Nhiều hình thức bảo đảm an sinh xã hội

Với tinh thần 'Không để ai bị bỏ lại phía sau', mọi gia đình đều được hưởng thành quả của sự phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều việc làm thiết thực giúp gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo vươn lên. Đồng thời, chăm lo nơi an nghỉ cho những người đã khuất, hướng tới xã hội văn minh, thể hiện tinh thần nhân văn của dân tộc.

Tỉnh Thái Nguyên đã đưa điện về 100% các xóm, bản, đưa tỷ lệ số hộ ở nông thôn được dùng điện lên 99,75%.

Hỗ trợ giảm nghèo

Đến hết năm 2016, tỉnh Thái Nguyên còn khoảng 11% hộ nghèo, số này chủ yếu cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không có việc làm ổn định, thiếu vốn, hạ tầng thấp kém, bị thiên tai. Để giúp người dân giảm nghèo bền vững, tỉnh có những giải pháp cụ thể, hiệu quả thiết thực, gia đình nào cũng cảm nhận được.

Đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo, năm 2016, tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (Samsung Thái Nguyên) ký kết giao ước ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn vào làm việc tại Samsung Thái Nguyên. Cụ thể là, tăng độ tuổi tuyển dụng từ 40 lên 45, hạ trình độ văn hóa từ THPT xuống THCS, hằng ngày, Samsung Thái Nguyên tổ chức đưa, đón người lao động từ khu vực cư trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại.

Đến nay, có gần sáu nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo làm việc tại Samsung Thái Nguyên (chiếm hơn 20% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh làm việc tại Samsung Thái Nguyên) với mức thu nhập bình quân từ năm đến bảy triệu đồng/tháng. Qua đó, giúp hộ nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, hướng tới xóa nghèo. Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên và Samsung Thái Nguyên tiếp tục thực hiện giao ước này.

Trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mông sống xen kẽ ở 47 xóm, bản vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thiếu các điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế. Năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2037/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” (Đề án 2037). Đây là chính sách đặc thù của tỉnh để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi nhằm tạo sinh kế lâu dài cho các xóm, bản có đông đồng bào Mông xóa nghèo.

Các gia đình nghèo, người yếu thế được tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Đến nay, toàn bộ 15 tuyến đường được xác định đầu tư trong Đề án đã hoàn thành, tổng chiều dài gần 43 km, được kết nối với đường chính, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con với tổng số vốn đầu tư hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, hỗ trợ của doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc được tập huấn kỹ thuật, được cấp phân bón và giống ngô lai NK 4300 nên năng suất ngô tăng lên. Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lường Văn Đa cho biết: “Từ năm 2014, bà con các xóm, bản trên địa bàn xã thuộc diện thực hiện Đề án 2037 bắt đầu thay đổi tập quán sản xuất, soi bãi, nương rẫy được trồng toàn ngô lai cho năng suất cao, bước đầu hình thành vùng sản xuất ngô hàng hóa, giúp tăng thu nhập, góp phần tích cực đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/ năm”. Đến năm 2018, đồng bào ở xóm, bản có đông đồng bào Mông đã được hỗ trợ phân bón, giống ngô lai để trồng 3.130 ha ngô với tổng số vốn hơn 23 tỷ đồng.

Hầu hết các mục tiêu của Đề án 2037 đề ra đến năm 2020 đến nay đã hoàn thành. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và các địa phương đối với các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Đề án được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, được đồng bào đồng tình, hăng hái tiếp nhận, thực hiện nên đạt kết quả thiết thực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, từng bước giúp đồng bào giảm nghèo bền vững.

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn 35 xóm, bản ở vùng sâu, vùng xa, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống khó khăn chưa có điện lưới quốc gia. Ngay sau khi tỉnh có chủ trương “xóa” số thôn, xóm chưa có điện, mặc dù suất đầu tư để đưa điện đến một hộ là khoảng 50 triệu đồng, nhưng tỉnh huy động nguồn lực, các ngành, các cấp vào cuộc, đến đầu năm 2018, tất cả các xóm, bản này đều có điện, góp phần cải thiện đời sống, đưa tỷ số hộ nông thôn được cấp điện đạt 99,75%, là một trong số ít tỉnh trung du miền núi phía bắc có tỷ lệ số hộ nông thôn được cấp điện cao nhất.

Những nỗ lực đó không những bảo đảm an sinh xã hội mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được hưởng thành quả của sự phát triển, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 98,1% dân số có thẻ Bảo hiểm y tế, hơn 91% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đạt 77,7 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%.

Những việc làm nghĩa tình, nhân văn

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Nguyên có nhiều việc làm quan tâm đời sống người có công với cách mạng, gia đình nghèo, người yếu thế, liệt sĩ, người đã khuất.

Bằng nguồn lực của địa phương, tỉnh đã xóa nhà tạm cho tất cả các gia đình hộ nghèo có thành viên từ 50 tuổi Đảng trở lên. Tuần lễ cao điểm vì người nghèo Tết Mậu Tuất 2018 và Tháng vì người nghèo năm nay, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quyên góp gần 24 tỷ đồng giúp đỡ gia đình nghèo, người yếu thế. Tỉnh đang nỗ lực xóa nhà tạm cho gia đình người có công, trong đó TP Thái Nguyên đã cơ bản giải quyết xong vấn đề này.

Khu di tích TNXP Đại đội 915 được trùng tu, tôn tạo khang trang để tri ân 60 anh hùng liệt sĩ.

Tháng 6-1972, thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập với hơn 100 cán bộ, đội viên, tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết chưa xây dựng gia đình, có nhiệm vụ sửa chữa, duy tu, bảo đảm giao thông nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thường xuyên bị ném bom tàn phá.

Tháng 12-1972, tại ga Lưu Xá ở TP Thái Nguyên còn lượng hàng quân sự lớn, cần được vận chuyển vào chiến trường miền nam. Đêm 24-12, 60 TNXP Đại đội 915 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự vào niềm nam tại ga Lưu Xá thì bị bom Mỹ đánh trúng, hy sinh.

TNXP Đại đội 915 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nơi 60 TNXP hy sinh được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, qua nhiều lần tôn tạo, Khu di tích này chưa tương xứng với sự hy sinh quên mình của các Anh hùng liệt sĩ TNXP.

Năm 2018, Thái Nguyên vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân ủng hộ kinh phí hơn 60 tỷ đồng để cùng với tỉnh trùng tu, tôn tạo các công trình của Khu di tích quốc gia và Nhà tưởng niệm TNXP Đại đội 915, nhằm tri ân sự hy sinh của 60 TNXP, đồng thời đưa Khu di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tặng sổ tiết kiện với giá trị 700 triệu đồng cho các gia đình, thân nhân 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915.

Chương trình Dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 và công bố đưa vào sử dụng Khu di tích lịch sử quốc gia, Nhà tưởng niệm diễn ra vào ngày 21-12 vừa qua thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với các liệt sĩ, làm cho xã hội, nhất là thân nhân các liệt sĩ rất xúc động.

Bên cạnh đó, tỉnh còn chăm lo hậu sự cho người mất để an lòng nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP Thái Nguyên đất chật, người đông. Thái Nguyên là TP trung tâm các tỉnh trung du miền núi phía bắc, dân số hơn 420 nghìn người (chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh). TP có nghĩa trang Dốc Lim, mặc dù đã nhiều lần mở rộng, nhưng đến nay đã không còn đất chôn cất. Do lịch sử để lại, đô thị hóa nhanh, nhiều nghĩa địa đã nằm trong khu đô thị, gần khu dân cư, vùng ven chật hẹp, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, là nỗi trăn trở lớn của nhân dân trong nhiều năm qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Quản Chí Công chia sẻ: “Đáp ứng nguyện vọng từ nhiều năm nay của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về nơi an nghỉ vĩnh hằng cho người đã khuất đàng hoàng, rộng rãi, vệ sinh nên tỉnh và TP đã mời gọi Công ty TNHH Hạ Long Indevco, nay là Công ty TNHH An lạc viên Thái Nguyên, đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng, nghĩa trang An lạc viên rộng rãi, thoáng đãng, văn minh làm nơi an nghỉ cho người đã mất, đồng thời an lòng xã hội”.

Với quyết tâm cao, An lạc viên Thái Nguyên được đầu tư xây dựng tại xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên với tổng số vốn gần 450 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh và TP đầu tư hơn 100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH An lạc viên Thái Nguyên đầu tư 320 tỷ đồng để xây dựng nhà tang lễ, nhà hỏa táng, các công trình tâm linh, khu an táng, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giai đoạn một trên diện tích 28 ha, bắt đầu đi vào sử dụng từ cuối năm 2017.

Nghĩa trang An lạc viên Thái Nguyên được đầu tư, giải quyết quỹ đất an táng theo hướng văn minh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Giám đốc Công ty An lạc viên Thái Nguyên Nguyễn Văn Quỳnh tâm sự: Chúng tôi đầu tư số tiền rất lớn để xây dựng cơ sở hỏa táng, an nghỉ khang trang, kiến trúc đẹp, hạ tầng đồng bộ, nhưng với nguồn thu như hiện nay thì chỉ đủ chi phí, phải nhiều năm sau mới thu hồi đủ kinh phí đầu tư. Nhưng là vấn đề tâm linh và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nên công ty vẫn đầu tư xây dựng An lạc viên Thái Nguyên. Chúng tôi đề nghị, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí hỏa táng, an táng người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách khi qua đời như một số địa phương khác nhằm từng bước thay đổi tập quán an táng của nhân dân.

An lạc viên Thái Nguyên được đưa vào sử dụng với thủ tục tang lễ trang trọng, văn minh, nơi an táng rộng rãi, vệ sinh là nỗ lực của tỉnh và TP Thái Nguyên trong việc lo liệu hậu sự ổn thỏa cho người mất, đáp ứng nguyện vọng từ nhiều năm qua, làm an lòng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, đây là bước chuẩn bị cần thiết để đến năm 2020, TP Thái Nguyên sẽ đóng cửa các nghĩa địa ở các xã, phường nhằm giải quyết vấn đề môi trường và dành đất cho phát triển kinh tế, xã hội.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/38780702-nhieu-hinh-thuc-bao-dam-an-sinh-xa-hoi.html