Nhà toán học đam mê nghiên cứu về sự già đi của con người

Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành toán học tại Đại học Cambridge, Kirkwood vẫn luôn có niềm say mê dành cho sinh học.

Cha mẹ của Kirkwood gặp nhau trong Thế chiến II khi mẹ ông, sinh ra và lớn lên ở Rhodesia, đang làm y tá tình nguyện trong bệnh viện quân đội ở Nairobi nơi cha ông vừa được chuyển về từ chiến trường ở Ai Cập do căn bệnh sốt rét.

Với những ảnh hưởng nặng nề từ các trải nghiệm suốt cuộc chiến, cha của Kirkwood tham gia mạnh mẽ vào các vấn đề chủng tộc ở quê nhà Nam Phi, và phản đối mạnh mẽ chính quyền Chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền năm 1947, những người đã đưa ra chính sách phân biệt chủng tộc apartheid vào năm sau đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Năm 1955, ông và gia đình chuyển đến Anh, nơi ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Quan hệ Chủng tộc đầu tiên tại Đại học Oxford.

“Oxford của những năm 50 là một nơi dễ mến,” Kirkwood nói. “Chúng tôi sống trong một ngôi nhà chung, một căn nhà thời Victoria rất lớn và hơi xiêu vẹo từng là nhà của một vị cha xứ. Đó là mái ấm của sáu đứa trẻ, và cửa nhà luôn rộng mở.

Bạn bè và đồng nghiệp của cha tôi từ khắp nơi trên thế giới thường ghé thăm, nhưng do ông chủ yếu nghiên cứu về châu Phi nên chúng tôi có rất nhiều vị khách đến từ châu Phi - những người mà sau này trở thành người đứng đầu các quốc gia độc lập thuộc khối Thịnh Vượng chung. Do đó, căn nhà luôn rộng mở và tràn ngập những ý tưởng hay các cuộc thảo luận”.

Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành toán học tại Đại học Cambridge, Kirkwood vẫn luôn có niềm say mê dành cho sinh học, thứ đam mê được nuôi dưỡng từ sự quyến rũ của không gian hoang dã, rộng lớn nơi quê nhà châu Phi. Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi chủ đề lão hóa lôi cuốn ông, bởi vốn dĩ toán học và sinh học là hai phạm trù luôn bổ sung cho nhau trong việc giải mã các bí ẩn.

“Tôi vẫn nhớ như in cái cách tôi bất chợt nhận ra hàm ý đằng sau công việc mà tôi vẫn làm suốt những năm qua (cùng với Robin Holliday),” ông mỉm cười nhớ lại. “Đó là một đêm đông tháng hai 1977 lạnh lẽo, tôi đang ngâm mình trong bồn tắm và mơ màng suy nghĩ thì chợt nhận ra rằng, một cách tất yếu, nghiên cứu này cho thấy bạn có thể tránh được việc di truyền lỗi nếu bạn đầu tư đủ năng lượng vào việc triệt tiêu lỗi”.

Kirkwood cũng suy ngẫm ý tưởng của August Weismann về sự khác biệt giữa tế bào trứng và tế bào thân thể, và khi nằm ườn trong bồn tắm đêm tháng hai đó, ông chợt nhận ra hai luồng suy nghĩ ấy của ông hoàn toàn khớp với nhau như thế nào.

“Thật đáng để đầu tư (loại bỏ triệt để các lỗi) vào dòng mầm. Thật vậy, bạn buộc phải tiến hành từ dòng mầm... Nếu không thúc đẩy tiến hóa từ dòng mầm, giờ này chúng ta sẽ không còn có mặt ở đây,” ông giải thích. “Nhưng cái giá cho toàn bộ tế bào cơ thể thì lại quá đắt.

Phần lớn động vật trong tự nhiên đều chết trẻ - rất ít trong chúng có thể sống được đến cái tuổi gọi là già và gặp các vấn đề lão hóa - do đó, điều cần phải làm là duy trì ở mức cần thiết để cơ thể khỏe mạnh [cho đến độ tuổi sinh sản]”.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-toan-hoc-dam-me-nghien-cuu-ve-su-gia-di-cua-con-nguoi-post1460969.html