Nhiều đối tượng truy nã sa lưới

Một trong những thành công của đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) dịp lễ, tết cuối năm 2018, đầu năm 2019 chính là việc lực lượng công an toàn tỉnh đã vận động ra đầu thú và truy bắt được 33 đối tượng truy nã.

Chiến sĩ Tổ truy nã Phòng Cảnh sát hình sự dẫn giải đối tượng Phạm Dương Việt Anh về Trại tạm giam Công an tỉnh

Trong số đó có không ít đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đã lẩn trốn nhiều năm bị đưa ra ánh sáng, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Trốn nhưng không thoát

Sau hơn 1,5 năm lẩn trốn vì ra tay giết người, cuối năm 2018, Phạm Dương Việt Anh (27 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị các trinh sát Tổ truy nã Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt giữ. Vào ngày 22-6-2017, đối tượng Anh cùng đồng bọn đã dùng mã tấu và một số hung khí khác tấn công 2 người tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn khiến 1 người chết và 1 người bị thương nặng.

Tại cơ quan công an, đối tượng Anh khai sau khi gây ra vụ trọng án nêu trên, Anh thường xuyên thay đổi nơi ở và làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, từ làm bốc vác ở TP.Hồ Chí Minh đến làm thuê cho tàu đánh cá ở tỉnh Kiên Giang nhưng trong lòng không yên ổn, nơm nớp lo sợ bị công an phát hiện. Sau một thời gian, nghĩ mọi việc đã lắng xuống nên cuối năm 2018, Anh về làm phục vụ tại một quán bún ở xã Bắc Sơn thì bị phát hiện, bắt giữ.

Cũng trong dịp cuối năm 2018, nhờ sự kiên trì vận động, thuyết phục của cơ quan công an, các ban, ngành ở xã Bắc Sơn, đồng bọn của Anh là Trần Mạnh Hùng (24 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn) đã ra đầu thú. Tại cơ quan công an, khi được hỏi về lý do ra đầu thú, Hùng lặng lẽ cúi đầu cho biết: “Lương tâm tôi luôn dằn vặt. Biết trốn mãi cũng không thoát nên nghe lời vận động tôi ra đầu thú để đền tội, sớm được trở về hòa nhập với xã hội, với vợ con, phụng dưỡng mẹ già và tạ lỗi với cha”.

Đây chỉ là 2 trong số 5 đối tượng truy nã do Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt và vận động đầu thú dịp cuối năm 2018, đầu năm 2019, trong đó có những đối tượng đã lẩn trốn nhiều năm.

Đơn cử như sau hơn 3 năm ròng rã tìm kiếm, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh vừa bắt Nguyễn Trọng Hiếu (43 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Hiếu đã làm giấy tờ giả để mang 2 xe ô tô thuê đi cầm cố, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.

Công an TP.Biên Hòa cũng là một trong các đơn vị, địa phương bắt được nhiều đối tượng truy nã. Trong đợt cao điểm này, đơn vị cũng đã bắt được 5 đối tượng, trong đó có không ít đối tượng đã có tiền án, tiền sự, bỏ trốn trong thời gian được tại ngoại để điều tra.

* Kiên trì đeo bám

Theo Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, công tác truy bắt tội phạm truy nã khá vất vả, gian nan và nguy hiểm đòi hỏi cán bộ, trinh sát phải mưu trí, dũng cảm, nghiệp vụ vững vàng và kiên trì đeo bám vụ việc. Bởi lẽ các đối tượng truy nã thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó lực lượng truy bắt. Đa số các đối tượng bị truy nã thường xuyên thay đổi nơi ở, lẩn trốn ở những nơi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn. Chúng thay tên, đổi họ và sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

“Dù nhiệm vụ được giao có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần trách nhiệm, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn kiên trì đeo bám, vạch ra nhiều kế hoạch truy bắt bằng được các đối tượng truy nã. Vì vậy, đối tượng gây án xong bỏ trốn cần sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật” - Thượng tá Bùi Văn Đại nhấn mạnh.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP.Biên Hòa - đơn vị thường trực tham mưu về công tác truy nã tội phạm của Công an TP.Biên Hòa cho biết, để hạn chế các đối tượng bị truy nã, ngoài việc xác minh, truy bắt triệt để các đối tượng có quyết định truy nã, trong quá trình điều tra, xử lý phải bắt nhanh, gọn hết các đối tượng ngay sau khi gây án, để bọn chúng không có thời gian, điều kiện lẩn trốn.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường phân tích, ngoài việc nỗ lực xác minh truy bắt và vận động gia đình, người thân đưa con, em đã vi phạm pháp luật ra đầu thú của công an, còn rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Bởi, đối tượng bị truy nã trốn ở đâu cũng phải dựa vào nhân dân, tạo nhiều vỏ bọc khác nhau để ẩn náu. Việc người dân đề cao cảnh giác, tham gia phát hiện, tố giác đối tượng trốn truy nã cho cơ quan công an là hết sức quan trọng và cần thiết.

Hoàng Bách

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201903/nhieu-doi-tuong-truy-na-sa-luoi-2935412/