Nhận diện lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ và châu Âu (EU) đã xây dựng và duy trì mối quan hệ mang lại sự ổn định và tính dễ đoán định đáng kể trong các lĩnh vực từ quan hệ an ninh, cam kết chính trị đến quan hệ kinh tế.

Mối quan hệ đối tác được xây dựng trên một lịch sử hợp tác lâu dài về các vấn đề cùng quan tâm đã đặt nền móng vững chắc cho sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã có những khác biệt.

Quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương luôn nhận được sự quan tâm bởi những tác động to lớn của nó đối với thế giới.

Quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương luôn nhận được sự quan tâm bởi những tác động to lớn của nó đối với thế giới.

Trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (2022), việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với việc Tổng thống Joe Biden ưu tiên mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ này để theo đuổi một chương trình nghị sự chung. Tuy nhiên, nó vẫn có những tồn tại. Ví dụ như người ta có thể chứng kiến sự hỗ trợ EU dành cho Mỹ sau vụ tấn công khủng bố 11/9 và trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Mặt khác, người ta lại thấy có sự khác biệt trong các vấn đề như quyết định của Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran và cách các đối tác xuyên Đại Tây Dương nhìn nhận mối quan hệ với Trung Quốc.

Sự khác biệt nhất định cũng được thể hiện trong quan điểm về kinh tế. Mỹ và EU là đối tác thương mại quan trọng của nhau, với nền kinh tế ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Hai bên có mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương lớn nhất. Mặc dù đã bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2020 để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU về hàng hóa, nhưng khi tính đến dịch vụ và đầu tư, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Tuy nhiên, bằng mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Âu đã áp dụng cách tiếp cận theo định hướng kinh doanh hơn đối với Trung Quốc, ngay cả khi quan hệ Trung Quốc - Mỹ vẫn còn căng thẳng.

Trong mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 của Mỹ đã gây ra một số bất đồng. Mục tiêu của IRA là giúp chống lạm phát trong nước, thúc đẩy đầu tư vào sản xuất và chế tạo năng lượng trong nước, đồng thời giảm khoảng 40% lượng phát thải carbon từ nay đến năm 2030. IRA nhằm mục đích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như thương mại hóa các công nghệ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách thu hồi carbon, lưu trữ và làm sạch hydro. EU dù hoan nghênh trọng tâm của IRA là giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng lại chỉ trích các điều khoản về trợ cấp thuế cho hoạt động sản xuất các công nghệ sạch ở Mỹ của các công ty cả trong và ngoài Mỹ. EU cảm thấy rằng các ưu đãi thuế như vậy sẽ không chỉ gây bất lợi cho các ngành công nghiệp châu Âu xuất khẩu sang Mỹ mà còn có thể thúc đẩy các công ty châu Âu chuyển đến Mỹ. IRA cũng sẽ tổ chức lại chuỗi cung ứng khi Mỹ thúc đẩy sản xuất tại địa phương, điều mà EU cảm thấy sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty châu Âu.

IRA đã dẫn đến sự khác biệt chính trị giữa Mỹ và châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Macron coi IRA là bất lợi cho các ngành công nghiệp châu Âu và chỉ ra rằng đạo luật này sẽ đặt ra thách thức đối với Mỹ và EU trong việc phối hợp và tái đồng bộ hóa các chính sách của họ để giải quyết các mối quan ngại. Pháp cũng đã đề xuất EU xem xét các khoản trợ cấp tương tự cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, một số quốc gia như Đức và Hà Lan đã kêu gọi xem xét lại các kế hoạch hiện tại của châu Âu để tìm ra phản ứng đối với IRA. EU đã có các bước đi thông qua việc củng cố Chính sách Công nghiệp trước đây trong Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh năm 2023 để làm cho nền kinh tế phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đồng thời giảm sự phụ thuộc chiến lược. Kế hoạch này thừa nhận rằng các nguồn tài trợ của EU chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nghiên cứu và đổi mới cũng như triển khai năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng liên quan, thay vì nhắm mục tiêu vào năng lực sản xuất trong lĩnh vực này. Kế hoạch kêu gọi xây dựng các chuỗi giá trị công nghiệp mạnh mẽ hơn trên toàn Liên minh và triển khai công nghệ tiên tiến trong các ngành công nghiệp. Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc khuyến khích nhiều tổ chức tư nhân đầu tư vào EU.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cũng có cả sự cạnh tranh và hợp tác. Trong lĩnh vực công nghệ, quan hệ đối tác cam kết thúc đẩy chuyển đổi số và hợp tác về các công nghệ mới cũng như tăng cường hợp tác về các vấn đề công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), 6G, nền tảng trực tuyến và lượng tử. Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Bắc Âu gần đây, các nhà lãnh đạo đã công nhận tính trọng yếu của các công nghệ quan trọng và mới nổi - với các rào cản thích hợp và các biện pháp giảm thiểu rủi ro - đối với sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ bày tỏ sự dè dặt đối với các chính sách quản lý kỹ thuật số do EU đề xuất. Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) năm 2020 của EU nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng lạm dụng sức mạnh thị trường của các nền tảng trực tuyến lớn kết nối người tiêu dùng với nội dung, hàng hóa và dịch vụ. Hầu hết các nền tảng kỹ thuật số lớn có trụ sở ở Mỹ đã vận động hành lang để Đạo luật bớt nghiêm ngặt hơn. EU cũng đã đề xuất các quy tắc để quản lý việc sử dụng AI trong một loạt các ứng dụng từ ôtô tự lái đến ứng dụng trong các hệ thống thực thi pháp luật và tòa án. Các quy tắc này sẽ tác động sâu rộng tới các công ty đang đầu tư vào phát triển AI như Alphabet hay Microsoft. Mỹ chưa đề xuất bất kỳ biện pháp quản lý nào như vậy đối với AI.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhan-dien-lai-quan-he-doi-tac-xuyen-dai-tay-duong-i711352/