Nguy hiểm tiềm ẩn khi sạc xe điện qua đêm

Hiện nay, rất nhiều người có thói quen đi xe điện về chiều tối cắm sạc xong bỏ đó qua đêm. Tuy nhiên, đây là thói quen rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro liên quan đến cháy nổ.

Hiện nay, bên cạnh các phương tiện chạy bằng xăng, dầu thì các loại xe chạy bằng điện cũng đang rất được ưa chuộng. Việc sử dụng xe điện được đánh giá rằng vừa tiết kiệm, lại vừa bảo vệ môi trường khiến phương tiện này ngày càng trở lên phổ biến.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến đó là những rủi ro liên quan đến cháy nổ liên quan đến vấn đề sạc điện và ắc quy. Vào ngày 13/7 vừa qua, tại ngôi nhà ba tầng của hộ gia đình anh L.V.D. nằm trên đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn bốc cháy nghi ngút. Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà có 5 người gồm: Vợ chồng anh D. cùng một cô con gái ngủ ở tầng hai. Còn bà nội L.T.C. và cháu gái 5 tuổi L.T.T.T. ngủ dưới phòng khách ở tầng 1.

Cháy xe điện làm 2 người tử vong ở Sầm Sơn.

Nhận tin báo, cảnh sát phòng cháy chữa cháy huy động xe cứu hỏa, điều lực lượng đến dập lửa. Lúc này, lửa đã cháy lan khắp tầng hai, tầng ba, vợ chồng anh D. và con gái ở tầng hai được cứu kịp thời. Còn bà C. và bé T. tử vong tại chiếu nghỉ cầu thang từ tầng một lên tầng hai.

Cơ quan chức năng bước đầu xác định, nguyên nhân vụ cháy có thể do chập trong quá trình sạc xe điện 4 bánh.

Được biết, anh D. làm nghề chạy xe điện chở khách ở khu du lịch Sầm Sơn được gần 4 năm, vợ anh làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại nhà. Sau khi cắm sạc vào chiếc xe điện 4 bánh, anh D. lên tầng hai đi ngủ, khoảng 15 phút sau, chiếc xe bốc cháy, lửa bao trùm cả căn nhà khiến mẹ và con gái anh thiệt mạng khi đang ngủ ở phòng khách.

Hay như mới đây Báo Tiền Phong đã đưa tin về vụ cháy xe máy điện khi đang sạc xảy ra vào khoảng 11 giờ 40 phút tối 7/9 tại một ngôi nhà ở phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An. Theo camera an ninh ghi lại, chiếc xe máy điện đang được cắm sạc ở tầng 1 thì bất ngờ khói đen bốc ra, sau đó là một ngọn lửa bùng lên mạnh.

Rất may ngay sau đó, chủ nhà kịp phát hiện và dùng bình chữa cháy dập tắt ngọn lửa. Anh Nguyễn Quốc Toàn, chủ nhà cho biết lúc xe cháy cả nhà đang ngủ, nhưng may mắn là anh ở phòng bên cạnh nhìn thấy ánh sáng màu vàng qua cửa sổ nên đã ra kiểm tra và phát hiện vụ việc. Chiếc xe máy điện anh Toàn mua khoảng 2 năm và thường xuyên cắm sạc trong nhà.

Các nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ xe điện

Theo Bộ Công an, qua công tác điều tra các vụ cháy liên quan đến xe điện, cho thấy nguyên nhân chủ yếu do sạc điện ắc quy, pin của xe dẫn đến cháy, nổ cụ thể:

Nguyên nhân thứ nhất, Sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…) hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Nguyên nhân thứ hai, bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.

Cần giám sát quá trình sạc và không nên cắm sạc qua đêm.

Nguyên nhân thứ ba, việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.

Nguyên nhân thứ ba, là việc sạc điện không đúng hướng dẫn, như: Sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, đồng thời ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.

Nguyên nhân thứ năm, khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện), thiết bị báo động sẽ tiêu thụ điện năng sẽ làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai, quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn) từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin có thể gây đoản mạch bên trong (Cell pin đoản mạch) hoặc đoản mạch bên ngoài (bộ pin được kết nối với thiết bị điện tử công suất, động cơ và cả các phụ kiện khác bị đoản mạch) sẽ gây cháy xe.

Nguyên nhân cuối cùng là, một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy, như: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.

Các kỹ năng phòng, chống cháy, nổ khi sạc xe điện

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân một số kỹ năng phòng tránh cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện như:

Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Hai là, Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới. Đồng thời lưu ý:

Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện… Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…

Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0℃ - 35℃, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt; Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.

Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

Ba là, không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.

Đối với xe ô tô điện cần sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện.

Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.

H. An

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguy-hiem-tiem-an-khi-sac-xe-dien-qua-dem-80562.html