Nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm: Phòng, chống ngay từ cơ sở

Thời điểm này, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung tái đàn, tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường tăng cao vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Do vậy, cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Tiêm vắc xin cho gà tại một trại chăn nuôi trên địa bàn xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái

Dịch bệnh đe dọa đàn vật nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra với tính chất lẻ tẻ, chỉ xảy ra các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi... Đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, từ ngày 1-1 đến 7-9, dịch xảy ra tại 14 hộ ở 7 huyện, thị xã, với tổng số lợn tiêu hủy là 92 con. Từ ngày 3-2 đến 6-5, dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 7 xã ở các huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa, với tổng số gia cầm tiêu hủy là 35.091 con. Trên địa bàn thành phố, dịch cúm gia cầm và bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế.

Bà Phạm Thị Cưa, ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết: “Dù lo lắng bệnh Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng tôi vẫn nhập 20 con lợn giống về nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Gia đình tôi cũng đã đầu tư lại chuồng trại, chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học để tránh rủi ro”.

Vào dịp cuối năm, thường thì tổng đàn gia súc, gia cầm và mật độ chăn nuôi đều gia tăng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nguy cơ dịch bệnh đe dọa đàn vật nuôi ở thời điểm này là rất cao bởi thời tiết thay đổi, khí hậu diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán rộng. Hơn nữa việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. "Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội chiếm tới 60% nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng. Chưa kể, Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ thủ công trong khu dân cư rất khó kiểm soát", ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Chung nhận định, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo cho biết, hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, không bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học. Trong khi đó, lực lượng thú y xã, thị trấn rất mỏng nên việc thống kê số hộ chăn nuôi, tổng đàn, số lượng gia súc, gia cầm ốm, trong diện phải tiêm phòng... chưa đầy đủ, kịp thời.

Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch

Phun khử trùng chuồng trại tại một cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Từ nay đến cuối năm 2020, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành chăn nuôi là duy trì sản xuất, tăng nguồn cung phục vụ thị trường, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nguy cơ dịch bệnh là thách thức rất lớn với ngành chăn nuôi trong những tháng cuối năm. Do vậy, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cần tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, với phương châm phòng là chính. Trong đó, vệ sinh tiêu độc khử trùng là giải pháp hàng đầu. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng, làm sạch môi trường; đồng thời cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các bệnh nguy hiểm.

Để không xảy ra dịch chồng dịch trong bối cảnh Hà Nội đang tập trung phát triển chăn nuôi, bảo đảm mục tiêu tăng đàn lợn lên 1,8 triệu con và ổn định đàn gia cầm 36,8 triệu con,... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: "Trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm để ít nhất đạt tỷ lệ hơn 80% tổng đàn. Cán bộ thú y phải thực hiện việc giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, không để dịch bệnh lây lan... Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng 29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được thành phố phê duyệt để kiểm soát dịch bệnh".

Triển khai thực tế tại địa phương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì Hoàng Văn Dương thông tin: "Huyện Ba Vì đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các trưởng thôn phối hợp với ban thú y xã kiểm tra, giám sát việc tái đàn, tình hình dịch bệnh đến từng xóm, hộ gia đình, từ đó sớm phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi xảy ra".

Cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ), bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y; đồng thời, chủ động tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm…

Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, không để xảy ra dịch chồng dịch, lĩnh vực chăn nuôi mới có thể hoàn thành mục tiêu bảo đảm nguồn cung sản phẩm cho thị trường, góp phần ổn định giá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/977930/nguy-co-phat-sinh-dich-benh-gia-suc-gia-cam-phong-chong-ngay-tu-co-so