Nhìn lại những khoảnh khắc lịch sử của tuyển Olympic Việt Nam

21 ngày với 7 trận đấu liên tục và đã vắt kiệt sức cả thầy lẫn trò đội Olympic Việt Nam. Trong 3 tuần ấy, họ đã chiến đấu bằng tinh thần và niềm tự hào dân tộc.

Những chiến binh sân cỏ

16 năm trước, sau khi cùng HLV Guus Hiddink đưa đội tuyển Hàn Quốc lọt vào bán kết World Cup, huấn luyện viên Park Hang-seo đã chỉ giành được huy chương đồng ASIAD. Sự kỳ vọng của người dân biến thành thất vọng, và huấn luyện viên Park đã phải từ chức chỉ sau 74 ngày.

16 năm sau, cũng chính ông đưa U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích lịch sử ở Thường Châu. Và ông lại phải bước qua một thử thách cũ nhưng không hề dễ dàng hơn: lột xác đội Olympic và tiến tới những thành tích mới.

Người dân kỳ vọng sẽ thêm một lần được đổ ra đường. Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đến thăm và mong muốn sẽ có được thành tích tốt nhất, dù ông không nói rõ tốt nhất nghĩa là gì.

Nhưng bước chạy đà của đội đã không hoàn hảo.

Hồng Duy bị rách cơ đùi sau và không thể kịp hồi phục trong quá trình chuẩn bị. Trước khi lên đường, Thành Chung bị chấn thương và buộc phải gọi lại Minh Vương. Khi đang thi đấu, Đỗ Hùng Dũng bị gãy đốt ngón chân và phải về nước.

Các đối thủ đã không còn chủ quan với Olympic Việt Nam. Họ dành cho ta một sự tôn trọng khi cử người quay phim, phân tích chiến thuật. Họ đã không còn chủ động tấn công mà chuyển sang cách chơi thận trọng hơn.

Olympic Việt Nam buộc phải chuyển sang cách đá của một đội ở “chiếu trên”: tấn công, áp đặt lối chơi thay vì phòng ngự phản công như trước.

Nhưng những con người không thể qua một giải đấu mà vươn tầm châu Á, họ cần rất nhiều sự bổ sung về kỹ thuật cá nhân, nhãn quan chiến thuật và những liều thuốc tinh thần đủ mạnh.

Khi sang Indonesia, sân tập của đội quá xa, lên đến gần 50 km. Ngày đầu, chúng ta không vào được vì thiếu giấy phép vào khu quân sự nên phải tập ở công viên. Ngày thứ hai, đội phải tập ở mặt sân quá xấu. Khi bước vào trận đấu đầu tiên, các cầu thủ Olympic Việt Nam chưa có được buổi tập "tử tế" nào.

Đó là những khó khăn, thử thách cực lớn. Nhưng chúng ta đã làm được. Trong phòng thay đồ, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói với các cầu thủ: "Không có gì phải lo lắng hay hồi hộp cả. Chúng ta là người Việt Nam, các bạn rõ chưa?".

Ông thầy người Hàn Quốc đã dùng chính tình cảm của người hâm mộ trở thành động lực. Như Văn Quyết đã nói khi trả lời phỏng vấn Zing.vn: "Đội bóng không chỉ của các cầu thủ, mà còn là của hơn 90 triệu người dân Việt Nam".

Bước ra sân, sau khi đặt tay lên ngực, hát vang bài quốc ca, Duy Mạnh nhún nhảy đôi chân, các cầu thủ khác bật cao tại chỗ trong tinh thần phơi phới. Lần nào cũng vậy, Olympic Việt Nam luôn bắt đầu trận đấu bằng một tiếng hô vang quyết tâm.

Và chiến thắng đã đến. Chúng ta đè bẹp Pakistan với tỷ số 3-0, Nepal với tỷ số 2-0. Trước Olympic Nhật Bản, chúng ta cũng không e dè hay run sợ. Chiến thắng 1-0 là thành quả ngọt ngào nhưng cũng là lời khẳng định đanh thép bóng đá Việt Nam đang “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Chúng ta đã bước vào vòng knock-out với vị thế đầy ngạo nghễ của đội đầu bảng D với 9 điểm, 6 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào.

Bahrain và Syria là 2 đội bóng ngang sức ngang tài với Olympic Việt Nam nhưng cả 2 lần chúng ta đều chiến thắng. Không thể không nói đến công lớn của Công Phượng và Văn Toàn, 2 người đã ghi 2 bàn thắng “vàng”. Nhưng trước đó, chúng ta có thể thấy sự chiến đấu kiên cường của các cầu thủ.

Đó là sự chắc chắn tuyệt vời của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Bộ 3 trung vệ thép Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng ăn ý với nhau cả trong sân lẫn ngoài đời. Đó là Văn Thanh chạy như một con thoi, liên tục phát động tấn công rồi lui về phòng ngự. Đó là đội trưởng Văn Quyết với cái độ quái và kinh nghiệm của mình, giúp cho toàn đội những lúc khó khăn. Đó là Quang Hải như con át chủ bài trên sân, khéo léo, nhanh nhẹn, luôn tìm ra lỗ hổng giữa bế tắc. Đó là Anh Đức, trung phong gạo cội với khả năng tì đè, tranh chấp mạnh mẽ.

Bên cạnh đó còn có những quân bài chiến thuật, sự luân chuyển liên tục của tốc độ Văn Toàn, ngòi nổ Công phượng hay sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Văn Đức.

Nhìn cách các cầu thủ áp sát, phá bóng trên chân đối phương, đè nhau trong không chiến, rướn người cứu bóng đến cày tung mặt cỏ, chúng ta có thể yên tâm rằng: Olympic Việt Nam là đội bóng không biết run sợ là gì.

Và chúng ta đã đối đầu Hàn Quốc trong tư thế đội bóng nhỏ mà có rất nhiều võ.

Olympic Việt Nam thống nhất một mục tiêu: chiến đấu và chiến thắng. Nguyễn Quang Hải, cầu thủ nhỏ bé không những không sợ mà còn nung nấu ý chí đối đầu với “gã khổng lồ” Son Heung-min.

Tuy câu chuyện cổ tích ấy đã không đến khi khoảng cách về trình độ, đẳng cấp là quá chênh lệch nhưng Olympic Việt Nam đã tạo ấn tượng về việc đội bóng ở vùng trũng đã ép sân đương kim vô địch trong suốt 30 phút cuối trận. Khi đối đầu với thủ môn chơi rất hay ở World Cup, một cầu thủ ít khi được vào sân như Minh Vương vẫn có thể bình tĩnh sút phạt thành bàn.

Nếu nhìn lại vài năm trước, Việt Nam luôn luôn cóng khi đá với Thái Lan, “ông kẹ” của khu vực mới thấy hết sự trưởng thành của các cầu thủ Việt.

Sau thất bại, các cầu thủ rất buồn nhưng đã nhanh chóng lấy lại tinh thần. Chỉ sau một đêm, họ đã đi dạo cùng nhau, nở nụ cười tươi của tuổi thanh xuân rực rỡ. Và chiếc huy chương đồng đã ở rất gần, lịch sử đã ở rất gần.

Nhưng thêm một lần nữa chúng ta lại thất bại. Hàng công đã làm tốt việc dồn ép đối phương nhưng khả năng phòng ngự từ tuyến 2 lại gặp vấn đề khi thiếu vắng Hùng Dũng, còn Xuân Trường không có phong độ cao.

Những cơ hội đã qua đi trước sự tiếc nuối của Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng, Xuân Mạnh, Minh Vương. Chúng ta đã chơi áp đảo đến mức đối phương buộc phải “chơi không đẹp”, buộc phải phạm lỗi, nằm sân, câu giờ… Nhưng chúng ta thiếu đi một chút may mắn và theo Văn Quyết thì chúng ta đã thiếu đi bản lĩnh, sự lạnh lùng cần thiết của một đội bóng mang tầm châu Á.

Thất bại trong loạt sút luân lưu may rủi, Minh Vương đã khóc, hàng nghìn người hâm mộ đã khóc theo. Các cầu thủ rất muốn có một chiếc huy chương đeo trên cổ để trở về nhưng điều đó đã không đến. Họ rất buồn. Huấn luyện viên Park Hang-seo ngồi lặng im trên ghế huấn luyện. Ông gửi lời xin lỗi. Nhưng hàng triệu người hâm mộ đã nói lời cảm ơn. Các cầu thủ của chúng ta không có lỗi.

Tập thể đoàn kết và tràn ngập tiếng cười

Nếu như trên sân cỏ, các cầu thủ là những chiến binh mạnh mẽ, quả cảm thì ở cuộc sống hàng ngày, họ là những con người nhẹ nhàng, tình cảm và hơn hết là một tập thể đoàn kết.

Tiêu biểu là tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, một cầu thủ trên 23 tuổi có vai trò cực kỳ quan trọng, bị chấn thương gãy đốt ngón chân ở trận đấu với Olympic Nhật Bản. Hùng Dũng cần 6 tuần để hồi phục, đồng nghĩa với việc sẽ không thể tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội tại ASIAD 2018.

Nhưng tiền vệ của Hà Nội vẫn chống nạng đi ăn cùng cả đội, vẫn tập tễnh đi đến khách sạn mới. Trong bữa tối cuối cùng trước khi chia tay, đội trưởng Văn Quyết hứa cả đội sẽ chiến đấu thay phần Hùng Dũng và sẽ luôn coi đội bóng có 20 người chứ không phải 19.

Lúc chia tay, huấn luyện viên Park Hang-seo đã không kìm được xúc động. Ông ôm hôn học trò cưng, nhìn theo bóng ôtô khuất dần. Tay ông nắm chặt trên miệng, ngăn không cho dòng nước mắt tuôn rơi. Sau đó, ông không về khách sạn mà đi dạo một vòng cho cảm xúc nguôi ngoai.

Hôm sau, khi chiến thắng trước Bahrain, Văn Quyết đã mượn một băng-rôn của người hâm mộ in hình Hùng Dũng để toàn đội chụp ảnh chung. Tấm băng rôn in dòng chữ "Vietnam believe" (tạm dịch: Niềm tin Việt Nam) và hashtag #Hungdung18Bestrong. Viết trên trang cá nhân, Hùng Dũng bày tỏ: "Đúng phút 88... Cảm ơn mọi người. We are here, we are one (tạm dich: Chúng ta ở đây, chúng ta là một)".

Bên cạnh đó, khán giả cũng có thể thấy những hình ảnh đầy ấm áp như việc Bùi Tiến Dũng cõng Hồng Duy khi chấn thương trong lúc tập luyện, Duy Mạnh cõng Văn Thanh khi anh không thể đi nổi sau trận tranh huy chương đồng, Xuân Trường dìu Duy Mạnh khi anh kiệt sức sau trận chiến kéo dài 120 phút với Syria, Đức Huy chạy tới ôm, vỗ về Minh Vương sau khi sút hỏng quả luân lưu quyết định. Ở Olympic Việt Nam, các cầu thủ luôn có thể vững tin vào một điều: khi mình gục xuống, sẽ có đồng đội đỡ mình đứng lên.

Đến từ các câu lạc bộ khác nhau, thậm chí có thể cạnh tranh trực tiếp với nhau ở V.League nhưng khi tập hợp lại, các cầu thủ thân nhau như anh em một nhà. Họ san sẻ với nhau những thứ gần gũi nhất.

Trước khi lên đường sang Indonesia, mẹ Đức Huy đã chuẩn bị cho con 3 lọ ruốc, 4 lọ muối vừng. Và chàng tiền vệ thảo tính, thảo nết đã đem cho cả đội “ăn một bữa hết luôn”.

Hay khi mua được nửa quả mít sau 20 ngày trên đất khách, cả đội đã xô vào ăn như một đám trẻ nhận được quà khi mẹ đi chợ về.

Và trong “đám trẻ” ấy, Hà Đức Chinh luôn đóng vai trò ngòi nổ cho những cuộc vui. Ở mọi nơi phóng viên bắt gặp, anh luôn xuất hiện với nụ cười trên môi. Đi ăn Chinh cười, đi tập Chinh cười, đi bơi Chinh cười, vào sân đá bóng Chinh cũng cười.

Chinh cười nhiều đến nỗi, huấn luyện viên Park Hang-seo đôi khi phải hét lên bằng giọng lơ lớ: Tập trung, tập trung. Nhưng sau đó, người thầy đáng kính cũng phải nhảy vào chơi bóng và… cười cùng với Chinh.

Chinh khiến cho người ít nói như Công Phượng cũng phải cười như “mùa thu tỏa nắng” khi lấy máy quay của phóng viên để zoom cận cảnh vào lông chân, khiến thủ môn Bùi Tiến Dũng không nhịn được cười khi ngồi lên xe đẩy hành lý và bắt anh đẩy đi, khiến Văn Thanh khi chuẩn bị bước lên bể bơi phải cười khoái trá khi Chinh nhảy lên lưng và kéo Thanh đi vòng quanh bể. Đến cả Xuân Trường, một cầu thủ “sắt đá” nhất, người lớn nhất sau quá nhiều lần bị trêu cũng không kiềm chế nổi mà lấy que củi chọc vào Hà Đức Chinh để “trả thù”.

Trước mỗi câu hỏi, chúng ta không thể đoán được Chinh sẽ trả lời như thế nào; trước mỗi hành động, không ai đoán được Chinh sẽ phản ứng lại ra sao. Fan gọi Chinh là “một bầu trời muối”. Với sự “mặn chát” của mình, Chinh giúp xóa đi tất cả những gì nhạt nhẽo, những gì lặng yên, những gì buồn bã.

Các cầu thủ Olympic Việt nam thân nhau đến nỗi các fan nữ vui tính còn ghép được họ thành các cặp. Hàng phòng ngự, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng được các fan gọi là “cuộc tình tay ba”.

Nói về 2 người bạn thân, Duy Mạnh cũng cho biết: “Em, anh Dũng và em Trọng đã nói chuyện với nhau rất nhiều từ khi ở Thường Châu cũng như ASIAD lần này. Và chúng em sẽ phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, để giải quyết những chuyện chưa hiểu nhau để gắn kết và chơi tốt hơn ở trên sân.” Duy Mạnh cũng coi những hình ảnh ghép trên mạng là một sự dễ thương của người hâm mộ.

Tiến Dũng, Đức Chinh cũng tạo nên cơn sốt từ sau cú ôm ở trận đấu với Quatar hồi đầu năm. Đến ASIAD, Dũng-Chinh lại tiếp tục gây nên “bão giông” khi đẩy nhau trên xe chở hành lý, cùng nhau đi câu và cùng nhau đi nghỉ sau khi trở về Việt Nam.

Công Phượng, Xuân Trường là 2 người bạn thân của nhau từ những ngày “luyện công” ở lò Hoàng Anh Gia Lai. Anh Đức, Văn Đức dính nhau như hình với bóng. Không chỉ vui đùa, Đức “anh” còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm với Đức “em” sau mỗi trận đấu.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nói về thầy Park

Trước khi có thầy Park, Việt Nam vẫn có những cầu thủ trẻ tài năng. Nhưng nếu không có thầy Park, những cầu thủ ấy sẽ không thể cùng nhau làm nên lịch sử.

Huấn luyện viên Park Hang-seo đã đến và khơi dậy tiềm năng của các cầu thủ Việt. Ông ngạc nhiên nói rằng các cầu thủ Việt Nam không yếu, chỉ có điều không ai nói cho họ biết là họ khỏe. Một câu nói nghe như cổ tích, nhưng điều lạ lùng là trên đời này, cổ tích vẫn còn có thật.

Trong suốt mấy tháng trời, huấn luyện viên Park Hang-seo cùng 2 trợ lý Hàn Quốc đã đi khắp Việt Nam để xem trực tiếp các trận đấu V.League. Ông tỉ mỉ quan sát, tỉ mỉ ghi chép thông số của các cầu thủ để không chỉ cho mình, mà cho cả huấn luyện viên kế nhiệm. Ông lựa chọn cầu thủ dựa trên sự phù hợp với chiến thuật, phong độ, thể lực, tinh thần chứ không chỉ dựa vào tên tuổi.

Tiêu biểu nhất, gây xôn xao nhất là việc loại Văn Lâm khỏi danh sách 20 cầu thủ dự ASIAD 2018. Lúc đó, nhiều người đã chỉ trích Văn Quyết vì đã lấy mất suất của Văn Lâm. Nhưng sau khi giải đấu kết thúc, người hâm mộ mới nhận ra Văn Quyết quan trọng đến thế nào. Và ở vị trí gác đền, Bùi Tiến Dũng cũng là quá đủ. Sự có mặt của Văn Lâm chính là liều “doping” cho sự phát triển của cầu thủ Thanh Hóa. Và khung gỗ ở đội tuyển quốc gia mới là nơi để cầu thủ Hải Phòng thể hiện.

Chỉ với 20 cầu thủ cho 7 trận trong 21 ngày, ông Park Hang-seo tự tin để xoay vòng, cho hầu hết cầu thủ vào sân để họ giữ cảm giác thi đấu, để chia lửa cho các cầu thủ quan trọng và để họ thấy rằng: mình không phải là dự bị, mình là “vũ khí đặc biệt” và sẵn sàng được sử dụng.

Với Park Hang-seo, những cầu thủ thay người đã được toan tính từ trước khi trận đấu diễn ra. Ông tính trước việc sẽ làm hao mòn thể lực của đối thủ đến phút nào, sẽ tung ai vào để tạo sự thay đổi. Thực tế đã chứng minh, những cầu thủ dự bị như Công Phượng, Văn Toàn, Minh Vương mới là người kết liễu đối thủ.

Trên mạng xã hội, mỗi khi có một bình luận hoài nghi là có hàng chục bình luận khác bênh vực huấn luyện viên Park Hang-seo, điều chưa từng xảy ra với Miura hay Hữu Thắng. Chưa bao giờ, những “huấn luyện viên online” lại trở nên cô độc và thất thế đến như vậy.

Không chỉ giỏi về chiến thuật, huấn luyện viên Park Hang-seo còn rất gần gũi với các cầu thủ. Ông lấy tinh thần dân tộc để động viên họ, chia sẻ với họ lúc chiến thắng và xốc dậy tinh thần khi thất bại. Ông vỗ vai, xoa đầu, ôm hôn, nhìn các cầu thủ với ánh mắt trìu mến. Thầy Park còn chơi bóng ma với các cầu thủ, mát xa chân cho Đình Trọng. Ở thầy Park, có một điều gì đó rất giống với một người cha.

Vì thế, thật xót xa khi phải chứng kiến cảnh thầy Park ngồi một mình trên băng ghế huấn luyện. Ông hết chống cằm nhìn xa xăm, rồi lại gục xuống khi Olympic Việt Nam tuột mất chiếc huy chương đồng. Ông nói lời xin lỗi với các phóng viên rồi lên ôtô ngồi trầm tư suy nghĩ. Áp lực nghìn cân dồn hết lên vai người thầy và ông đã sẵn sàng để chịu trách nhiệm.

Trở về nước chỉ sau một đêm, thầy Park cùng các học trò vẫn được hàng nghìn người dân vẫy cờ ra đón. Họ không chỉ trích, họ chỉ lo các cầu thủ và thầy Park sẽ buồn. Họ hiểu rằng: nỗi buồn của mình dù thế nào cũng không thể bằng nỗi buồn của những con người đã ngày đêm trực tiếp chiến đấu, vật lộn, đã mất cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí đổ máu để có được thành quả này.

Sau chiến dịch ASIAD, các cầu thủ sẽ trở về câu lạc bộ trước khi được tập trung trở lại cho mục tiêu AFF cup vào cuối năm. Do là đội tuyển quốc gia, có thể sẽ có những cầu thủ U23 mà chúng ta hằng yêu quý sẽ phải nhường chỗ cho đàn anh. Có thể, chúng ta sẽ buồn, sẽ shock nhưng chúng ta hãy tiếp tục đặt niềm tin vào huấn luyện viên Park Hang-seo. Với sự tỉ mỉ của mình, ông hiểu các cầu thủ hơn chúng ta và hơn ai hết, ông là người biết làm gì để đội tuyển Việt nam có thể giành chiến thắng.

Việt Hùng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhin-lai-nhung-khoanh-khac-lich-su-cua-tuyen-olympic-viet-nam-post874886.html