Nguy cơ đột quỵ khi thời tiết trở lạnh

Hỏi: Ngày càng có nhiều người bị đột quỵ và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hơn. Bác sĩ có thể cung cấp thông tin cơ bản về bệnh đột quỵ, nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biết căn bệnh này? Nguyễn Văn Mạnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Đáp: Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian càng kéo dài thì số lượng tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

Số bệnh nhân đột quỵ có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là với người trên 50 tuổi. Có 2 loại đột quỵ: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% tổng số ca bị đột quỵ hiện nay, bệnh do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não. Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt, gây xuất huyết não; nguyên nhân là thành động mạch mỏng, yếu hoặc xuất hiện các vết nứt.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Nhưng đây chính là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc; khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường; hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường
(Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai)

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/985175/nguy-co-dot-quy-khi-thoi-tiet-tro-lanh