Người phụ nữ mang cây 'xóa đói giảm nghèo' về với Cò Nòi

Những ngày này, các vườn dâu tây tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) bắt đầu vào mùa chín rộ sáng rực một màu đỏ. Nhiều năm qua, những cây dâu quê hương Nhật Bản này đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của bà con nơi đây.

Nhiều năm qua, dâu tây trở thành cây trồng chủ lực của xã Cò Nòi.

Chỉ tay về những ngọn đồi bạt ngàn sắc đỏ dâu chín, ông Nguyễn Văn Thêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Bản Dao Thảo, xã Cò Nòi, cho hay, khoảng 10 năm gần đây, cây dâu tây đã thay thế khoai, sắn… để trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều nông dân địa phương.

Theo ông Thêm, người đầu tiên đưa dâu tây về với Cò Nòi là chị Ngọc Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã dâu tây ICHI farm, HTX này được thành lập năm 2015, hiện tại có khoảng 100 hộ dân tham gia, chủ yếu là người đồng bào Dao, H Mông, Thái… Từ ngày tham gia HTX dâu tây, đời sống bà con thay đổi hoàn toàn, nhiều gia đình đã có ô tô đi.

Giống dâu tây được trồng ở xã Cò Nòi chủ yếu là dâu Hana của Nhật Bản

Chị Ngọc Mai cho biết, thời điểm ban đầu, bà con vẫn xa lạ và chẳng mấy quan tâm đến cách chăm sóc dâu hiện đại mà chị hướng dẫn nên đến mùa thu hoạch, sản lượng của bà con không tốt. Trong khi đó, vườn dâu do chị chăm sóc mang lại thành quả cao, lúc này người dân mới thấy cần thay đổi nên cùng bảo nhau làm theo.

Chị Ngọc Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã dâu tây ICHI farm

Theo chị Mai, do thời tiết năm nay thuận lợi nên tổng sản lượng của HTX dâu tây ICHI farm đạt hơn 2.000 tấn, gấp đôi so với năm ngoái. Sau mỗi năm thu hoạch, tính lợi nhuận mỗi hộ trong HTX lãi được khoảng hơn 100 triệu đồng.

Chị Mai cho biết, quả dâu tây được trồng ở Cò Nòi sau nhiều năm đã có thương hiệu và đang được mở rộng ra khỏi vùng trồng và bán tới tay rất nhiều khách hàng ở 2 thành lớn là Hà Nội và TPHCM. Thời gian thu hoạch dâu từ cuối tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau.

Thời gian thu hoạch dâu từ cuối tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau.

"Với giống dâu Hana từ Nhật Bản, chất lượng vượt trội so với các loại khác. Khi quả dâu đến tay khách hàng luôn nhận được những đánh giá tốt. Giống dâu này có thể vận chuyển đi xa vì quả khá khỏe, để được dài ngày mà không bị trầy xước", chị Ngọc Mai nói.

Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết, kể từ khi cây dâu tây xuấn hiện ở Cò Nòi cũng là lúc bà con bỏ tập quán canh tác "mạnh nhà nào biết nhà nấy" mà đoàn kết trong Hợp tác xã dâu tây ICHI farm.

Cũng theo lãnh đạo xã Cò Nòi, tính chung, toàn huyện Mai Sơn, diện tích trồng dâu tây ước khoảng 500ha. Riêng bản Tân Thảo, diện tích gần 100ha. Dâu tây được bà con trồng nhiều là giống Hana của Nhật Bản. Giống này cho chất lượng vượt trội so với các cây dâu thông thường. Khi chín, có vị ngọt đậm và thơm ngon không giống dâu bản địa. Đa phần sản phẩm dâu tây được định hướng trồng theo tiêu chuẩn Vietgap được kiểm soát từ giống, nguồn đất, nguồn nước.

Quả dâu tây khi chín có màu đỏ

Chị Lò Thị Hồng ở bản Mòn, xã Cò Nòi được biết đến là người dân tộc Dao thành công nhất khi chuyển đổi từ trồng ngô, mía sang trồng dâu tây. Nương dâu tây của chị Hồng là một trong những nương lớn nhất xã. Kể từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng dâu tây, chị Hồng đã có nhà cao tầng, xe ô tô để thăm thú ruộng nương. Sản phẩm làm ra đã có Hợp tác xã thu mua phân phối đi khắp nơi.

"Ngoài chăm sóc nương dâu của gia đình, đi hái dâu cho Hợp tác xã mỗi khi nông nhàn, cây dâu cũng đem lại thu nhập khá. Hiện tại mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 200 triệu đồng từ trồng dâu", chị Hồng tâm sự.

Vũ Thành

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-mang-cay-xoa-doi-giam-ngheo-ve-voi-co-noi-20240110174044812.htm