Nhật Bản có thể là 'cầu nối' giữa Mỹ và Iran?

Ngày 12-6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm Iran trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran gia tăng căng thẳng. Mặc dù tuyên bố mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, nhưng sứ mệnh của nhà lãnh đạo Nhật Bản được đánh giá là sẽ không hề dễ dàng…

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Iran trong vòng 4 thập kỷ qua. Chuyến thăm diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã chấm dứt quy chế miễn trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran, bao gồm Nhật Bản. Đây không phải lần đầu tiên quốc gia đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ bị ảnh hưởng bởi quyết định của của Washington, nhưng lần này Nhật Bản không thể ngồi yên vì Iran là nhà cung cấp dầu quan trọng của nước này. Trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, với nguồn cung cấp dầu chính cho Nhật Bản, Iran cung cấp từ 10 đến 15% lượng dầu mỏ cho Nhật Bản.

Nhưng đặc biệt hơn, chuyến thăm diễn ra khi Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới và Thủ tướng Shinzo Abe đang rất cần củng cố hình ảnh để giành chiến thắng.

Vì vậy, giới phân tích đánh giá, vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ không phải là mục tiêu chính của Thủ tướng Shinzo Abe khi tới thăm Iran, thay vào đó, thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước mới là mối quan tâm hàng đầu của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Tới Tehran vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ giữa đồng minh Mỹ và Iran, ông Shinzo Abe dù có thành công trong vai trò thuyết khách hay không, chuyến thăm cũng giúp ông nâng cao vị thế của một chính khách thế giới có trách nhiệm với các vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Thậm chí giới quan sát còn phán đoán khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm nếu chuyến thăm diễn ra thuận lợi.

Thủ tướng Shinzo Abe tới sân bay Mehrabad của Iran ngày 12-6. Ảnh: USA Today.

Cho tới nay, Washington vẫn để ngỏ việc đàm phán với Tehran về một thỏa thuận hạt nhân mới, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 vào năm ngoái. Cùng với đó là các động thái tái áp đặt trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn đối với Tehran, khiến quan hệ Mỹ-Iran trở nên tồi tệ hơn. Nhật Bản vẫn giữ lập trường ủng hộ thỏa thuận, ủng hộ giải pháp đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Iran thay vì trừng phạt cấm vận. Iran không chỉ là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn cho Nhật, mà còn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các công ty Nhật Bản. Khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015, các công ty Nhật Bản đã nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mở ra ở thị trường Iran đầy tiềm năng. Các công ty của Nhật trong các lĩnh vực có tổng cộng 32 văn phòng ở Iran trong năm 2017, theo thống kê của chính phủ Nhật.

Vì vậy, Nhật Bản hy vọng sẽ dựa vào mối quan hệ tốt đẹp với Iran trong gần 90 năm qua để thực hiện vai trò trung gian với Mỹ, góp phần thúc đẩy hòa bình ở khu vực Trung Đông, ngoài ra sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư nước này tại Iran. Trong đó, Nhật Bản mong muốn sẽ khôi phục được nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Iran. Lợi ích của Công ty dầu mỏ Nhật Bản ở mỏ dầu Azadegan, tây nam Iran, bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng Mỹ và Iran leo thang liên quan tới chương trình hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo.

Được biết, một ngày trước chuyến công du Iran, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình tại Iran. Tuy nhiên, quan chức Nhật Bản không nêu chi tiết nội dung cuộc điện đàm. Còn trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Tokyo cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn tạo điều kiện để Mỹ và Iran tiến hành đàm phán, giúp mọi chuyện không bị chệch hướng, cũng như không kéo theo một cuộc đối đầu quân sự tại khu vực Trung Đông.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản luôn theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương. Theo đó, Nhật Bản luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với các nước, nhất là khu vực Trung Đông nhằm có được nguồn cung dầu mỏ ổn định.

Tuy nhiên, trước thực tế quan hệ đồng minh với Mỹ vẫn được xem là “không thể đánh đổi” đối với Nhật Bản, Tokyo đang ở vào tình thế “khó xử” trong mối quan hệ với Iran. Bằng chứng là Nhật Bản đã chấp nhận ngừng mua dầu mỏ một cách miễn cưỡng của Iran, sau khi Mỹ từ bỏ quy chế miễn trừ trừng phạt một số đối tác dầu mỏ của Tehran. Vì vậy, Thủ tướng Shinzo Abe khó có thể tạo ra được sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ Mỹ và Iran chỉ với chuyến thăm lần này. Theo giáo sư Robert Dujarric-người đứng đầu Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Tokyo, cơ hội tạo ra một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran là gần như bằng không khi Mỹ và Nhật Bản là hai đồng minh thân cận. Bởi trở thành một nhà trung gian hòa giải tốt, bên đóng vai trò “cầu nối” phải được cả hai bên nhìn nhận là nhà trung gian hòa giải vô tư.

Theo giáo ưu Robert Dujarric, điều Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm được trong chuyến thăm lần này là thuyết phục Mỹ và Iran nối lại đàm phán trực tiếp. Ông Shinzo Abe có thể mời Tổng thống Iran tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka Nhật Bản vào cuối tháng này nhằm tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nhat-ban-co-the-la-cau-noi-giua-my-va-iran-576491