Người phụ nữ làng biển thoát nghèo với mô hình nuôi lợn bản trên cát

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển bãi ngang, cuộc sống chỉ dựa vào nghề đi biển bằng thuyền nan của chồng nên việc chỉ làm đủ ăn đã khó chứ chưa nói đến câu chuyện thoát nghèo và làm giàu ở vùng đất cát của xã biển Ngư Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình).

Ở xã biển bãi ngang Ngư Thủy, người dân trong xã đều biết đến trường hợp chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam là một điển hình trong việc vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.

Có được thành quả này là do sự phấn đấu của bản thân và sự động viên giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là Hội phụ nữ các cấp đã tạo điều kiện cho chị được tiếp cận với các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Chị Nguyễn Thị Huy xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy - Quảng Bình)

Trước đây gia đình chị Huy sống bằng nghề đi biển, công việc cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Thế nhưng, từ khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do Formosa gây ra, những người ngư dân như chị đều trở nên trắng tay, không biết làm nghề gì để sinh sống. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tìm hiểu những thông tin từ báo đài, internet, chị Huy nhận thấy mô hình trang trại nuôi lợn bản không những phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mà còn đem lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2013 chị Huy bàn với các thành viên trong gia đình mua giống lợn bản về nuôi. Có chút vốn dành dụm được, gia đình chị bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi lợn bản trên cát. Với 3 con lợn nái ban đầu, chị tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và các mô hình nuôi lợn bản khác, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi lợn bản, vừa làm, chị vừa trau dồi, tích lũy kinh nghiệm.

Không phụ những cố gắng đó, việc chăn nuôi của gia đình chị gặp nhiều thuận lợi với đầu ra cho sản phẩm luôn đảm bảo được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy có thể phát triển mô hình nuôi lợn bản trên cát nên đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, chị đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, đến nay mô hình nuôi lợn bản của chị đã có trên 30 con lợn thịt, 10 con lợn nái, mỗi năm xuất bán từ 1 – 1,3 tấn lợn thịt, giá lợn thịt bán trung bình khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg, cao điểm nhất là các dịp lễ, Tết giá cao hơn rất nhiều so với bình thường. Nếu trừ chi phí chị thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm, nhờ đó nguồn thu nhập của gia đình được cải thiện nhiều hơn trước.

Nuôi heo rừng trên cát tại xã Ngư Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh minh họa)

Mặt khác chị thường xuyên tìm tòi học hỏi, tích lũy trau dồi kinh nghiệm qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng về phương án làm sao để đàn lợn khỏe mạnh, phát triển tốt cần chú trọng về chất lượng con giống, kỹ thuật chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, để có nguồn thức ăn đảm bảo, tiết kiệm chị luôn lựa chọn nguồn hàng có uy tín và kết hợp với hoa màu tự nhiên như cám gạo, ngô, khoai, sắn và bột ghẹ biển khô thu mua từ bà con ngư dân. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, hàng ngày chị còn chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, hàng năm đều đạt gia đình văn hóa.

Từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế gia đình nhưng đã không khuất phục được quyết tâm của chị Huy. Sự cần cù, chịu khó, tìm tòi đã giúp chị thành công trên chính mảnh vườn của mình, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, chị Huy thực sự là một người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Từ mô hình nuôi lợn rừng trên đất cát theo hộ gia đình của chị Huy mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ngư Thủy Nam đã tìm hiểu, học hỏi, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi. Bằng những kinh nghiệm đã có của mình chị Huy cũng không ngần ngại chia sẻ, giúp đỡ bà con láng giềng để cùng nhau thoát khỏi cái nghèo.

Hiện, toàn xã Ngư Thủy Nam đã có hàng chục hộ phát triển mô hình này, tất cả đều mang lại kết quả khả quan. Chăn nuôi lợn rừng ngoài việc đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định còn góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động gia đình. Bên cạnh đó, lượng chất thải từ đàn lợn cũng cung cấp một lượng phân bón đáng kể cho trồng trọt. Mô hình chăn nuôi này đã và đang từng bước giúp phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, tạo một hướng đi mới trong chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.

Biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh vườn của mình, chị Huy đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, chị Huy ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình khi luôn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Vĩnh Quý

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-phu-nu-lang-bien-thoat-ngheo-voi-mo-hinh-nuoi-lon-ban-tren-cat-20231213163952911.htm