Người miệt mài giữ lửa nghệ thuật chèo

Lời ru nồng nàn của NSND Thanh Hoài cùng tiếng đàn bầu lắng đọng, chạm đến từng cung bậc cảm xúc của khán giả trong màn mở đầu chương trình bảo tồn âm nhạc truyền thống 'Tiếng làng ta', một đêm diễn đầu năm mới ở phố cổ Hà Nội. Thanh Hoài không chỉ có giọng hát 'vàng' mà còn là một nghệ sĩ tận tâm tận lực với nghề.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài (bên phải) trong chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.

Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Thị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Hưng Hà (Thái Bình). Ðược sinh ra trong cái nôi của chiếu chèo làng Khuốc xứ bắc, cho nên bà đã thấm nhuần những câu hát chèo ngọt ngào từ thuở nhỏ. Những câu hát ấy đã biến thành niềm say mê đưa cô gái trẻ Thanh Hoài đến với Nhà hát Chèo Việt Nam khi bước vào tuổi 15. Thanh Hoài cho biết, bà may mắn được các cụ nghệ nhân trong Nhà hát Chèo chỉ dạy tận tình cho nên học được những gì tinh túy, tốt đẹp nhất của nghệ thuật chèo. Với chất giọng mượt mà, truyền cảm, tâm hồn yêu ca hát, lại được sự dìu dắt, dạy bảo tận tình của những bậc thầy tài hoa, sau ba năm học, bà tốt nghiệp với số điểm cao nhất cho vai Súy Vân trong trích đoạn “Súy Vân giả dại” của vở chèo cổ “Kim Nham”. Ngoài vai diễn này, NSND Thanh Hoài còn khẳng định tên tuổi của mình trong làng chèo Việt Nam qua nhiều vở diễn khác như: “Từ Thức gặp tiên”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, “Quan Âm thị kính,” “Bà chúa Liễu”… Theo bà, chèo là nghệ thuật truyền thống dân gian cho nên có sự tương đồng trong diễn xướng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như chầu văn, hát xẩm…, tuy nhiên, cái khó là phải hát theo tính cách nhân vật. Trải qua mấy chục năm theo đuổi nghệ thuật chèo, bà luôn đảm nhận những vai chính diện, nội tâm phức tạp. Thanh Hoài kể, vai diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp diễn của mình là vai Giáng Hương trong vở “Từ Thức gặp tiên”. Ngày ấy, bạn diễn cùng vai với bà mắc bệnh phải đi cấp cứu không thể tham gia được. Nhờ có sự đam mê và tinh thần tìm tòi, học hỏi nên khi lên sân khấu bà đã diễn thay được ngay và giành Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 1990 với vai diễn này. Ðây cũng là một vai diễn khó khăn nhất giúp bà đoạt giải cao cho nên bà trân trọng, ghi nhớ mãi.

Không chỉ theo đuổi nghệ thuật chèo, NSND Thanh Hoài còn học nhiều loại hình nghệ thuật khác như ca trù, hát văn, hát xẩm, quan họ, ngâm thơ. Ở lĩnh vực nào bà cũng ghi dấu ấn nhất định trong lòng công chúng. Cho đến bây giờ khi đã gần bảy mươi tuổi, bà vẫn không ngừng học tập trau dồi nghề nghiệp. NSND Thanh Hoài từng được nhận sáu Huy chương vàng, bốn Huy chương bạc tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật trong nước. Ngoài ra, bà còn giành nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ thi, liên hoan trong nước và quốc tế như: Giải đặc biệt Liên hoan Âm nhạc dân gian quốc tế ở Quảng Châu (Trung Quốc), Giải Chuông vàng Liên hoan Âm nhạc dân gian quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Với những cống hiến ấy, năm 1992, nghệ sĩ Thanh Hoài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và năm 2007 bà vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.

Ngoài đời, NSND Thanh Hoài sống giản dị, khiêm nhường, luôn tận tình chỉ bảo lớp đàn em đi sau. Với lòng nhiệt huyết và tâm thế của một người nghệ sĩ, bà không chỉ cống hiến cho nghệ thuật chèo những vai diễn để đời khi đang còn là diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam, mà ngay cả khi đã về hưu, ở tuổi 70, bà tiếp tục lao động miệt mài để truyền lại niềm đam mê ấy cho thế hệ trẻ. Hiện nay, bà vẫn tham gia giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh, dạy hát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam; nhiệt tình tham gia nhóm Ðông Kinh cổ nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như NSND Xuân Hoạch, Minh Gái, Thúy Ngần, Thanh Bình,…

Gần trọn đời theo đuổi nghệ thuật truyền thống, với hơn 50 năm cống hiến, Thanh Hoài luôn sát cánh cùng “vận mệnh” của nghệ thuật chèo ngay cả khi chèo không còn “thịnh” trên sân khấu. Trăn trở, hiểu được cái “khó” của chèo trong đời sống nghệ thuật hôm nay, nhưng NSND Thanh Hoài vẫn không ngừng cống hiến với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa tình yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc.

DƯƠNG THẢO MY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/39106602-nguoi-miet-mai-giu-lua-nghe-thuat-cheo.html