Nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng khi cho phép bán online

Kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vào chiều 26-6.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: Mediaquochoi

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: Mediaquochoi

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định bổ sung kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết; tuy nhiên, việc kinh doanh dược là hết sức đặc thù, vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người dân.

Theo các đại biểu, thời gian qua, việc kinh doanh nói chung thông qua các nền tảng mạng xã hội nở rộ, thực hiện một cách tự phát, không có giới hạn về thời gian, không gian giao dịch. Người dân có thể tiếp cận thuốc một cách nhanh chóng, đa dạng trong lựa chọn, song lại có nguy cơ cao đối mặt với nhiều loại thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trong khi các quy định liên quan đến kinh doanh dược thông qua phương thức thương mại điện tử mới chỉ là những quy định rất chung, chưa có tính đặc thù, chưa chặt chẽ đối với kinh doanh dược.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu cho rằng, có cần phải thực hiện việc đăng ký loại hình kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử hay không; cách tổ chức, điều kiện con người, cơ sở vật chất để vận hành giao dịch bao gồm cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc quy định như thế nào, trách nhiệm pháp lý liên quan của các bên, chủng loại thuốc kê đơn hay không kê đơn...

Theo đó, bán online thì có rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng. Cần nghiên cứu bổ sung điều khoản bồi thường khi người bệnh sử dụng phải thuốc giả mà trong trường hợp thuốc giả nhưng lại có số đăng ký thật và hệ thống phân phối là hợp pháp.

Nhà nước phải chịu trách nhiệm khi người dân phải tự mua thuốc ngoài do cơ sở y tế thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, hoặc phải đi tiêm dịch vụ do cơ sở y tế thiếu vaccine trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng bị thiếu.

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro có thể phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.

Bên cạnh đó, các đại biểu đặt vấn đề cần quan tâm đến quy định siết chặt hình thức kinh doanh mua bán qua môi trường mạng. Bởi hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân xưng danh là bác sĩ, dược sĩ, lương y để quảng cáo các loại thuốc trên mạng, thuốc đặc trị ung thư, huyết áp, tiểu đường, đau nhức... Lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm, cũng như thu hồi thuốc khi không đạt chất lượng.

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202406/nguy-co-thuoc-gia-thuoc-kem-chat-luong-khi-cho-phep-ban-online-2d2502b/