Nhiều mô hình hiệu quả trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh
Quyết tâm xây dựng nếp sống văn hóa và thay đổi diện mạo của địa phương, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Điều này đã phát huy vai trò nòng cốt của nhân dân, huy động được sức dân trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Phát huy nội lực trong cộng đồng dân cư
Uyên Hưng là phường điểm được TP.Tân Uyên lựa chọn để thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Đảng bộ phường Uyên Hưng đã huy động tất cả nguồn lực trong xã hội để thực hiện đề án. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân dân đồng lòng và tích cực hưởng ứng, chính là minh chứng cho hiệu quả thiết thực của đề án.
Trong thời gian qua, địa phương đã thực hiện và nhân rộng được nhiều mô hình hay và hiệu quả, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của phường. Nổi bật nhất là tuyến đường kiểu mẫu, với 3 mô hình gồm tuyến đường trọng điểm tuyên truyền, tuyến đường kiểu mẫu thông minh và tuyến đường nhân dân tự quản.
Về xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) hôm nay, chúng tôi được chứng kiến diện mạo tươi mới của vùng đất này. Những con đường nhựa, bê tông trải dài đến từng ngõ ấp; hai bên đường nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế; làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp. Có được kết quả đó, ngoài hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư. Từ lòng dân, sức dân đã tạo nên diện mạo khang trang cho vùng đất này và hình thành nên miền quê đáng sống.

Ở xã Thanh An, mô hình camera an ninh bằng hình thức xã hội hóa là một trong những cách làm mới nhận được sự ủng hộ của nhân dân nhờ hiệu quả tích cực
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiếu Liêm, thời gian qua, MTTQ xã đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp kinh phí nâng cấp tuyến đường Hiếu Liêm 12 nhánh 1 ấp Chánh Hưng với tổng số tiền thực hiện là 1,3 tỷ đồng; phối hợp với Ban Điều hành, Ban Công tác Mặt trận ấp Cây Dâu vận động nhân dân trên tuyến đường Hiếu Liêm 19D lắp đặt 5 bóng đèn năng lượng mặt trời. Ngoài ra, MTTQ xã còn phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện các mô hình “Tuyến đường cờ Tổ quốc”, “Hỗ trợ sinh kế cây tràm giống”, “Hỗ trợ sinh kế con giống” và “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “San sẻ yêu thương”…
Trong hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, MTTQ xã Hiếu Liêm duy trì hiệu quả 3 tổ tự quản bảo vệ môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu tại các ấp. Các tổ tự quản này thường xuyên nắm bắt tình hình vệ sinh môi trường, phát hiện và báo cáo kịp thời những hoạt động gây ô nhiễm, đồng thời phối hợp cùng UBND xã xử lý các vấn đề môi trường. Thời gian qua, các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã tổ chức được 35 đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, xử lý các điểm rác tự phát, và chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tại các tuyến đường hoa trong khu dân cư, thu hút hơn 2.150 người tham gia.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tố giác tội phạm cũng được MTTQ chú trọng. MTTQ xã đã phối hợp với công an thành lập các mô hình, như: “Xứ đạo an lành văn minh”, “Camera an ninh”, “Móc khóa an ninh” tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm qua đó góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tệ nạn xã hội trong cộng đồng.
Xã hội hóa thực hiện các mô hình
Chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhiều phong trào đã lan tỏa đến từng ngõ hẻm, khu dân cư. Ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, mô hình camera an ninh bằng hình thức xã hội hóa là một trong những cách làm mới nhận được sự ủng hộ của nhân dân nhờ hiệu quả tích cực.
Theo lãnh đạo địa phương, tại các ấp Bến Chùa, Xóm Mới, Cỏ Trách, Cần Giăng, Bến Tranh có tuyến đường ĐT744 đi qua, đây là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, các hoạt động kinh tế sôi động, tập trung đông người, kéo theo là việc tiềm ẩn những yếu tố phức tạp trên lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT) như tình trạng vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị... Xuất phát từ thực tiễn đó, UBND xã Thanh An phối hợp MTTQ và các hội, đoàn thể huy động sức mạnh trong nhân dân cùng tham gia thực hiện mô hình camera an ninh. Kết quả, xã Thanh An đã lắp đặt được 22 cụm camera trên 3 tuyến đường ĐT744, ĐH711, ĐH720 với tổng kinh phí 56 triệu đồng, 100% từ vận động, xã hội hóa.
Sau khi mô hình được triển khai, mọi dữ liệu hình ảnh thu về sẽ được truyền tải trực tiếp và lưu trữ trong bộ máy chủ đặt tại trụ sở Công an xã, phục vụ công tác quản lý ANTT trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể trong xã còn tuyên truyền vận động người dân xã hội hóa gắn camera an ninh được 98 máy, sẵn sàng cung cấp dữ liệu khi được các ngành chức năng yêu cầu.
Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh An, cho biết: “Lắp đặt camera an ninh ở các khu dân cư cần nguồn kinh phí lớn. Nhờ có sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân góp phần chung tay xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Có thể nói, việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn xã là việc làm thật sự cần thiết và phù hợp nhu cầu phát triển hiện nay. Mỗi cụm camera được lắp đặt đã góp thêm “tai, mắt”, hỗ trợ cho lực lượng chức năng địa phương nắm bắt tốt hơn mọi diễn biến tình hình các vụ việc liên quan đến ANTT, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... phát sinh hàng ngày. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, giải quyết các vụ việc về ANTT; đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, duy trì nếp sống văn minh cơ sở của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Trần Thị Nga cho biết thêm.