Nhiều khó khăn trong hoạt động thừa phát lại

Trên địa bàn tỉnh có 6 văn phòng Thừa phát lại, hoạt động chủ yếu là lập vi bằng, song quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ.

Nhiều khó khăn trong hoạt động thừa phát lại.

Còn những khó khăn

Toàn tỉnh có 6 văn phòng Thừa phát lại (TPL), với 11 thừa phát lại đang hành nghề, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự mình thiết lập tài liệu chứng cứ khi thực hiện các thỏa thuận, giao dịch dân sự, thương mại như: góp vốn mua chung tài sản, giao trả mặt bằng; tổ chức họp gia đình, gia tộc; tình trạng nhà đất chồng ranh, lấn thửa, công trình xây dựng cơi nới... Ngoài ra, các văn phòng còn cung cấp dịch vụ tống đạt văn bản thông báo thụ lý, bản án, quyết định… của cơ quan tòa án, thi hành án dân sự; thực hiện việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.

Theo Sở Tư pháp, quá trình hoạt động của các văn phòng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó kinh phí của tòa án các cấp phân khai cho việc tống đạt chưa phù hợp với số lượng văn bản cần tống đạt... Ngoài ra hoạt động TPL cũng còn khá mới mẻ đối với người dân địa phương. Hầu hết người dân tìm đến TPL chỉ để yêu cầu lập vi bằng tạo nguồn chứng cứ cho các giao dịch mà họ tham gia, các hoạt động khác của TPL chưa được người dân thực sự hiểu rõ, nhất là hoạt động xác minh thi hành án và thụ lý tổ chức thi hành án.

Thừa phát lại đang làm việc tại một văn phòng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Sở Tư pháp, cơ quan quản lý hoạt động của TPL đã có nhiều hình thức đẩy mạnh tuyên truyền như biên soạn, phát hành các tờ gấp về thừa phát lại, nâng cao nhận thức của người dân đối với dịch vụ này. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc thực hiện chế định TPL.

Về phía các văn phòng TPL chủ động đăng ký phối hợp với các Phòng Tư pháp UBND huyện, UBND cấp phường, xã, và các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội, đứng ra tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thừa phát lại cho cán bộ chủ chốt, cán bộ tư pháp, địa chính, thanh tra xây dựng, Ban quản lý dự án, tổ trưởng tổ dân phố, tổ hòa giải... “TPL đi vào cuộc sống rất hay. Hay ở chỗ nó mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi có yêu cầu, chẳng hạn, anh muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất trước khi xây dựng, sau khi xây dựng; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản, con dấu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng trái pháp luật; xác nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền của các tổ chức hành nghề công chứng… thì đều có thể tìm đến TPL”, Võ Lê Bích Trâm - Trưởng Văn phòng TPL Bình Thuận cho biết. Đồng thời bà chia sẻ, hiện người dân chưa hiểu hết về tính hữu ích của TPL, nên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và đơn vị, doanh nghiệp biết đến lĩnh vực nhiều hơn.

Sở Tư pháp cho biết, đang tiếp tục triển khai Nghị định số 08 của Chính phủ về tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện các quy định của pháp luật về TPL đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và các Văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh đưa lĩnh vực này đến với người dân.

Theo Sở Tư pháp, năm 2023 đã tiếp nhận và đăng ký 1.957 vi bằng, trong đó Văn phòng TPL Phan Thiết lập 975 vi bằng, còn lại các văn phòng TPL Bình Thuận, La Gi, Miền Nam, Đức Linh lập 982 vi bằng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-kho-khan-trong-hoat-dong-thua-phat-lai-117243.html