật, đó là điều mà không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhin-tu-thuong-vu-grab-mua-lai-uber-84795.html