Nhiều lo lắng nếu lái xe điện, xe gắn máy dưới 50cm3 không cần bằng lái

Sau khi Bộ GTVT đề xuất, người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và người đủ 16 tuổi trở lên phải được sát hạch cấp GPLX hạng A0 bị nhiều ý kiến phản đối, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần 2 đã bỏ quy định này...

Học sinh đi xe máy trước cổng Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: PV

Nỗi lo mất an toàn từ xe máy điện

Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đề xuất phân 11 hạng GPLX. Đáng chú ý, đối với bằng lái xe mô tô, Bộ Công an đề xuất chia làm 3 hạng: Hạng A01 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 đến 170 cm3. Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 175cm3 trở lên. Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh.

Từ cách phân hạng nêu trên có thể thấy đối tượng điều khiển xe có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 đã bị loại bỏ, không được quản lý. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ mất an toàn giao thông đối với hàng vạn người đang điều khiển loại xe này.

Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ tháng 3/2020 đến nay đơn vị đã xử lý 42.814 trường hợp xe mô tô, xe gắn máy vi phạm, phạt thành tiền hơn 12,949 tỷ đồng. Trong đó, có 230 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên.

Theo ghi nhận của PV, tại cổng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tỷ lệ các em đi xe máy cũng khá nhiều. Có không ít học sinh đi xe máy dung tích xi-lanh trên 50cm3.

Dạo qua các cổng trường THPT như: Trần Phú, Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi… cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Tại một số trường THCS và THPT, vào đầu năm học mới Ban Giám hiệu đã yêu cầu phụ huynh học sinh phải đăng ký phương tiện cho con đến trường. Nhà trường cũng nêu ra tình trạng các cháu đi xe thường bỏ qua các quy tắc an toàn giao thông, chưa thực hiện đầy đủ và không làm chủ về tốc độ, đội mũ bảo hiểm, chở quá số người… tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Những chiếc xe dưới 50cm3 đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình có con em học THPT, thậm chí là THCS, với mong muốn con em mình đi học được thuận tiện hơn. Em L.N.M (học sinh Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) bày tỏ: "Chúng em tự đến trường bằng xe máy rất nhiều nhưng đa phần không hiểu về biển báo, về các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Như em, nhiều lúc đi không hiểu biển báo, đến khi bị xử phạt mới biết mình phạm luật gì, bị lỗi gì".

Cũng theo ghi nhận chỉ trong vòng 30 phút trước giờ vào lớp trên khu vực phố Xốm, quận Hà Đông (Hà Nội), tổ công tác Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT TP Hà Nội) đã xử lý hơn 10 trường hợp học sinh vi phạm. Em N.Đ T (nhà ở Tô Hiệu, Hà Đông - học sinh lớp 12) còn không biết mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi sử dụng xe máy Spacy 125cm3 của bố mẹ để đi học. Em T lý giải, vì không có ai đưa đi học nên em được giao xe tự đến trường.

Tỷ lệ TNGT đối với trẻ em ở Việt Nam cao so với khu vực

Lực lượng CSGT thực hiện công tác kiểm tra.

Nói về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất không còn bắt buộc người điều khiển xe có dung tích xylanh dưới 50 cc phải học bằng lái như dự thảo ban đầu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đường bộ cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ. Vì hiện số lượng học sinh sử dụng xe đạp điện rất đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

"Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần 1, Ban Soạn thảo đã phân tích và đưa quy định người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0 nhằm nâng cao ý thức cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe cho các em học sinh. Vì vậy, Bộ Công an nên cân nhắc nhằm bịt lỗ hổng trong quản lý phương tiện này và góp phần tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với nhóm người sử dụng phương tiện này", một chuyên gia nhấn mạnh.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong số các vụ TNGT những năm gần đây liên quan đến học sinh, có tới 90% số vụ liên quan tới độ tuổi 16 - 18. Qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp II trở lên đi xe đạp điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Bậc THPT hiện có trên 50% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có GPLX, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.

"Yêu cầu bắt buộc người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50cm3 phải học và thi lấy GPLX là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của lái xe trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Đồng thời, cũng là trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông bài bản, có hệ thống cho người ở độ tuổi vị thành niên", ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông, Trường Đại học Việt Đức cho biết, nghiên cứu độc lập của Trung tâm cho thấy, hiện nay, tỷ lệ TNGT đối với trẻ em ở Việt Nam cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực. Đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM, TNGT liên quan đến trẻ em có xu hướng tăng cao cả 3 tiêu chí về số vụ, bị chết và bị thương trong giai đoạn 2011 - 2016.

"Tại Việt Nam, học sinh phổ thông độc lập điều khiển phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có dung tích động cơ nhỏ hơn 50cm3 tham gia giao thông nhưng không cần bất cứ chứng chỉ, bằng cấp gì. Trong khi đó, các kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện của các em còn rất hạn chế. Do đó, việc đào tạo cơ bản nhằm bảo đảm các em có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông một cách an toàn là việc làm hết sức cần thiết và nhân văn", TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thiếu tá Phạm Ngọc Thành, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, theo quy chuẩn của Việt Nam, xe đạp điện được quy định tốc độ tối đa là 25km/giờ; xe máy điện 20-50km/giờ, tuy nhiên, nhiều xe được thiết kế có vận tốc cao hơn nhiều.

Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh mặt hàng xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do vậy, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng như cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường... trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-lo-lang-neu-lai-xe-dien-xe-gan-may-duoi-50cm3-khong-can-bang-lai-20200923142923042.htm