Nhân lên sức mạnh trong hội nhập, phát triển

Sau hơn 25 năm hợp tác và phát triển, với các cam kết mạnh mẽ hơn về các mục tiêu chung trong kết nối, cộng đồng và tính cạnh tranh, chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Trưởng đoàn GMS và đại biểu dự khai mạc triển lãm. Ảnh: TTXVN.

Những sáng kiến thiết thực và hiệu quả

Ngày 30.3, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam khai mạc. Trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam - nhận định, qua mỗi kỳ hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp GMS đã ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong triển khai, hiện thực hóa các chính sách của chương trình hợp tác GMS.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Hội đồng kinh doanh GMS đã thành lập Mạng lưới Các doanh nhân trẻ khu vực GMS, phát triển Ứng dụng kết nối doanh nghiệp khu vực GMS...

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là “phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”. Trong khi đó, động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới là “tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...”.

Lợi ích đáng kể từ hợp tác GMS

GMS gần đây thông qua Chương trình hành động mới - Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 (HAP), kêu gọi mở rộng các hành lang kinh tế để tăng cường khả năng kết nối giữa các quốc gia thành viên. Các Chính phủ GMS cũng đã thông qua Khuôn khổ đầu tư khu vực GMS (RIF) 2022 để hỗ trợ HAP thông qua 227 dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn đạt 66 tỉ USD.

Thêm vào đó, các chính phủ GMS khuyến khích các đối tác phát triển và khu vực tư nhân đáp ứng các yêu cầu về tài chính trong GMS, và GMS-BC đại diện cho sự tham gia của khu vực tư nhân để đóng góp vào động lực của GMS.

Trong phiên thảo luận về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, ông Shouphanh Keomixay - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Lào - chia sẻ: “Chúng tôi hưởng lợi đáng kể từ hợp tác GMS trong việc cải thiện kết nối vật chất và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới. Điều này đóng góp vào việc thay đổi ở các quốc gia không có biển như Lào”.

Trong khi đó, ông Akhom Termpittayapaisith - Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan - lấy ví dụ từ kết quả triển khai của nước này và cho rằng, khu vực GMS cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối, đơn giản hóa thủ tục xuyên quốc gia cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tại 6 quốc gia hợp tác, sử dụng kinh tế số.

HÀ LIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/nhan-len-suc-manh-trong-hoi-nhap-phat-trien-598681.ldo