Người trong một nước

Hồ Gươm - nơi gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại kiếm cho thần rùa. Ảnh: Hoàng Long

“Thấy người hoạn nạn thì thương/ Thấy người tàn tật lại càng trông nom”.

Hai câu thơ trong “Gia huấn ca”, từ thuở cắp sách đến trường, đến nay nhiều thế hệ học trò vẫn còn nhớ. Bài học khai tâm đầu đời là lòng yêu nước, yêu thương con người. “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lòng khoan dung của người Việt lớn lắm.

Đừng quên, sau mười năm nằm gai nếm mật đánh bọn nhà Minh, khi chúng thua trận, bị đánh tan tác không còn manh giáp phải cút về nước: “Bấy giờ có người xui Vương (Lê Lợi) rằng: lúc trước người Minh tàn ác lắm, nên đem giết cả đi. Vương không giết người Minh lại cấp cho thủy quân 500 chiếc thuyền giao cho Phương Chính và Mã Kỳ quản lĩnh; cấp lương thảo cho lục quân giao cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh; còn 2 vạn người đã ra hàng và đã bị bắt thì giao cho Mã Anh quản - lĩnh đem về Tàu. Vương Thông thì lĩnh bộ binh đi sau. Bình định vương tiễn biệt rất hậu (Trần Trọng Kim - “Việt Nam sử lược”). Khi Toa Đô bị chém đầu, vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự bào đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai táng cho tử tế v.v…

Lòng nhân ấy, còn dành cho kẻ thù, chứ huống gì cùng “đồng bào” máu thịt. Trong thời đại thế giới phẳng, người Việt càng dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin khắp năm châu bốn biển, trí khôn được mở mang nhiều hơn. Vậy lòng nhân vốn có sẽ phát huy mạnh mẽ hơn về tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”?

Có phải vậy không?

Khi bước ra đường, thấy cảnh ngộ đáng thương như cô gái trẻ ôm con nằm vật vạ trên lề đường van xin lòng thương hại; đứa trẻ què quặt van nài, khóc lóc kêu đói... không ít người mủi lòng từ bi hỉ xả nhưng than ôi, cảnh thương tâm ấy chính là “màn kịch” của nuôi bọn “chăn dắt” đứng đàng sau. Còn gì đau đớn, xúc phạm tồi tệ hơn? Lại nữa, khi đi ra đường nhìn thấy cô gái ngã xe, tất nhiên không ai dửng dưng bỏ mặc, nhưng vừa thể hiện lòng nhân, lập tức bọn đầu gấu ùa tới, diễn ngay trò đánh ghen, trấn lột và đẩy người hảo tâm ấy trở thành nạn nhân phải gánh lấy tai vạ... Những trò đểu diễn đi diễn lại khiến Lục Vân Tiên lương thiện, hào hiệp cũng chùn tay, do dự bởi biết đâu chỉ là một trò dàn cảnh của kẻ xấu?

Mới đây thôi, một anh tài xế gặp sự cố trên địa phận thành phố nọ. Do lúc đang đổ dốc, bất ngờ một chiếc xe du lịch băng ngang, để tránh gây tai nạn, anh phải đánh nhanh hết tay lái. Toàn bộ bia trên xe đổ lênh láng đầy đường. Lúc ấy, bàn dân thiên hạ “thấy người hoạn nạn thì thương”? Không, lập tức họ ùa vào “hôi của”. Mạnh ai nấy lấy.

Lần nọ, một chị đang chạy xe trên đường bỗng từ phía sau có người trờ tới, bảo: “Chị rớt cái gì đàng sau kìa”. Nói xong, vụt xe chạy. Chị ngẫm nghĩ: “Ủa, mình có đánh rơi gì đâu?” nên tiếp tục phóng xe. Không ngờ, ít phút sau, lại có người khác đuổi theo, cũng nói câu tương tự. Lần này, chị chột dạ, biết đâu mình đánh rơi gì chăng? Chị quay đầu xe lại. Rồi chuyện gì xảy ra? Đó chỉ là chiêu trò lừa gạt khiến không ít người cả tin sập bẫy vì họ ngây thơ tưởng rằng, ngày xưa “ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay “ra đường gặp người tốt”!

Thời buổi này, cáo già đội lốt nai tơ nhan nhản. Có gì nhẫn tâm hơn khi có người đánh mất giấy tờ, đăng thông tin trên báo, dán tờ rơi, thòng thêm lời khẩn cầu chu đáo “sẽ hậu tạ”, mong người nhặt được sẽ trả lại mình. Lập tức có tin nhắn, điện thoại gọi đến, chưa kịp mừng, hóa ra chỉ là trò đùa của những kẻ rỗi hơi hoặc tìm cách lừa đảo kiếm chác. Cứ thế, dần dà người ta đâm ra cảnh giác. Ai cũng có cảm tưởng, dẫu đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó tìm ra được người tốt.

Lòng nhân ái, đức khoan dung làm nên phẩm chất của người Việt đâu rồi? Tại sao có thể lợi dụng lúc người khác hoạn nạn, sa cơ thất thế để thủ lợi? Ngày nay không còn thiếu thốn, đói khát nhưng tại sao con người lại đớn hèn, tham lam đến thế? Mà dù có thế, từ ngàn xưa, phẩm chất của người Việt vẫn “đói cho sạch, rách cho thơm”, thậm chí “giấy rách giữ lấy lề” kia mà?

Có những điều không dám nghĩ tới, nay lại sờ sờ ra đó. Làm sao có thể nghĩ rằng trong hội chợ hoa, muôn hương nghìn tía khoe sắc lại có dòng người chen lấn, chụp giật những cánh hoa đẹp nhất, lại đẩy ngang nhiên xe ba gác chở luôn những chậu hoa quý? Có những cửa hàng giảm giá, dù giảm chẳng đáng vài xu nhưng người ta vẫn tranh mua đến độ đạp nhau lên đầu lên cổ? Có những người, lúc dừng sân bay quá cảnh, thò tay “thuổng” vài thứ chẳng đáng, dù họ đủ tiền mua gấp trăm lần? Có những người sành điệu, đi xe tay ga nhưng lại cướp vài tờ vé số của người mù lòa, tàn tật? Đâu phải do nghèo đói.

Lý giải những hiện tượng này như thế nào?

Mỗi một ngày, gặp một thông tin thể hiện lòng nhân ái, mọi người sẽ thấy vui hơn và càng tin người Việt vẫn tốt bởi đó là điều vốn có từ trong máu thịt, trong tâm thức… Sợ nhất, cái sự tốt xấu đan xen vào nhau dần dà đã dẫn đến sự vô cảm của mỗi người. Lòng nhân ái, sự hướng thiện đang bị thử thách ghê gớm. Sự thử thách này có khiến chúng ta mất lòng tin vào con người chăng? Tôi vẫn chọn câu trả lời của nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi vẫn không nguôi niềm tin vào con người”.

Niềm tin nào mà không trả giá?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nguoi-trong-mot-nuoc-516184.bld