Nhân viên quân y dùng lương của mình hỗ trợ bệnh nhân

Nhắc tới bệnh xá của đơn vị quân đội, mọi người thường liên tưởng tới những bệnh nhân là quân nhân. Tuy nhiên, đến Bệnh xá Trung đoàn Pháo binh 452 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), ngoài những bệnh nhân là quân nhân còn có bệnh nhân là người dân địa phương nơi đơn vị đóng quân.

Điều thú vị, bệnh xá trung đoàn là địa chỉ tin cậy của người bệnh không chỉ vì uy tín chuyên môn, mà còn vì sự quý mến đối với nhân viên quân y, Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, Phó bí thư Chi bộ Ban Hậu cần, đồng thời là Phó bí thư Chi đoàn cơ sở Trung đoàn Pháo binh 452.

"Tiếng lành đồn xa", khi đến bệnh xá của trung đoàn, tôi được mọi người kể nhiều về Hoàng Văn Đông. Bệnh nhân đến bệnh xá khám, chữa bệnh ở đủ các lứa tuổi và vào mọi khung giờ trong ngày. Có những hôm trời đã tối khuya, mưa gió, nhưng khi bệnh nhân đến khám là anh Đông không nề hà. Anh thăm khám cẩn thận, tư vấn cho người bệnh cặn kẽ. Hơn 20 năm qua, trong “từ điển” của anh chưa bao giờ có hai chữ “từ chối” với bất cứ trường hợp nào. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của anh luôn được đồng chí, đồng đội, người dân tin tưởng.

Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông kiểm tra vết thương cho bệnh nhân.

Chúng tôi gặp anh Đỗ Văn Hải, thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tại Bệnh xá Trung đoàn Pháo binh 452. Do tai nạn lao động, anh bị rách 16cm ở cánh tay, sau xử lý ban đầu tại Bệnh viện Quân y 105, công đoạn điều trị tiếp theo đều được anh Đông giúp đỡ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải cho biết: “Mỗi khi bị đau ốm, tôi lại tìm đến Bệnh xá Trung đoàn 452. Không chỉ có tay nghề vững, đến với anh Đông, chúng tôi cảm nhận được sự ân cần, tình thân-điều mà không phải ở cơ sở y tế nào cũng có được. Anh không bao giờ lấy tiền của bà con nhân dân".

Điều chúng tôi thắc mắc, “tích tiểu thành đại”, nếu cứ làm miễn phí, số tiền đó cộng lại sẽ không nhỏ, vậy anh lấy từ đâu? Nở nụ cười hiền hậu, anh Đông giải thích: “Một phần trích từ kinh phí hỗ trợ của đơn vị, phần còn lại tôi trích từ tiền lương. Thật ra, những lúc người bệnh nguy kịch hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tôi không có thời gian suy tính nhiều như vậy. Niềm vui lớn nhất với tôi là được thấy những nụ cười trên gương mặt của bệnh nhân và gia đình họ”.

Hoàng Văn Đông sinh ra ở xã An Sinh, huyện Kinh Môn (nay là phường An Sinh, thị xã Kinh Môn), vùng núi phía đông bắc của tỉnh Hải Dương, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Bố anh là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh-Quảng Trị. Từ nhỏ chứng kiến bố từ chiến trường trở về thường xuyên bị sốt rét hành hạ, Đông đã nhen nhóm ước muốn lớn lên trở thành thầy thuốc. Tuy nhiên, ước mơ dừng tại đó, học hết THPT, năm 1992, anh tình nguyện nhập ngũ, học tập và rèn luyện tại Trung đoàn 922, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3. Sau hai năm học tập và rèn luyện, thấy anh luôn trách nhiệm, tỉ mỉ và có tâm trong thực hiện nhiệm vụ nên lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện để anh ôn luyện và thi đỗ Hệ đào tạo trung học, Học viện Quân y (1994-1997). Kể từ đây, anh thực hiện được ước mơ thuở thiếu thời. Sau 3 năm học tập, rèn luyện, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, anh được điều động công tác tại Trung đoàn Pháo binh 452, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (trước đây là Quân khu Thủ Đô) từ đó cho tới nay.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, để làm chủ được công việc, anh không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi về y đức, làm tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, đặc biệt là bảo đảm công tác chuyên môn vệ sinh phòng dịch, giữ tốt, dùng bền các trang thiết bị y tế được giao.

Thời điểm đó, trung đoàn đủ quân, nếu địa phương có dịch thì đơn vị rất khó tránh; hơn nữa, khu vực đóng quân là vùng trung du, nắng nóng, độ ẩm cao nên phát sinh nhiều muỗi, côn trùng… Sau nhiều ngày trăn trở, anh nhận thấy: Ngoài việc làm chủ chuyên môn, khám và chữa trị đúng nguyên tắc, quy định thì việc tuyên truyền để mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức, tích cực rèn luyện nâng cao sức khỏe là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo đảm quân số khỏe tham gia công tác tốt. Do đó, anh chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác quân y bảo đảm chất lượng, sâu sát, tỉ mỉ trên từng nội dung, nhất là công tác vệ sinh phòng dịch, giáo dục ý thức giữ gìn sức khỏe cho bộ đội, tạo sự chuyển biến tiến bộ trong xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học tại đơn vị. Anh chủ động phối hợp với Ban Chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, qua đó góp phần không nhỏ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, đơn vị an toàn tuyệt đối về vệ sinh phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm, tỷ lệ quân số khỏe thường xuyên đạt 99,36%… Kể từ đó, công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh gắn bó với anh cho tới tận bây giờ. Điều đáng nói, là nhân viên quân y nhưng anh có thể đảm nhiệm được tất cả các khâu tuyên truyền trên truyền thanh nội bộ, với các nội dung phong phú.

Càng tìm hiểu và trò chuyện với Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ là nhân viên quân y có tâm, anh còn là một cây sáng kiến rất có tầm. Trước yêu cầu thực tiễn là làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động công tác quân y trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của đơn vị còn nhiều khó khăn, kinh phí hạn chế và biên chế quân số thiếu vắng, anh đã tìm tòi, nghiên cứu cho ra nhiều sáng kiến có giá trị. Tính đến thời điểm này, anh có 6 sáng kiến được công nhận và áp dụng trong thực tiễn, trong đó tiêu biểu phải kể đến: "Thiết bị phun hóa chất cơ động” đoạt giải B cấp BTL Thủ đô Hà Nội và giải ba cấp Bộ Quốc phòng; hai sáng kiến khác là “Bàn tiêm truyền cơ động” đoạt giải B và “Bộ trang bị cấp cứu cơ động dùng trong thảm họa-thiên tai” đoạt giải C cấp BTL Thủ đô Hà Nội...

Nhận xét về Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, Thượng tá Lê Đức Lợi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 452 cho biết: “Phải khẳng định, đồng chí Đông thực sự tiêu biểu trên các mặt công tác. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà anh coi trọng các giá trị về vật chất, ngược lại luôn nhận thiệt thòi về mình, tận tâm, tận lực với người bệnh. Những đức tính đó không những tô thắm thêm truyền thống gắn bó, đoàn kết quân dân, mà còn góp phần để công tác vận động quần chúng của đơn vị đạt kết quả cao”.

Chia tay Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, điều chúng tôi ấn tượng với anh chính là nhiều lần được cấp trên tạo điều kiện đi học chuyển ngành nhưng anh vẫn chọn ước mơ thuở thiếu thời. Dù nghề không làm anh giàu nhưng đổi lại, anh có được tình cảm trìu mến của đồng chí, đồng đội và người dân địa phương. Anh bảo: “Sau này nghỉ hưu, ước muốn của tôi là mở một phòng khám sức khỏe miễn phí giúp nhân dân, và tôi tin mình sẽ làm được”. Tất cả những điều đó khiến tôi không ngạc nhiên khi biết rằng anh có tới 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; hai lần được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân; 5 lần được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen trong công tác; nhiều năm được tuyên dương “Người tốt-việc tốt" của TP Hà Nội. Anh được BTL Thủ đô Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…

Bài và ảnh: TRẦN HIỀN - HỮU THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nhan-vien-quan-y-dung-luong-cua-minh-ho-tro-benh-nhan-612750