'Người phản đối là chưa hiểu áo dài ngũ thân truyền thống'

'Đây là ý tưởng rất tốt, làm có bài bản, lớp lang. Việc mặc áo dài ở công sở mà Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế vận động là rất đáng trân trọng'.

Về việc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế khuyến khích nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm việc vào ngày đầu tuần mỗi tháng, nói với Zing, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách ủng hộ điều này.

Ông cho rằng việc đàn ông mặc áo dài đi làm nên được xem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm chưa đúng trong việc sử dụng trang phục này.

'Đã mặc thì phải mặc cho đúng'

Ông Trịnh Bách cho biết áo dài của đàn ông xuất hiện từ xưa.

Đàn ông và nhất là giới sĩ tử ở Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam) lúc đó hay mặc áo dài màu đen may bằng vải lụa hay vải lương, trông giống như áo chùng thâm của các giáo sĩ Công giáo. Và họ cũng chít khăn trên đầu như nữ giới.

Điều này có nghĩa là từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, và từ trước đó, áo dài của nam giới đã thông dụng ở vùng Thuận Quảng. Từ đó cho tới bây giờ, ở các lễ hội khắp nơi trong nước, đàn ông vẫn mặc áo dài.

'Trân trọng việc cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống' "Đây là ý tưởng rất tốt, làm có bài bản, lớp lang. Việc mặc áo dài trong công sở mà Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế vận động là rất đáng trân trọng", họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nhiều người nói nam giới mặc áo dài kỳ cục có khi vì những người cách tân áo dài nam hiện nay làm vạt áo quá dài, thân lại chật chội cho nên trông có vẻ luộm thuộm, thõng thượt. Áo dài đàn ông truyền thống ngắn vừa phải, thường chỉ ngay dưới đầu gối, thân áo may thoải mái và rất nam tính.

“Nhiều người nói áo dài cồng kềnh bất tiện. Nhưng tôi nghĩ áo dài nhẹ, không cồng kềnh hay khó chịu bằng veston. Căn bản là áo dài do người mình ở xứ nóng tạo ra, để mặc cho thoải mái, hợp với khí hậu xứ nóng và hợp với nhân dáng của người mình. Còn Âu phục do người bên xứ lạnh tạo ra theo lối hợp với khí hậu của xứ lạnh”, ông Bách nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa dẫn ra các nữ tiếp viên hàng không, làm việc quần quật từ ở quầy vé cho đến trên máy bay, làm ngày và đêm vẫn mặc áo dài thoải mái, bao lâu nay chưa thấy ai kêu than. Ông cho rằng mỗi người một quan điểm nhưng phải hợp lý.

Ủng hộ việc mặc áo dài nhưng ông Trịnh Bách cho rằng đã mặc áo dài thì cần phải mặc cho đúng cách và nói rõ là áo dài 5 thân truyền thống.

 Cán bộ nam ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tháng. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

Cán bộ nam ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tháng. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

“Từ xưa đến giờ trong dịp trang trọng đàn ông toàn mặc áo dài màu đen. Ở châu Âu, những dịp trang trọng người ta mặc các y phục như soireé, tuxedo, smoking màu đen. Hay hanbok (Hàn Quốc), takama (Nhật Bản) được mặc trong các dịp trang trọng cũng đều may bằng vải màu đen.

Ở nước ta thời xưa, dù là một vị vua khi mặc áo long cổn để tế trời, cũng phải khoác một cái áo lương đen ra ngoài. Áo dài tay hẹp màu lam và màu lục trơn không có hoa văn của nam giới hồi trước là màu áo của người giúp việc. Các chức sắc bên trên dùng các màu vải này và vải áo thanh cát màu lam pha xám dệt thô để may áo rộng (áo thụng), chứ không dùng để may áo dài.

Ngoài ra, dân văn phòng bên văn hóa là quan văn thì phải đội khăn chữ nhân chứ không được đội khăn chữ nhất (dành cho quan võ)”, nhà nghiên cứu văn hóa nói.

Ông Bách cho biết cái thẻ bài mà các công chức sở này đeo cũng không đúng ở chỗ cái sợi lòng thòng bên dưới. Cái “lòng thòng” đó hoàn toàn không có trong trang phục, lễ phục Việt Nam.

Cái kim tòng của thẻ bài ngày xưa bện thô bằng sợi, hình con bướm với từ 3 đến 5 tua bên dưới như rẻ quạt, rất nhỏ, được đeo dấu hoàn toàn đằng sau thẻ bài. Về sau người ta không đeo cái kim tòng lót đó nữa. Bài và khánh có các nguyên tắc để đeo chứ không tùy tiện được.

“Đàn ông mặc áo dài đi làm như vậy cũng nên là chuyện bình thường. Nhưng đã mặc thì phải mặc cho đúng”, ông Bách nhấn mạnh.

Nhiều người chưa hiểu về áo dài ngũ thân

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, nhận xét ý tưởng của Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế rất hay, một cố gắng rất lớn, thiết thực để tôn vinh di sản áo dài mà khó nơi nào làm được.

"Tôi rất đồng tình việc công chức mặc áo dài. Đây là ý tưởng rất tốt, làm có bài bản, lớp lang. Việc mặc áo dài trong công sở mà Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế vận động là rất đáng trân trọng", ông Bình nói.

Đối với những ý kiến phản đối, họa sĩ này cho rằng nhiều người chưa hiểu về áo dài ngũ thân truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Bình (áo vàng) mặc áo ngũ thân tham quan bảo tàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Hiện nay, hình ảnh về áo dài ngũ thân nguyên bản đã bị áo dài kiểu trang phục sân khấu chiếm lĩnh, đi kèm đó là sự tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ nên nhiều người cứ so sánh với trang phục diễn viên, đặc biệt diễn viên phản diện. Mọi người chỉ biết đến thông qua lăng kính của các vở kịch, bộ phim hài. Đấy là những trang phục không phải truyền thống mà đã được họa sĩ thiết kế biến đổi, cách tân", Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống nói.

Ông cho biết trải qua nhiều giai đoạn, chiếc áo dài đã được chỉnh sửa để phù hợp thời tiết khí hậu. Với những ý kiến cho rằng áo dài vướng víu, luộm thuộm, ông Bình phản bác.

"Đó là những chiếc áo dài được may không đúng, hoặc là những chiếc áo đã cách tân. Áo dài ngũ thân truyền thống vạt chỉ ngang đầu gối. Quần chun, áo không bỏ thùng và tay chẽn nên rất tiện cho các hoạt động. Thậm chí, trang phục áo ngũ thân còn che được những nhược điểm của người đàn ông như bụng bia, béo, đầu hói, tóc bạc, dáng nhỏ", vị chuyên gia bày tỏ.

Ông Bình cho biết theo tìm hiểu, ở Việt Nam cũng như ở Huế hiện gần như khan hiếm nghệ nhân may áo ngũ thân. Do đó, ý tưởng này của Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế cần phải được ủng hộ để góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phan-doi-la-chua-hieu-ao-dai-ngu-than-truyen-thong-post1130589.html