Nguy cơ tai nạn từ việc sử dụng điện thoại khi lái xe

Sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.

Sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông nhiều gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại (Ảnh minh họa)

Sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông nhiều gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại (Ảnh minh họa)

Nguy cơ tai nạn cao gấp 20 lần

Quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô đã có từ lâu, nhưng tỷ lệ người vi phạm vẫn thấy nhan nhãn trên đường phố và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vừa lái xe vừa nhắn tin hay gọi thoại, nhắn tin đã trở thành thói quen của không ít lái xe.

Với sự ra đời của các dòng xe hiện đại và thiết bị kết nối rảnh tay, tài xế không còn sử dụng điện thoại bằng tay nhiều như trước. Tuy nhiên, sự chủ quan này cộng với thói quen quá lạm dụng điện thoại khi lái xe đang khiến nguy cơ mất ATGT bị đẩy lên cao.

Điều đáng nói, Nghị định 123/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường bộ - đường sắt đã tăng nặng mức phạt với vi phạm sử dụng điện thoại khi lái xe, tuy nhiên vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến.

Quan sát trong vòng 30 phút tại một ngã tư trọng điểm đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên Giao thông ghi nhận, từ xa, có hàng loạt trường hợp người tham gia giao thông bằng ô tô xe máy, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Cá biệt, một số người vừa đi xe máy vừa vừa nhắn tin!

Khi được hỏi, anh Nguyễn Ngọc Minh, tài xế xe dịch vụ thẳng thắn chia sẻ trải nghiệm không vui về chuyện này: "Tôi đã từng bị va chạm do sử dụng điện thoại khi lái xe. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, không nên sử dụng điện thoại khi lái xe, rất mất tập trung, thiếu chú ý quan sát".

Với anh Mai Huy Thông, lái xe đầu kéo ở TP Hải Phòng cho biết, thường xuyên đi đường đèo dốc, đã có lúc xoay sở không kịp, suýt gặp tai nạn khi đang leo đèo: "Khi mình chưa kịp cắm bluetooth, mình nghe vội một cuộc điện thoại lúc lên đèo thì không dồn được số về đúng số mong muốn để lên dốc. Mà đầu kéo đã dừng xe giữa dốc thì gần như tụt dốc và lên lại.

Nghị định 123/2021 của Chính phủ đã tăng mức phạt với người lái xe ô tô vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe lên mức từ 2 - 3 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với Nghị định 100/2019.

Từng vài lần thót tim do dùng điện thoại khi đang lái xe, tài xế Nguyễn Xuân Tuấn, ở Hà Đông, không dại gì lặp lại: "Em xác định ra đường là để kiếm tiền! Có cuộc gọi là em tấp vào lề đường trước rồi mới dùng điện thoại, cả nghe hay gọi đi, cho an toàn!"

Tuy nhiên, số tài xế ý thức được như anh Tuấn vẫn còn rất khiêm tốn.

Một kết quả thực nghiệm trên sa hình đối với ô tô và thiết bị mô phỏng trên mô tô xe máy được Trung tâm nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức tiến hành năm 2017 cho thấy, lái xe trên sa hình sử dụng điện thoại áp tai thì mức độ thực hiện sai các động tác tăng lên gấp 3 lần.

Đối với xe máy, dùng điện thoại rảnh tay vẫn làm tăng nguy cơ cao gấp 5 lần so với không sử dụng điện thoại, nhất là khi gặp nút giao, chuyển làn, tương tác với người đi bộ. Còn nếu dùng điện thoại áp tai, xác suất tai nạn tăng gấp 8 lần; vừa đi vừa nhắn tin, nguy cơ tai nạn có thể tăng gấp 20 lần!

Kết quả nghiên cứu thực địa: cứ 1000 em học sinh thì có khoảng 190 em sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức cho biết, tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới, hành vi sử dụng điện thoại nguy hiểm hơn nhiều so với tài xế vẫn tưởng.

"Dùng điện thoại khi lái xe nguy hiểm tương đương uống rượu bia rồi lái xe. Ở Nhật Bản và một số nước phạt rất nặng hành vi sử dụng điện thoại áp tai, nên tất cả tài xế phải cài đặt bluetooth. Nhưng ngay cả kết nối rảnh tay cũng gây ra những sự sao nhãng nhất định. Vì xe tăng tốc lên thì kết nối ngừng hoạt động hoặc kém đi, khi có cuộc gọi thì phản xạ của tài xế là thắc mắc, và thường cầm lên tay để xem ai gọi", ông Tuấn cho hay.

Dùng công nghệ phát hiện vi phạm

Thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm này thời gian qua của lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm này cũng gặp khó khăn nhất định, do hành vi diễn ra rất nhanh, người vi phạm thường chối cãi, tài xế dán kính mờ, kính màu, gây khó phát hiện.

Chia sẻ với những khó khăn này, song TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, vừa điều khiển phương tiện vừa lái xe khiến tài xế sẽ không thể làm chủ được tốc độ, phương tiện bảo đảm ATGT. Người lái xe vừa phải quan sát đường, các tình huống giao thông có thể đột xuất xảy ra, nếu lái xe ở tốc độ cao thì rất nguy hiểm. Chỉ cần mất tập trung, không làm chủ được phương tiện, tốc độ trong một phút cũng có thể xảy ra tai nạn thảm khốc, hậu quả khôn lường.

Thêm nữa, khi mắt theo dõi trên màn hình điện thoại, tài xế sẽ khó quan sát một cách bao quát và đầy đủ xung quanh trong khi ở phía trước có thể có rất nhiều người xe đông đúc, rất dễ dẫn đến tai nạn.

"Quan trọng là công cụ. Nhiều nước dùng hệ thống camera để phát hiện, tiến hành phạt nguội khi kiểm định xe, nên có tính răn đe cao. Với sự bao phủ ngày càng rộng khắp của hệ thống camera trên toàn quốc của CSGT và các trung tâm điều hành giao thông địa phương, nếu dữ liệu được tích hợp, khai thác, chia sẻ tốt, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được điều này", ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động, đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông. Nếu thực sự cần thì nên tấp xe vào lề đường rồi trao đổi nói chuyện hay nhắn tin với nhau cũng không muộn mà thể hiện được nét văn hóa giao thông. Người lái xe phải luôn tâm niệm, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh mình.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguy-co-tai-nan-tu-viec-su-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-192231201154150511.htm