Nhiều mô hình hiệu quả từ ứng dụng khoa học công nghệ

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Bình Thuận hiện có 6/31 công chức, viên chức, người lao động đạt trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Nhiều năm qua, đơn vị không những hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn tích cực góp sức thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình hiệu quả từ ứng dụ

Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện.

Kể từ năm 2010, công tác đào tạo và chuyển giao các quy trình khoa học kỹ thuật tiên tiến cho các xã xây dựng nông thôn mới luôn được trung tâm quan tâm thực hiện. Đến nay đã phối hợp các địa phương tổ chức 355 lớp tập huấn cho khoảng 18.000 nông dân tại tất cả 10 huyện - thị xã - thành phố triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó đã tổ chức hàng chục lớp với hơn 3.000 nông dân thuộc 21 xã điểm. Nội dung đào tạo cũng hết sức thiết thực như: Kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý chất thải, phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại cây trồng. Hoặc kỹ thuật chăn nuôi heo - gà trên đệm lót lên men nhằm tăng hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường, kỹ thuật sản xuất và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nhằm góp phần hạn chế thuốc trừ sâu hóa học...

Tùy điều kiện thực tế từng địa bàn, đơn vị còn triển khai tập huấn những nội dung phù hợp, như kỹ thuật sử dụng bóng đèn cao áp kích thích thanh long ra hoa trái vụ có sử dụng hệ thống điều khiển tự động. Hay như kỹ thuật kết tinh muối trên bạt cho nông dân, kỹ thuật trồng ca cao dưới tán điều cũ, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm linh chi, nuôi bồ câu theo quy mô chuồng trại kiên cố, trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh... Ngoài tập huấn, việc ứng dụng tiến bộ KHCN thông qua các mô hình trình diễn cũng được trung tâm tích cực phối hợp các bên liên quan xúc tiến xây dựng. Thống kê cho thấy đã có hơn 10 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN được trình diễn tại nhiều địa phương, qua đó giúp nhân dân các xã nông thôn mới có điều kiện tham quan học tập, nhân rộng mô hình áp dụng vào đời sống, sản xuất quy mô hộ gia đình. Trong đó có mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm (Tánh Linh), trồng hoa cúc cấy mô (xã Phong Nẫm - TP. Phan Thiết), mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại xã nông thôn mới (Đức Linh)...

Trong 10 năm qua (từ 2010 đến nay), trung tâm còn tập trung thực hiện 12 dự án cấp Trung ương, 5 đề tài cấp tỉnh và phối hợp triển khai hơn 60 đề tài cấp cơ sở. Điển hình là dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm giải quyết tình trạng thiếu rau trên đảo Phú Quý”, được triển khai tại 3 xã nông thôn mới trên toàn huyện đảo. Qua đó dự án đã hỗ trợ đầu tư cho 180 hộ dân và đơn vị vũ trang xây dựng 150 vườn rau quy mô hộ gia đình, 15 mô hình trồng rau trong vòm lưới, 15 mô hình canh tác rau trong nhà lưới… Với dự án “Chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận” đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo cho hơn 700 nông dân về nghiệp vụ khai thác thông tin và chỉ dẫn địa lý cho thanh long tại vùng chuyên canh trọng điểm (Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam), trong đó có nông dân các xã điểm hoặc xã đăng ký xây dựng nông thôn mới tham gia.

Với nhiều kết quả đạt được nên vừa qua, trung tâm đã nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, đơn vị còn được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao KHCN, giai đoạn 2017 - 2019…

QUỐC TÍN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nhieu-mo-hinh-hieu-qua-tu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-123548.html