Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Ngày 16-4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình Đối thoại với doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ), bảo đảm an sinh xã hội.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng TP mong muốn các DN hiến kế, TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, các thủ tục để dự án của DN được kích hoạt, thông suốt; đồng thời cam kết có thời hạn thực hiện. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng 3,72%. Các hoạt động xuất - nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Liên quan đến các dự án, các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ thì TP sẽ tiếp thu và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM vừa báo cáo UBND TP về triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, sau khi đã thống nhất với LĐLĐ TP HCM, Ban Quản lý các KCX-CN TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ làm việc trên địa bàn TP HCM. Cụ thể, đối tượng 1 là NLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Đối tượng 2 là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

NLĐ thuộc đối tượng 1 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-2 đến hết ngày 31-5; có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng dịch; đã tham gia BHXH bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, chi hằng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6.

NLĐ thuộc đối tượng 2 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến hết ngày 30-6, trừ trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, chi hằng tháng theo thực tế NLĐ bị mất việc làm do dịch Covid-19, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6.

Hỗ trợ người có công với cách mạng 500.000 đồng/người/tháng

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn vừa ký công văn đề xuất chủ tịch UBND TP trình xin ý kiến Thường trực HĐND TP và Thường trực Thành ủy TP hỗ trợ kinh phí cho người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng. Cụ thể, mỗi người hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 53,5 tỉ đồng.

P.Anh

Huy Thanh - Phan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-20200416221840916.htm