Nhiều vi phạm trong công tác quản lý thủy lợi ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh, chịu trách nhiệm về quản lý thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai nhưng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, chưa thực hiện kiên quyết, đầy đủ trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm.

Chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý

Ngày 18/12/2024, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết luận đã chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm, trong đó có nguyên nhân chủ quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh, chịu trách nhiệm về quản lý thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai nhưng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, chưa thực hiện kiên quyết, đầy đủ trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm. Việc giao, cho thuê đất, cấp phép, quản lý các hoạt động liên quan ở khu bãi sông, ven đê chưa chặt chẽ; phê duyệt dự án xây dựng còn vi phạm các quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong quy hoạch về thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vi phạm về lập, phê duyệt 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền.

Tại các địa phương, TTCP nêu UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi không tổ chức công bố công khai. Còn việc thực hiện quy hoạch thủy lợi tại Cà Mau chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, giám sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo cơ quan thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND một số tỉnh, thực hiện không đúng các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi, dẫn đến thiếu cơ sở triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế.

Một số dự án như: Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Bắc Hưng Hải giai đoạn 2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần, đã làm tăng hơn 63 tỷ đồng, có nhiều sai phạm...

Việc 3 tỉnh: Đồng Tháp, Nghệ An, Cà Mau, chưa triển khai việc cắm mốc chỉ giới vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi là thực hiện không đúng các quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyên nhân nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây ở Hà Nội ô nhiễm

Trong quản lý nhà nước đối với kết cấu hạ tầng thủy lợi, TTCP cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chưa kê khai, cập nhật vào cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để quản lý thống nhất; không thực hiện báo cáo sang Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi… Từ đó, dẫn đến các tỉnh gặp khó khăn trong xác định nguyên giá, giá trị và khai thác các công trình.

Đáng chú ý, TTCP còn cho rằng, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tả Trạch, với 100% vốn nhà nước, giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (hồ Cửa đạt, Tả Trạch) cho doanh nghiệp quản lý, tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng vì đây là doanh nghiệp công ích nên phát sinh những bất cập, khó khăn.

Liên quan đến hoạt động cung cấp nước cho hệ thống thủy lợi, TTCP chỉ ra việc các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội chưa được đầu tư xây dựng kịp thời theo quy hoạch Thủ đô, dẫn đến từ 2018 - 2023, chất lượng nước tại tất cả các điểm trên trục chính sông Nhuệ, sông Cầu Bây, đều bị ô nhiễm.

Ngoài ra, phối hợp giữa Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm và Công ty Bắc Hưng Hải khi mở cống Xuân Thụy cung cấp nước cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thực hiện không đúng cam kết đã ký. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến có thời điểm nước xả vào hệ thống thủy lợi không đảm bảo chất lượng, ô nhiễm, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và môi trường sống của người dân.

"Trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội, Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm", TTCP nêu rõ.

Theo TTCP, với loạt vi phạm đã nêu ở trên cùng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chưa được điều chỉnh kịp thời... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 38/63 tỉnh không thực hiện phương thức đặt hàng hoặc thầu theo quy định để khai thác công trình thủy lợi.

Tổng Thanh tra Chính đã phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vi phạm nêu trong kết luận thanh tra tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên... tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để xảy ra vi phạm.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-vi-pham-trong-cong-tac-quan-ly-thuy-loi-o-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-post1702090.tpo