Nhật ký cuộc đời được ghi bằng tiếng hát

Ánh chiều tà xiên qua tán lá, đọng lại trên chiếc bàn trà nhỏ ngoài ban công, bên cạnh chiếc máy khâu đã cũ, vợ chồng nghệ sĩ già Thanh Oai và Ngọc Thung kể cho vị khách lạ những dấu ấn trong cuộc đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, ông bà cùng các văn nghệ sĩ khác không quản gian khổ, hiểm nguy mang lời ca, tiếng hát, điệu múa cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ, Nhân dân tại các vùng chiến sự cam go, khốc liệt. Họ đã cùng nhau dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất cho nghệ thuật, hết lòng phục vụ Nhân dân.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Oai - Ngọc Thung kể lại những ngày tháng hoạt động nghệ thuật qua những bức ảnh.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Oai - Ngọc Thung kể lại những ngày tháng hoạt động nghệ thuật qua những bức ảnh.

Cái tuổi “bóng ngả về chiều”, trí nhớ chẳng thắng nổi thời gian và tuổi tác. Suốt quãng thời gian mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật, gắn bó với Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, có nhiều điều nghệ sĩ Thanh Oai đã chẳng thể nhớ nhưng cũng có những dấu mốc, kỷ niệm như đã hằn sâu trong tâm trí, mãi không bao giờ quên. Bên chén trà chiều, bà cứ nhẩn nha kể, như chính mình đang sống lại một thời đạn bom, một thời rực lửa ấy...

Bà Oai nhớ lại mình của những năm 16, 17 tuổi mơn mởn thanh xuân. Người con gái Thái (bản Khó, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) lúc bấy giờ nào có biết gì. Vốn yêu thích ca hát, nay lại có nghệ sĩ của tỉnh lên giao lưu văn nghệ phục vụ bà con thì háo hức lắm. Rồi cơ duyên chợt đến, bà Oai được mời tham gia đội tuyên truyền văn hóa của Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Nghệ sĩ Thanh Oai là một trong những người đầu tiên của 8 huyện miền núi (đến nay là 11 huyện) của xứ Thanh được tuyển. Cơ duyên này đã thay đổi cả cuộc đời của người con gái Thái ấy.

Bà Oai thủ thỉ: “Gia đình chẳng có ai theo nghệ thuật đâu. Bản thân mình khi ấy cũng chẳng biết tham gia đội tuyên truyền văn hóa là như thế nào. Chỉ biết một điều là sẽ được đi khắp nơi để hát cổ vũ, động viên chiến sĩ, bà con Nhân dân thôi”. Kể từ đó, bà Oai theo chân đội tuyên truyền mang lời ca tiếng hát đi khắp nơi. Có những khi đội “rồng rắn” đi bộ lên tận Mường Lát, vừa đi vừa tập và biểu diễn, cứ lặp đi lặp lại như thế. “Cuộc sống khó khăn, hoạt động văn hóa, văn nghệ theo kiểu “dã chiến” nhưng sao vui lắm. Vui nhất là nghệ sĩ chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của chiến sĩ, người dân địa phương. Họ reo hò cổ vũ, bịn rịn mãi không xa” - bà Oai cho biết.

Chính tình yêu với nghệ thuật đã “xe duyên” cho bà với nghệ sĩ Ngọc Thung, diễn viên múa hiền lành, chất phác. Năm 1967, gia đình bà Oai chào đón đứa con gái đầu lòng. Khi con gái mới được 9 tháng tuổi, bà Oai được cử đi học trung cấp thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Lúc bấy giờ, trường đang phải đi sơ tán ở Bắc Giang. “Lòng mẹ ai chẳng thương con, thương con đứt ruột. Nhưng rồi mình lại nghĩ, đó là nhiệm vụ tổ chức phân công, là cơ hội để mình được học, được rèn luyện để hoàn thiện giọng hát của mình nên quyết tâm lên đường”.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Oai gắn liền với những chuyến đi, mà chuyến đi nào cũng đầy rẫy gian truân, khó nhọc. Từ cuối năm 1960 đến năm 1970, nghệ sĩ Thanh Oai tham gia đoàn văn công xung kích đi phục vụ bộ đội ở khu vực Tây Trường Sơn. Cả đoàn có 16 người, nhạc sĩ Văn Hòe làm trưởng đoàn, trong đó có 6 nữ. Bà Oai lặng người đi trong thoáng chốc, như để làm dịu đi sự xúc động đang trực trào nơi khóe mắt: “Tôi đi B khi ấy con gái tôi mới được 3 tuổi. Những ngày tháng gian khổ quá, cuộc chiến đang khốc liệt lắm, chẳng biết nói sao cho đặng” - bà Oai tâm sự.

“Đi B” là cách nói xuất hiện từ những năm 1959, khi hàng trăm đoàn cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện, đã bí mật vượt dãy Trường Sơn để vào miền Nam công tác, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là huyết mạch vận chuyển cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà Oai sẽ chẳng bao giờ quên những ngày cùng nhau kề vai sát cánh, ăn toàn đồ khô, cung đường duy nhất là từ hầm trú ẩn đến nơi biểu diễn và ngược lại; mỗi ngày thức dậy là biết mình còn sống thêm được một ngày. Chính bà cũng không còn nhớ đã bao nhiêu lần tự “lên dây cót” tinh thần cho mình: “Một là còn, hai là chết”. Nhưng thực tiễn khốc liệt ấy cũng không thể ngăn nổi bước chân người nghệ sĩ. Tiếng bom rơi đạn nổ gào rú đêm ngày cũng không thể át được lời ca, điệu múa say mê, nhiệt thành. “16 người chúng tôi cứ thế đi mải miết, nhiều người ốm quặt quẹo vì rừng thiêng nước độc cũng nhất quyết không chịu rời đoàn quay trở lại. Từ binh trạm 32 đến 37 rộn ràng tiếng hát ca, tiếng reo hò nồng nhiệt” - bà Oai hồi tưởng.

Chiến tranh chẳng phải trò đùa. Đó là sinh ly tử biệt chỉ trong gang tấc, là mới vừa gặp nhau đây đã vội vĩnh biệt. “Anh em tối đó còn gặp gỡ, vồn vã một lời chào mà vừa khi thức dậy, bình minh chưa kịp hé đã nhận tin báo ra nhận xác đồng đội trở về là thực tế cuộc chiến khi đó, không thể nào khác được” - bà Oai rưng rưng. Có chiến sĩ bị trúng bom trên đường làm nhiệm vụ, máu chảy ròng ròng trên thân thể tay chân chẳng còn nguyên vẹn vẫn tha thiết được nghe hát. Có người nằm lặng trên cáng, thoi thóp thở, vừa nghe hát vừa chảy nước mắt, sau cùng cất lời thỏ thẻ: “Các chị hát cho tôi nghe lần nữa”. Có lẽ, càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khô khốc tiếng súng, tiếng bom, trong những giờ phút cận kề sinh tử, người ta càng thấy khao khát một nguồn vui. Tiếng hát của các chị khi ấy chính là thanh âm của hòa bình, tự do, của bình yên, tình yêu thương chan hòa, ấm áp...

Mang tiếng hát “vượt qua lửa đạn”, không chỉ vào sinh ra tử ở những trận địa khốc liệt nhất của xứ Thanh những năm kháng chiến chống Mỹ như: trận địa Hàm Rồng, phà Ghép, Bái Thượng, đảo Mê... hay tham gia đoàn văn công đi B, nghệ sĩ Thanh Oai mang theo đứa con trai mới hơn 1 tuổi cùng đoàn sang nước bạn Lào biểu diễn phục vụ chiến sĩ, Nhân dân Việt Nam và Lào. Bà cất lời ca của tình hữu nghị thủy chung giữa hai đất nước, tiếng hát của người nghệ sĩ hết lòng với nghề, với Nhân dân...

Giờ đây, sau mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật, gắn bó với Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Oai - Ngọc Thung bình yên vui hưởng tuổi già. Đâu đó trong những cuộc vui bạn vui bè, tiếng hát của nghệ sĩ Thanh Oai vẫn da diết, ngân nga. Nghệ sĩ Thanh Oai chia sẻ: “Mỗi thời mỗi khác nhưng dẫu ở thời nào cũng vậy, tôi vẫn vui vì có nhiều người vẫn yêu thích giọng hát của mình. Tôi đã sống trọn vẹn với nghề, trọn vẹn với Nhân dân”.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhat-ky-cuoc-doi-duoc-ghi-bang-tieng-hat-31750.htm