Người đưa tò he ra khỏi 'lũy tre làng'

Miệt mài đóng góp bảo tồn nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của quê hương, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đang đưa tò he - đồ chơi truyền thống vượt khỏi 'lũy tre làng'...

Sáng tạo và biến tấu

Đặc sắc sản phẩm tò he do nghệ nhân Đặng Văn Hậu sáng tác. Ảnh NVCC.

Tác phẩm tò he “Rước đèn trung thu” của nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985, ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) vừa đoạt Giải đặc biệt Hội thi Sản phẩm làng nghề Hà Nội lần đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Qua đôi tay điêu luyện, từ những cục bột nhiều màu sắc, chỉ trong vài phút đồng hồ, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã biến hóa thành những sản phẩm độc đáo, giàu tính nghệ thuật như: Chim cò, phẩm oản, 12 con giáp, mâm ngũ quả, công, phượng, lục súc tranh công, đôi hài, thiềm thừ, tứ linh…

Sinh ra, lớn lên ở làng Xuân La - nơi có nghề nặn tò he “độc nhất vô nhị”, từ nhỏ, anh Đặng Văn Hậu đã được ông ngoại là nghệ nhân nổi tiếng Đặng Văn Hạ chỉ bảo tận tình về kỹ thuật thực hiện và truyền lại câu chuyện lịch sử của tò he. Cứ vậy, tình yêu với môn nghệ thuật này lớn dần, anh chọn nặn tò he là nghề, dành cả tâm huyết để bảo tồn, phát triển...

Bằng sự sáng tạo không ngừng, anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm tò he độc đáo, mang đậm tính dân gian, có kỹ thuật, mỹ thuật… Cùng sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân cao tuổi của làng, anh Đặng Văn Hậu đã nghiên cứu, tìm tòi khôi phục được những con giống bột xa xưa bị thất truyền.

“Thậm chí, những người chuyên sưu tầm đồ cổ muốn tôi phục chế một số đồ vật, tôi cũng đáp ứng yêu cầu. Tôi đang làm trang phục triều đình Nguyễn nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, không chỉ mất thời gian nặn mà còn phải nghiên cứu để chính xác từng họa tiết”, anh Hậu nói.

Bên cạnh sản phẩm truyền thống, đôi lúc, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng “biến tấu” trong tạo hình để tò he vừa truyền thống, vừa hiện đại, hấp dẫn người chơi. Ví dụ, vào dịp Trung thu, anh Hậu thiết kế ra bộ tò he có chị Hằng, chú Cuội mặc trang phục Việt Nam nhưng với khuôn mặt chibi (phong cách vẽ tranh Nhật Bản, với những nhân vật được vẽ nhỏ bé, dễ thương, được phóng đại như đôi mắt to, đầu to, thân thấp – PV). Hoặc vào Lễ Giáng sinh, anh thiết kế những ông già Noel đứng cạnh công chúa Elsa (nhân vật trong phim hoạt hình được nhiều trẻ em yêu thích - PV). Chính sự thay đổi, biến tấu đó thu hút sự thích thú của trẻ em, tăng sức cạnh tranh của đồ chơi truyền thống.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu bên tác phẩm tò he. Ảnh NVCC.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân của thành phố khi 29 tuổi - nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng Xuân La.

Giúp tò he "sống" dài hơn

Trong câu chuyện về việc đưa tò he ra khỏi “lũy tre làng’, anh Đặng Văn Hậu cho biết, đó là nỗ lực rất lớn từ việc tìm kiếm thay thế nguyên liệu sản xuất đến thiết kế mẫu mã, quảng bá...

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu thường xuyên trình diễn, đưa sản phẩm quảng bá tại các sự kiện, khu du lịch, hội chợ... Ảnh NVCC.

Riêng về nguyên liệu để sản xuất, anh Đặng Văn Hậu cho biết: Trước kia, người Xuân La dùng bột gạo tẻ nghiền mịn pha với nguyên liệu tự nhiên như màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng... Đến khoảng năm 1960, người Xuân La làm bột từ gạo nếp dẻo hơn, dễ dàng tạo tác, bán tại nhiều nơi, lan tỏa tới miền Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu với tác phẩm "Rước đèn ông sao" đoạt giải Đặc biệt Hội thi Sản phẩm làng nghề Hà Nội.

Tuy vậy, làm từ bột truyền thống, tò he chỉ để được 1-2 ngày sẽ bị khô, mốc, nứt hỏng nên từ năm 2014, anh Đặng Văn Hậu mày mò, tìm tòi, nghiên cứu ra phụ gia pha vào bột để tò he "sống" dài hơn, đi xa hơn. Cũng chính từ kỹ thuật tinh xảo trong tạo tác sản phẩm nên một số sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu có giá lên tới hàng trăm nghìn đồng; các bộ tò he có giá hơn 1 triệu đồng...

Hiện nay, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu thường xuyên mang sản phẩm tò he đến các khu du lịch, hội chợ thủ công. Anh Hậu cũng được mời tham dự nhiều talkshow, trình diễn công đoạn tạo sản phẩm tại nhiều sự kiện văn hóa của trung ương và thành phố... Sản phẩm của anh Đặng Văn Hậu vừa phục vụ em nhỏ với những sản phẩm vài chục nghìn, vừa hướng đến thị trường cao cấp là sản phẩm quà tặng thủ công mỹ nghệ.

Tò he - thứ đồ chơi dân dã của trẻ em qua đôi tay tài hoa của nghệ nhân trẻ đã được nâng tầm giá trị trong cuộc sống hiện đại.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguoi-dua-to-he-ra-khoi-luy-tre-lang-645552.html