Nguyên nhân thất nghiệp cao của sinh viên tốt nghiệp ở một số ngành đào tạo

Thị trường lao động Việt Nam đang trên đà phát triển, số vị trí việc làm mới tạo ra hằng năm thường thấp hơn số sinh viên tốt nghiệp đại học...

“Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp Giai đoạn 2017 - 2021 và đề xuất Giải pháp cho Giai đoạn 2023-2026” của ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

Ngày 26/5, tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra “Diễn Đàn Phát Triển Hợp tác Nhà trường & Doanh Nghiệp” - “Discussion series on university-industry linkages”, do Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với trường Đại học Bách Khoa tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills), đồng thời hướng tới Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia, đóng góp vào việc phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đề cao vai trò phối hợp của phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Việc doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục đào tạo tại các Trường sẽ giúp đào tạo không xa rời thực tế, làm tăng sức mạnh phục vụ cộng đồng của Trường và doanh nghiệp”, Thứ trưởng nêu quan điểm.

“Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp Giai đoạn 2017 - 2021 và đề xuất Giải pháp cho Giai đoạn 2023-2026” của ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học chỉ ra rằng tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi đào tạo ở một số ngành tỉ lệ rất cao.

Một trong những nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu đồng bộ giữa chương trình đào tạo của Nhà trường và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Việc hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp mặc dù số lượng không nhỏ (bình quân mỗi trường hợp tác với khoảng 60 Doanh nghiệp) nhưng chất lượng và hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường lao động Việt Nam đang trên đà phát triển, số vị trí việc làm mới tạo ra hằng năm thường thấp hơn số sinh viên tốt nghiệp đại học.

Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học chỉ ra rằng để đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động thì công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và công tác đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh rằng các Trường đại học và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất các quy chuẩn về đào tạo và các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Liên quan đến hiệu quả hợp tác doanh nghiệp - đại học, PGS. TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho rằng liên kết đại học - doanh nghiệp cần được nhìn nhận trên nhiều góc độ, không chỉ dừng lại ở chuyện tạo việc làm mà nên mở rộng ở lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo,...

Đôi bên cần dựa trên sự hiểu biết, thấu hiểu để định vị các vấn đề của nhau, cùng đi tìm giải pháp phù hợp.

Đến nay, Trường Đại học Bách khoa đã và đang mở rộng hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và quốc gia như Bosch, Intel, Dow Chemical và hơn 91 doanh nghiệp khác, hướng đến việc thúc đẩy đôi bên cùng phát triển.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguyen-nhan-that-nghiep-cao-cua-sinh-vien-tot-nghiep-o-mot-so-nganh-dao-tao.htm